Đây là 1 trong 10 mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc trong tháng 5/2016. Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam chi 140 triệu USD nhập TTS Trung Quốc, tính ra mỗi tháng Việt Nam phải chi hơn 616 tỷ đồng, mỗi ngày Việt Nam phải dành ít nhất 20,5 tỷ đồng để nhập TTS từ quốc gia này. Trong tháng 5/2016, TTS là 1 trong 15 mặt hàng nhập khẩu lớn nhất và có kim ngạch trên 20 triệu USD.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc khi nhập khẩu TTS. Trong danh sách các nước xuất khẩu TTS về Việt Nam, Trung Quốc luôn là nước cung cấp lớn nhất, nhiều nhất, sau đó là Ấn Độ, Israel và Thái Lan… Tuy nhiên, kim ngạch nhập TTS của các thị trường trên chỉ bằng 1/3 so với kim ngạch mà Việt Nam nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc. Nguyên nhân là do sản phẩm này giá cạnh tranh, thủ tục nhập khẩu dễ và đối tác đã nghiên cứu kỹ nông vụ của Việt Nam để đưa ra những sản phẩm phù hợp.
Sâu thì phải nhập, nhưng câu chuyện nhập TTS Trung Quốc vào Việt Nam đang đặt ra các câu hỏi.
Thứ nhất, các nhà khoa học trong lĩnh vực bảo vệ thực vật (BVTV), các doanh nghiệp trong lĩnh vực này của Việt Nam đã hoàn toàn thất bại (dẫu nếu thống kê các nhà khoa học có học vị tiến sỹ trong lĩnh vực vày của Trung Quốc chưa chắc đã bằng Việt Nam). Chúng ta đã thua trên sân nhà.
Thứ hai, thị trường TTS ở Việt Nam đang quá rối loạn, mảnh đất “màu mỡ” cho tình trạng kinh doanh, buôn bán trái phép. Đơn cử, ngày 14/4/2016, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam (C49, Bộ Công an) phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT bóc gỡ đường dây nhập lậu TTS hết hạn sử dụng, giả nhãn hiệu để tung ra thị trường tiêu thụ, lừa dối khách hàng. 10.641 chai thuốc hết hạn sử dụng đã được phát hiện. Còn bao nhiêu vụ việc không được phát hiện? Bao nhiêu nông dân bị lừa?
Thứ ba, thực tế đáng buồn hiện nay là nông dân không dám ăn rau họ trồng để bán mà phải trồng riêng để ăn. Bởi vì rau họ ăn thì không phun TTS, còn rau đem bán thì phun. Hàng năm, lượng bao bì, vỏ chai TTS thu gom được hàng chục ngàn tấn, cho thấy mức độ tiêu thụ thuốc BVTV của nông dân hiện nay là rất lớn. Kiểm tra tại các cơ sở sản xuất rau an toàn nhưng hầu hết đều không thể “an toàn” bởi người trồng rau vẫn sử dụng TTS, sử dụng thuốc ngoài danh mục…Như vậy là lợi ít, độc hại nhiều.
Thứ tư, TTS, thuốc BVTV không chỉ làm gia tăng chi phí sản xuất mà còn đang gây ra những bất ổn trong sản xuất nông nghiệp. Vấn đề là bao giờ có thuốc thay thế?
Không lẽ, Việt Nam mãi mãi là thị trường của thuốc độc?.