Dự báo tiền thưởng Tết của người lao động sẽ giảm hơn
Trung tuần tháng 12/2022, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có dự báo tiền thưởng Tết của người lao động sẽ giảm hơn so với năm 2022. Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, qua theo dõi, nắm bắt tình hình, mặt bằng chung tiền lương năm nay tăng do tăng lương tối thiểu vùng, nhưng thưởng Tết Nguyên đán của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn có thể giảm.
Ngày 16/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động. Một trong những nội dung Công điện nêu rõ để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và duy trì ổn định, phát triển thị trường lao động an toàn, bền vững và hội nhập trong thời gian tới, nhất là việc tập trung chăm lo đời sống của người lao động trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về thưởng Tết, theo quy định của pháp luật lao động, người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp thiếu hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công. Do vậy, ông Nguyễn Hồng Dân dự báo, tiền thưởng Tết của người lao động sẽ giảm hơn so với năm 2021, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ…
Theo số liệu thống kê từ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, tính đến ngày 15/11 có 31 doanh nghiệp phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với 13.016 lao động. Riêng khu công nghiệp và chế xuất có 7 doanh nghiệp sử dụng 6.148 lao động phải giảm giờ làm của người lao động hoặc buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động…
Dù vậy, Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực để hỗ trợ người lao động vui đón Tết. Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho biết, chùm hoạt động chăm lo Tết Quý Mão 2023 do các cấp Công đoàn Thủ đô triển khai gồm: thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên và người lao động; tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn” năm 2023, “Tết sum vầy - Xuân gắn kết”; hoạt động “Hỗ trợ phương tiện đối với đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn”; thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động không có điều kiện về quê đón Tết; chăm lo về chế độ phúc lợi, tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết…
Dự kiến, dịp Tết Quý Mão năm 2023, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ trao 15.000 suất hỗ trợ mỗi suất trị giá 1 triệu đồng tiền mặt cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Công đoàn thành phố Hà Nội và kinh phí hỗ trợ của UBND thành phố Hà Nội.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội dự kiến tổ chức Chương trình “Tết sum vầy – Xuân gắn kết” năm 2023 và “Chợ Tết Công đoàn” tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô trong 2 ngày; hỗ trợ phương tiện cho 1.200 công nhân khó khăn của Khu công nghiệp và chế xuất, ngành Dệt May Hà Nội về quê đón Tết; hỗ trợ 50% kinh phí thuê xe, phương tiện cho Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức chương trình đưa công nhân về quê đón Tết. Ngoài ra, Liên đoàn còn thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ “Mái ấm Công đoàn” năm 2023, thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
|
Chuyến xe công đoàn đưa người lao động khó khăn về quê ăn Tết. |
Nỗ lực chăm lo cho người lao động
Tương tự, tại các địa phương khác, mặc dù gặp khó khăn nhưng các Liên đoàn Lao động vẫn nỗ lực chăm lo đời sống người lao động trước thềm các dịp lễ, Tết.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, dịp Tết Quý Mão năm 2023, dự kiến có hàng chục ngàn công nhân ở lại các khu công nghiệp ăn Tết xa quê. Đến thời điểm này, Công đoàn cơ sở các huyện, thị và đơn vị đã xây dựng xong kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động như tặng quà Tết (gồm các nhu yếu phẩm: gạo, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm…), tổ chức liên hoan tất niên, chương trình bốc thăm trúng thưởng... tổng kinh phí cho các hoạt động tại cơ sở ước tính trên 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên, người lao động dự kiến 82.810 suất quà (500.000 đồng/suất), tổng trị giá hơn 41 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp Công đoàn dành kinh phí lên đến 20 tỷ đồng, tổ chức “Chuyến tàu Xuân nghĩa tình” tặng 5.000 vé tàu khứ hồi cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc….
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, ngay từ những tháng cuối năm 2022, các cấp công đoàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều kế hoạch chăm lo Tết cho công nhân, người lao động trên địa bàn. Ngoài tổ chức họp mặt, tặng quà người lao động cuối năm, các cấp công đoàn sẽ triển khai hỗ trợ nhiều phần quà đến các khu nhà trọ có công nhân ở lại đón Tết. Các phần quà sẽ tăng về số lượng và giá trị để bảo đảm mọi lao động đều có Tết ý nghĩa. Về kinh phí thực hiện, mức chi cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn là 500.000 đồng/người (chi bằng tiền mặt). Mức chi quà họp mặt gia đình người lao động có hoàn cảnh khó khăn sử dụng không quá 1 triệu đồng/gia đình. Ngoài ra, các đơn vị tùy theo điều kiện tổ chức thêm các hoạt động chăm lo phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho đoàn viên, người lao động diễn ra trong các ngày nghỉ Tết…
Về phía các doanh nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhưng đa số các doanh nghiệp sẽ cố gắng thưởng Tết cho người lao động tối thiểu 1 tháng lương cơ bản. Trao đổi với truyền thông, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean thông tin, doanh nghiệp cố gắng thưởng một tháng lương cho người lao động trong dịp cuối năm. Mặc dù gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, nhưng Việt Thắng Jean cũng cố gắng xoay xở tổ chức thêm “Chuyến xe mùa xuân” để đưa công nhân về quê đón Tết.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành cam kết đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là thưởng Tết. Năm nay dù suy giảm đơn hàng nhưng các doanh nghiệp vẫn duy trì lương tháng thứ 13 tăng 5 - 6% so với năm ngoái. Ngay từ đầu năm 2022, các công ty sợi, dệt thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đối mặt với nhiều khó khăn về đơn hàng, đỉnh điểm là từ quý III/2022 khi đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu từ Công đoàn Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp phía Nam với khoảng 50.000 lao động vẫn thưởng Tết từ 1 - 1,5 tháng lương cho công nhân…
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn duy trì tháng lương thứ 13. Nhưng một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đơn hàng giảm sút, thậm chí không đảm bảo được việc trả lương, do vậy, việc thưởng Tết chắc chắn sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, con số này chỉ khoảng trên 1.000 doanh nghiệp, với sự vào cuộc của các cấp công đoàn có thể tháo gỡ cho các doanh nghiệp. “Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn cũng đang đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp giúp giải quyết việc làm, thậm chí có những khoản tiền hỗ trợ nhất định để đảm bảo tất cả người lao động đều có Tết”, ông Lê Đình Quảng cho biết.
Cuối năm cũng là thời điểm dễ phát sinh những tranh chấp, bất ổn lao động liên quan đến việc lao động bị nợ lương, không có tiền thưởng. Để ngăn chặn tình trạng này, ông Lê Đình Quảng cho biết, các tổ chức công đoàn tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình thưởng Tết, trả lương và các chính sách khác của doanh nghiệp với người lao động. Các tổ chức công đoàn cũng tích cực tham gia vào việc xây dựng các quy chế thưởng nhằm động viên người lao động, cũng như chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để làm sao việc thưởng trở thành động lực, động viên người lao động gắn bó với doanh nghiệp.