Cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài cần thẩm định kịch bản đầy đủ

(PLVN) - Đây là ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội (QH) đưa ra tại phiên thảo luận ở hội trường của QH về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều nay, 25/5.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) đánh giá dự thảo Luật lần này đã tạo được môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường điện ảnh và công nghiệp điện ảnh phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát huy được những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến là quy định về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 13 của dự thảo Luật).

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH Nguyễn Đắc Vinh trình bày tại phiên họp, về vấn đề này, có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị chỉ cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định yêu cầu kịch bản phim bằng tiếng Việt (đầy đủ) trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Cho ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) và nhiều đại biểu bày tỏ tán thành với phương án 2, theo đó quy định yêu cầu kịch bản phim đầy đủ bằng tiếng Việt.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là rất cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh phát biểu tại phiên họp.

“Việc này sẽ tạo điều kiện cho giới chuyên môn được tiếp cận nhiều hơn với môi trường làm việc chuyên nghiệp để học tập kinh nghiệm, nhất là những tiến bộ và thay đổi không ngừng của ngành công nghiệp điện ảnh, qua đó quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, chuyển tải được những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, đại biểu nói.

Cho rằng kịch bản tóm tắt chưa thể hiện hết nội dung phim, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhận định, việc thẩm định kịch bản phim với nội dung đầy đủ mới đảm bảo các yêu cầu về chính trị, quốc phòng, an ninh.

“Đây cũng là kinh nghiệm của một số nước trong việc thẩm định kịch bản phim”, đại biểu thông tin.

Ngoài ra, theo đại biểu, để thu hút các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam, các chính sách ưu đãi, thủ tục minh bạch, thuận lợi, nhanh chóng là những yếu tố cần quan tâm để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế nhưng vẫn đảm bảo được các yêu cầu về an ninh, chính trị được quy định tại dự thảo Luật.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) chỉ ra rằng, trong điều kiện hội nhập, toàn cầu hóa như hiện nay, các quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển, đang sử dụng điện ảnh để thâm nhập thị trường các nước khác; một mặt nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa, thương hiệu quốc gia của họ thông qua xuất khẩu văn hóa; đồng thời cũng cạnh tranh với điện ảnh của nước sở tại, tạo ra lợi nhuận lớn.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, việc nhập khẩu văn hóa phẩm nói chung và điện ảnh nói riêng cũng tiềm ẩn những tác hại lâu dài như xu hướng bắt chước, sùng bái quá mức các thần tượng, thị hiếu văn hóa nước ngoài…

Đại biểu đề nghị, Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải quy định về cấp phép, kiểm duyệt, phân loại… bình đẳng giữa điện ảnh trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.

Đại biểu cũng đề nghị quy định theo hướng yêu cầu cung cấp kịch bản chi tiết để xác định rõ mục đích sử dụng các hình ảnh được quay tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

“Kịch bản cần phải bằng ngôn ngữ gốc và bằng tiếng Việt để tránh trường hợp dịch không chuẩn xác hoặc cố ý tránh né, tránh trường hợp những hình ảnh đó khi được sử dụng sẽ bất lợi cho chúng ta ở nước ngoài”, đại biểu nói.

Đọc thêm