Vi phạm bản quyền - “lực cản” cho sự phát triển
Việt Nam đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày 29/11/2005, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và 2019. Gần đây nhất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đã được Quốc hội biểu quyết thông qua trong năm 2022, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Cùng với đó, Việt Nam đã gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan trực tiếp đến đảm bảo quyền SHTT trong lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đơn cử như Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật; Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (TRIPS) năm 1994 trong khuôn khổ các văn kiện của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO);…
Dù vậy, mức độ thực thi luật bản quyền và các quyền liên quan trên thực tế chưa cao, tình trạng phát triển sơ khai, tự phát, vi phạm bản quyền, quyền SHTT vẫn diễn ra. Theo nhiều chuyên gia văn hóa, vi phạm bản quyền chính là một “lực cản” cho phát triển thị trường nghệ thuật, là một trở ngại cho các động lực sáng tạo, đầu tư vào các ngành công nghiệp nghệ thuật nước nhà.
Cụ thể, theo thống kê của Dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” do Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH,TT&DL) thực hiện từ tháng 3/2022 – 3/2023 dưới sự hỗ trợ của Quỹ quốc tế vì Đa dạng Văn hóa quốc tế của UNESCO, trong hơn 10 năm (từ năm 2006), đã có 158 vụ tranh chấp về quyền tác giả, 10 vụ tranh chấp về quyền Sở hữu Công nghiệp. Trong số các sản phẩm văn hóa, sáng tạo bị xâm phạm thì âm nhạc chiếm 76,9%, điện ảnh là 71,6%, xuất bản 50,7%. Các quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm gồm sao chép (64,9%), làm tác phẩm phái sinh (37,8%), quyền nhân thân (27%).
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra nhận thức, mức độ am hiểu về các quyền SHTT của các chủ thể sáng tạo mới chỉ dừng lại ở mức độ trung bình hoặc yếu. Cụ thể, nhận thức về quyền tác giả và quyền của chủ sở hữu tác phẩm hiện tại chỉ là 43,1%; nhận thức về quyền tác giả, quyền liên quan đối với từng loại hình tác phẩm được bảo hộ là 36,2%.
Bên cạnh những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng về ảnh hưởng tiêu cực của việc vi phạm các khuôn khổ pháp lý hiện hành về quyền SHTT và bản quyền sẽ gây ra cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam; nhiều trường hợp vụ lợi, lợi dụng môi trường số để cố tình vi phạm bản quyền. Trong khi đó, còn thiếu sự chủ động của chủ thể quyền trong bảo vệ quyền của mình; các tổ chức quản lý tập thể chưa đủ mạnh để tự bảo vệ quyền của các chủ thể quyền tác giả và quyền liên quan...
Yêu cầu tất yếu của hội nhập quốc tế
Đảm bảo thực thi quyền SHTT là một yêu cầu quan trọng trong hội nhập quốc tế, được các quốc gia quan tâm thông qua việc ban hành các chính sách, tăng thêm các chế tài và biện pháp bảo hộ, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức trong thực thi pháp luật về SHTT. Điển hình trong khu vực ASEAN, Chính phủ Philipines đã thông qua Đạo luật Phát triển Công nghiệp sáng tạo vào năm 2022, đồng thời thành lập Hội đồng bao gồm các cơ quan khác nhau sẽ giúp cho việc thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sáng tạo khác nhau hướng đến bối cảnh toàn cầu mới.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với hơn 8.081 tỷ USD (chiếm 3,61%) tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018 và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động (chiếm 6,1%) tổng lao động có việc làm trên cả nước vào năm 2019. Dù có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam nhưng các ngành văn hoá nghệ thuật đang gặp phải nhiều thử thách, trong đó vấn đề vi phạm bản quyền vẫn diễn ra tràn lan, chưa được giải quyết triệt để trong nhiều năm qua.
Để phát triển thị trường nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Thủy, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, từng nêu rõ một số thách thức trong khuôn khổ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 như: tính minh bạch, tính cạnh tranh, sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân vẫn chưa thực sự được bảo đảm; sự hợp tác của nhiều chủ thể, thành phần chính trong quy trình sản xuất còn rời rạc, tự phát; hệ thống luật pháp liên quan tới mô hình kinh doanh, đầu tư, kiểm duyệt, chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cần được Nhà nước tiếp tục hoàn thiện.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, những chính sách có hiệu lực kể từ năm 2023 bao gồm: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập… Cụ thể, pháp luật hiện hành đã bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu là hàng giả mạo SHTT; Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để đảm bảo thực thi trong môi trường số; Sửa đổi, bổ sung một số quy định về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông…
Như vậy, hành lang pháp lý về quyền SHTT trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ngày càng được hoàn thiện, yêu cầu cấp thiết trên thực tế là đưa những quy định này vào thực tế. Thông qua những dự án như dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” có thể góp phần xây dựng và nâng cao nhận thức chung và hiểu biết thực tiễn về khuôn khổ pháp lý SHTT cho các ngành văn hóa và sáng tạo, cải thiện hiệu quả thực thi quyền SHTT ở Việt Nam. Đặc biệt là nâng cao năng lực thể chế trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo thông qua một chuỗi các khóa đào tạo dành cho cán bộ Nhà nước các cấp, các ngành liên quan. Đồng thời, mỗi nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo cũng cần nắm rõ các quy định pháp luật về quyền SHTT trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để tuân thủ đúng pháp luật, góp phần tạo nên một môi trường văn hóa nghệ thuật văn minh, lành mạnh.
Về lâu dài, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức trong thực thi pháp luật về SHTT. Trong đó, cần xây dựng và thắt chặt mối liên kết giữa Nhà nước; tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; chủ sở hữu sản phẩm văn hóa sáng tạo và cộng đồng. Bên cạnh đó, cần phát huy được vai trò của các hiệp hội, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại hiệu quả.