Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân: Phải xử lý triệt để các vi phạm khai thác IUU

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - EC khuyến cáo nước ta cần quyết liệt hơn nữa trong xử phạt các hành vi khai thác IUU, đặc biệt hành vi ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời khẩn trương đưa vào triển khai đồng bộ, thống nhất hệ thống phần mềm dùng chung cho ngư dân trong nước do Cục Thủy sản xây dựng, quản lý, phát triển; cài đặt và sử dụng bằng điện thoại thông minh (eCDT).
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Vũ Vân Anh)
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Vũ Vân Anh)

Những thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị hướng dẫn xử lý vi phạm quy định về VMS, do Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức ở Đà Nẵng ngày 12/6.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra. Từ đầu 2024 đến nay xảy ra 24 tàu/159 ngư dân mang số đăng ký của các tỉnh Kiên Giang, Bình Định, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu bị các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia bắt giữ, xử lý. Tình hình có diễn biến phức tạp như tàu cố tình sử dụng biển số giả, xóa số đăng ký, chưa sang tên đổi chủ, hoặc tháo gửi thiết bị VMS sang tàu khác, ngắt kết nối ở khu vực vùng biển giáp ranh các nước…

Nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC); Bộ NN&PTNT (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) đã tổ chức đoàn công tác làm việc với Tổng vụ các vấn đề về Biển & Thuỷ sản (DG-Mare) của EC tại Bỉ từ 22 - 26/4/2024 về kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 (tháng 10/2023).

Bộ NN&PTNT cho biết, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU, nhất là việc cơ quan thẩm quyền đã hoàn thiện khung pháp lý và một số cải thiện trong quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc, xử phạt các hành vi khai thác IUU.

Tuy nhiên, EC khuyến cáo nước ta cần ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, quyết liệt hơn nữa trong xử phạt các hành vi khai thác IUU; đặc biệt hành vi ngắt kết nối VMS, khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời khẩn trương đưa vào triển khai đồng bộ, thống nhất hệ thống eCDT.

Việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt gần 100% là nỗ lực rất lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, EC khuyến nghị với tình trạng mất kết nối, kết quả xác minh, xử phạt còn rất hạn chế. Một số trường hợp không xử phạt bị đánh giá có lý do thiếu thuyết phục. “Vì vậy, cần xử lý triệt để, đến cùng các vụ việc vi phạm. Kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu cá mất kết nối dài ngày, bảo đảm xác minh cụ thể từng trường hợp. Tăng cường cơ chế giám sát, xử lý trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng chức năng địa phương nếu không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong việc xác minh, xử lý hành vi vi phạm VMS”, báo cáo nêu.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nói, nếu cơ quan chức năng “bó tay” với vi phạm khai thác IUU thì có thể từ “thẻ vàng” thành “thẻ đỏ”. “Có việc rất đơn giản, cần xác minh xử lý, cần có bằng chứng, thì chúng ta không làm kịp thời. Vẫn có tình trạng xâm phạm vùng biển nước ngoài, vẫn có tàu đánh bắt sai vùng, sai tuyến. Vẫn có tàu tắt VMS”, ông Luân nói.

Theo ông Luân, tháng 10/2024, dự kiến đoàn EC sang Việt Nam, nên hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài phải giảm, “không có trường hợp nào là tốt nhất”. Phải nghiêm túc quản lý tàu từ xuất bến, khai thác trên biển, sản lượng qua cảng và xử phạt vi phạm. “Chúng ta tự hào xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, nhưng quản lý và truy xuất vẫn đứng ngoài bảng 100 của thế giới”, ông Luân nói. “Vì vậy, phải đồng bộ trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ, chế biến xuất khẩu, như vậy mới định hình thương hiệu thủy sản Việt Nam, giúp ngành thủy sản phát triển bền vững”.

Ông Luân cho biết, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố xét xử các vụ việc đã phát hiện liên quan môi giới, móc nối, đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Đọc thêm