Cục Thi hành án dân sự Gia Lai tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết án

(PLVN) - Trong bối cảnh số vụ việc, giá trị thụ lý thi hành án 5 tháng đầu năm tăng cao, số vụ việc năm trước chuyển sang còn nhiều, án tín dụng ngân hàng dự kiến năm năm 2021 sẽ tăng đột biến và trong 3 tháng đầu năm tỉnh Gia lai phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đòi hỏi Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai phải nỗ lực quyết tâm cao mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Lãnh đạo Cục chủ trì buổi làm việc ngày 19/3/2021

Thực tiễn công tác thi hành án dân sự 5 tháng đầu năm 2021 gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án: Số vụ việc, giá trị thụ lý thi hành án 5 tháng đầu năm 2021 tăng cao (số việc thụ lý mới đã tăng lên 4.148 việc, tương ứng với số tiền là 483.307.201 ngàn đồng, nâng mức tổng thụ lý lên 10.968 việc, tăng 250 việc so với cùng kỳ năm 2020; với 1.834.845.788 ngàn đồng, tăng 348.880.176 ngàn đồng so với cùng kỳ năm 2020). Đặc biệt, năm 2020 trên địa bàn tỉnh có rất nhiều vụ việc “vỡ nợ”, án tín dụng ngân hàng lên đến hàng trăm tỷ đồng và sẽ được Tòa án xét xử trong năm 2021; Số vụ việc năm trước chuyển sang còn nhiều. Bên cạnh đó, trong 3 tháng đầu năm tỉnh Gia lai phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhất là một số đơn vị khu vực phía Nam của tỉnh thực hiện cách ly (Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện, Ayun Pa), Gia Lai có địa bàn rộng (17 đơn vị hành chính), đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số của tỉnh, mùa mưa thường kéo dài 5 - 6 tháng;… trong khi đó lượng biên chế phải tinh giảm rất nhiều (từ 175 biên chế năm 2016 xuống còn 164 biên chế năm 2021) nên Lãnh đạo Cục xác định sẽ rất khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2021 nếu không nỗ lực vượt bậc, đồng lòng chung sức của cán bộ, công chức, người lao động toàn Hệ thống.

Nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác về thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2021, chiều ngày 19/3/2021, tập thể Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã có buổi làm việc với các Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thị xã, thành phố để nghe báo cáo tình hình thực hiện kết quả thi hành án dân sự 5 tháng năm 2021 của từng đơn vị; quán triệt, chia sẻ những khó khăn, thách thức của tình hình thực hiện chỉ tiêu năm 2021; đồng thời trên tinh thần gợi mở, thẳng thắn làm rõ trách nhiệm, vai trò của lãnh đạo Cục, Chi cục, Chấp hành viên trước chức trách, nhiệm vụ được giao; chấn chỉnh, chỉ đạo một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm tăng cường công tác lãnh đạo, điều hành đối với các vụ việc giá trị lớn, khó thi hành và các vụ việc phức tạp, tồn đọng. Bên cạnh đó, tập trung bàn các giải pháp thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 do Tổng cục giao, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm:

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên; chế độ trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, chống trì trệ trong đội ngũ cán bộ THA; quán triệt, yêu cầu Chấp hành viên tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức cũng như tinh thần trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành án, nỗ lực vượt bậc trước những khó khăn, thách thức của tình hình thực hiện chỉ tiêu năm 2021.

Việc thực hiện đạt các chỉ tiêu về thi hành án dân sự sẽ phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả công việc của các chấp hành viên. Do đó, trong bối cảnh án thụ lý thi hành ngày càng tăng nhưng biên chế ngày càng giảm, bên cạnh các giải pháp chung được đề ra, hơn ai hết, từng chấp hành viên cần phát huy hơn nữa vai trò, tích cực, chủ động hơn và không ngừng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao để đóng góp vào việc hoàn thành chỉ tiêu chung của toàn Hệ thống THADS.

Hai là, trong thời gian chờ đợi ý kiến của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự về đề xuất biệt phái công chức, Chấp hành viên từ các đơn vị cho tỉnh Gia Lai, Lãnh đạo Cục sẽ thực hiện biệt phái Chấp hành viên ở một số Chi cục có lượng án thấp, ít khó khăn, phức tạp tới Chi cục lượng án tăng đột biến, khó khăn, phức tạp hơn để giải quyết án, nhằm góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của Hệ  thống thi hành án dân sự tỉnh.

Ba là, đối với Lãnh đạo Chi cục phải không ngừng nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành; phân công, phân nhiệm trong tập thể lãnh đạo một cách hợp lý; theo dõi đôn đốc án của từng Chấp hành viên nhằm kịp thời chấn chỉnh các sai sót, vi phạm; tập trung rà soát, phân loại án, tăng cường xác minh án miễn giảm, án có điều kiện thi hành để giải quyết kịp thời nâng cao chỉ tiêu; theo dõi tiến độ thực hiện án của từng chấp hành viên đảm bảo tiến độ, quy trình giải quyết án theo quy định của pháp luật và chỉ tiêu được giao, thường xuyên báo cáo tỷ lệ thi hành án, những khó khăn, vướng mắc cho Lãnh đạo Cục phụ trách đơn vị để kịp thời chỉ đạo; tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

Bốn là, quán triệt Chỉ thị 04- CT/BTVTU ngày 04/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh đến toàn thể cán bộ, đảng viên; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp về thi hành án dân sự, các vụ án có giá trị lớn, phức tạp, khó thi hành, các vụ án liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Năm là, án liên quan đến đất đai, tài sản liên quan đến bất động sản thường chiếm số lượng lớn các vụ án được tổ chức thi hành vì vậy cần phối hợp tốt với Sở và Phòng Tài nguyên & Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trong việc tổ chức xác minh, thi hành án và thực hiện các thủ tục chuyển giao tài sản; phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân giải quyết dứt điểm các án miễn giảm, sớm đưa các vụ việc tài sản kê biên có tranh chấp ra xét xử; phối hợp các ngành liên quan, đoàn thể và chính quyền địa phương trong việc tống đạt các văn bản đến đương sự, vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án; kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án”;…   

Đọc thêm