Tăng chế tài xử phạt trong lĩnh vực thủy sản: Thể hiện quyết tâm của Việt Nam để gỡ “thẻ vàng IUU”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 4/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Một ngày sau đó, ngày 5/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh vực thủy sản.
BĐBP Đà Nẵng kiểm tra thiết bị trên tàu bảo đảm điều kiện an toàn hàng hải. (Ảnh: Minh Trang)
BĐBP Đà Nẵng kiểm tra thiết bị trên tàu bảo đảm điều kiện an toàn hàng hải. (Ảnh: Minh Trang)

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), việc hoàn thiện, bổ sung các chế tài xử lý thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tạo sự răn đe, giáo dục rất nghiêm trong cộng đồng ngư dân.

Cụ thể, Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về việc thực hiện một số thủ tục hành chính thông thoáng hơn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh không thể tổ chức kiểm tra, đánh giá thực tế tại cơ sở để cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản chấp thuận, đánh giá duy trì, giám sát điều kiện của cơ sở: áp dụng hình thức đánh giá trực tuyến (khoản 9 Điều 4 Nghị định 26); đăng ký lồng, bè nuôi trồng thủy sản (Điều 36 Nghị định 26); công bố đóng, mở cảng cá (Điều 61 Nghị định 26).

Trong khi đó, tại điểm 5, vi phạm quy định về khai thác thủy sản của Nghị định 38/2024/NĐ-CP bổ sung một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, một số hành vi được chia theo chiều dài của tàu. "Quy định mới đối với hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt nặng từ 500 - 700 triệu đồng. Xử nặng như thế sẽ tăng tính răn đe, các tàu sẽ không còn tình trạng “úp nồi cơm” hay che lấp thiết bị, tắt thiết bị để trốn tránh quy định này", ông Luân nói.

Nghị định 38 cũng đưa chủ tàu vào đối tượng chịu chế tài, quy định rõ ranh giới vùng biển được phép khai thác thủy sản. "Trước đây khi chúng tôi đi kiểm tra, phát hiện vi phạm, phạt chủ tàu thì chủ tàu bảo thuyền trưởng lái đi đâu không biết. Do vậy, Nghị định 38 quy định bổ sung XPVPHC đối với chủ tàu cá không đồng thời là thuyền trưởng và chủ tàu cá, đồng thời là thuyền trưởng để quản lý chặt chẽ hơn", ông Luân thông tin thêm.

Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử phạt trên 90 tỷ đồng với các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Từ 1/10/2023 - 30/3/2024, đã phát hiện, thông báo 115 lượt tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển, giảm 327 lượt tàu so với thời điểm thanh tra lần thứ 4; đã phát hiện, thông báo 2.200 lượt tàu cá mất kết nối trên 6 giờ trên biển; đã phát hiện, thông báo 14 trường hợp vượt ranh giới cho phép biển,...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, các văn bản quy phạm pháp luật đã có, Ban Bí thư cũng đã có Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản. “Các công cụ pháp lý đã rõ ràng, Trung ương đã nỗ lực thì tất cả địa phương cũng phải vào cuộc để gỡ "thẻ vàng IUU. Nếu năm nay, chúng ta không gỡ được "thẻ vàng" thì 2,3 năm tới sẽ càng khó khăn hơn", ông Tiến nói.

Trả lời baochinhphu.vn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận: “Khi tôi tiếp xúc với những ngư dân, họ đều bộc bạch rằng trữ lượng cá ngày càng giảm đi do cách chúng ta khai thác, thậm chí mang tính tận diệt như sử dụng mắt lưới nhỏ, dùng thuốc nổ… Vì lý do sinh kế của bà con, đôi khi chúng ta chưa kiểm soát tốt được nhưng nguy hiểm hơn nhiều nếu không nghĩ tới con đường dài”.

“Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc chống khai thác IUU là điều kiện cần chúng ta phải vượt qua và để trong thời gian tới sản phẩm thủy sản của Việt Nam có thị trường tốt hơn ở châu Âu. Chống khai thác IUU là con đường ngắn, sau đó còn rất nhiều việc phải làm vì nguồn lợi thủy sản cho thế hệ mai sau. Nếu chúng ta không nghĩ đến con đường dài thì chính chúng ta đang làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng nghèo nàn. Do đó, chủ trương của Chính phủ là phải giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Đó mới là con đường dài của chúng ta”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.

“Có 3 điểm lớn mà chúng ta cần tập trung trong các khuyến cáo của EC. Một là tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Thứ hai là tàu cá còn tắt thiết bị giám sát hành trình. Thứ ba là do lịch sử để lại, Việt Nam có những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép khai thác và đây là tàu không số. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện đăng ký lại với những tàu "3 không" này (...).

Trước đây, có thể nói là luật pháp chưa có đủ chế tài để xử phạt nhưng có tỉnh đã đưa ra xử lý hình sự. Điều này chứng tỏ nếu quyết tâm làm thì cơ sở pháp lý đã đủ và được sự đồng thuận từ các cơ quan Trung ương”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Đọc thêm