Xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đã có cuộc trao đổi với báo chí.
-Ngành chăn nuôi đã thực hiện những biện pháp gì trong thời gian qua để loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi, thưa ông?
Ông Hoàng Thanh Vân: “Cuộc chiến” với chất cấm được ngành chăn nuôi chia làm 2 giai đoạn.
Từ tháng 7/2015 - 4/2016, toàn ngành dồn sức cho việc thanh, kiểm tra phát hiện sai phạm để xử lý triệt để. Trong giai đoạn này, đặc biệt vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016, số lượng vi phạm được phát hiện nhiều chưa từng có. Vi phạm phát hiện ở tất cả các khâu, từ chăn nuôi, giết mổ cho đến chế biến.
Thông qua kiểm tra thực tế, chúng tôi cũng đã hoàn thiện thêm các văn bản có liên quan về việc xử phạt các vi phạm về chất cấm. Hiệu quả nhất chính là đề xuất xử phạt dùng chất cấm sẽ bị xử lý nặng, có thể đi tù đến 20 năm và phạt tiền lên tới hàng tỷ đồng. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.
Giai đoạn 2 chúng tôi đang tiến hành từ tháng 3 cho đến nay, đó là song song với thanh tra, xử lý vi phạm là đẩy mạnh truyền thông để người chăn nuôi không sử dụng chất cấm qua báo chí, tuyên truyền nội dung các văn bản quy định về chất cấm... Cùng với đó, chúng tôi thực hiện ký cam kết nói không với chất cấm tại tất cả các tỉnh, thành phố.
-Như vậy, giai đoạn này của cuộc chiến với chất cấm trong chăn nuôi đang được thúc đẩy bằng truyền thông. Ông có thể cho biết, những cách thức truyền thông nào được Cục đẩy mạnh trong thời gian này?
Ông Hoàng Thanh Vân: Chúng tôi đang tập trung vào 3 cách thức tuyên truyền. Thứ nhất là phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin cho người dân biết việc về thực trạng và việc xử phạt những người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Cách thức thứ hai là tuyên truyền qua hệ thống chuyên ngành bằng giấy tờ, công văn chính thức của Bộ NN&PTNT đến các tỉnh và huyện. Thứ ba là vận động người chăn nuôi ký cam kết không dùng chất cấm.
Thông qua báo chí, những nơi dùng chất cấm đã bị “bêu” tên thì khó có thể kinh doanh tiếp, chưa nói đến việc tái phạm. Thông tin từ báo chí cũng lôi cuốn theo thông tin từ cộng đồng mạng xã hội - đây là nơi có tiếng nói lan tỏa và tạo hiệu ứng cao.
Thông qua đường văn bản, chúng tôi cũng truyền tải thông điệp tới 63 Sở NN&PTNT về những quy định, biện pháp xử lý với hành động dùng chất cấm. Từ đó, các Sở cũng mở rộng công tác tuyên truyền để nhân dân và người nuôi hiểu được những thiệt hại khi dùng chất cấm, đặc biệt là những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và bản thân người nuôi.
Việc thực hiện ký cam kết địa phương không dùng chất cấm trong chăn nuôi cũng được hưởng ứng mạnh mẽ. Không chỉ là những lễ ký mang tính tượng trưng, các địa phương ký kết đã có nhiều biện pháp để người chăn nuôi hiểu rõ hơn về việc dùng chất cấm.
Trước đây, nhiều người chăn nuôi không thể phân biệt được các loại chất cấm, vì thế họ vô tư sử dụng các chất này mà không hiểu rằng mình đang vi phạm pháp luật. Cùng với việc ký cam kết, các cơ quan chức năng đã lồng ghép tuyên truyền bằng những biện pháp cụ thể, chẳng hạn đem các chất cấm tới tận nơi để người chăn nuôi nhìn thấy, đồng thời giúp họ phân biệt màu sắc, cảm quan, mùi khi trộn các chất này với thức ăn, từ đó giúp người chăn nuôi hiểu rõ, hiểu đúng về chất cấm trong chăn nuôi.
-Hiệu quả của các biện pháp loại bỏ chất cấm này như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Thanh Vân: Chúng tôi có thống kê trước khi tăng cường quản lý chất cấm so với hiện nay thì thấy được hiệu quả rõ rệt.
Ví dụ, trước đây tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ việc dùng chất cấm có thể lên tới 30-40% tùy địa phương, nhưng cho đến nay khảo sát lại chỉ còn khoảng 6-8% các hộ chăn nuôi có chất cấm. Hay tại các cơ sở giết mổ, trước đây tỷ lệ nhiễm chất cấm dao động từ 16-22%, đến nay kiểm tra lại chỉ còn từ 3-5%.
Thông qua chiến dịch này chúng tôi đã thu hút được đông đảo doanh nghiệp và chính quyền địa phương cùng vào cuộc. Ví dụ, khi chúng tôi thực hiện ký cam kết với các tỉnh thì ngay địa bàn nhiều tỉnh đã thực hiện ký cam kết đến tận tuyến huyện, có huyện huy động tất cả người chăn nuôi cùng ký cam kết.
Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi như Ancho, Proconco, CP đã chung tay cùng nông dân loại trừ chất cấm bằng những hành động thiết thực, đặc biệt là hỗ trợ lượng lớn các kit thử để kiểm tra chất cấm tại chỗ. Các kit thử này giờ đã được nhiều trang trại chăn nuôi chủ động mua về để kiểm soát trong quá trình sản xuất.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!