Cùng em xuống chợ San Thàng
Long lanh mắt biếc, rộn ràng trái tim
Nằm cách thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu) khoảng 5km, trên quốc lộ 4D, phiên chợ San Thàng họp vào thứ năm và chủ nhật hàng tuần. Đây là phiên chợ quê của đồng bào các dân tộc người Mông, Giáy, Dao, Thái ở Lai Châu, còn nguyên vẹn nét hoang sơ, dân dã của vùng cao, dường như những nét xưa còn sót giữa cuộc sống hiện đại.
Không ai biết chợ phiên San Thàng có từ bao giờ. Bà Giàng Thị Mẩy (72 tuổi, dân tộc Mông ở xã Nậm Loòng, TP Lai Châu) cho biết, từ thời bà còn là cô bé con tóc râu ngô, mỗi tuần hai phiên theo mẹ và theo bà nội xuống chợ San Thàng. Nghe bà nội bà kể thì khi bà nội còn là cô bé con, cũng đã được theo bà, theo mẹ xuống chợ San Thàng để mua bán, nghe thổi khèn, giao lưu hát múa. Bà Mẩy cho biết, những nét văn hóa độc đáo đó ở phiên chợ San Thàng vẫn còn lưu giữ đến hôm nay.
Ngay từ sớm tinh mơ, bà con dân tộc từng đoàn người nô nức, dắt díu nhau xuống chợ, có cả những em bé má đỏ au, ngủ gà ngủ gật trong quẩy tấu được mẹ địu trên vai. Có những người đi bộ cả chục cây số để đến phiên chợ, mệt bở hơi tai nhưng ai cũng vui vì được gặp gỡ, giao lưu, tụ họp và thưởng thức các điệu khèn, điệu múa cùng các món đặc sản dân dã vùng cao. Bên cạnh người đi bộ, dắt ngựa thồ thì cũng có khá nhiều đồng bào đi xe máy, xe đạp thồ xuống chợ. Đối với đồng bào các dân tộc nơi đây, phiên chợ diễn ra ngoài việc mua bán, trao đổi hàng hóa còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu và sinh hoạt văn hóa.
Mặt trời lên cũng là lúc chợ đông nghẹt người. Khu chợ rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống các dân tộc về họp chợ; sắc màu hoa văn lung linh trên khăn, túi, áo, quần, váy con gái người Dao, người Lự; dập dờn cánh bướm khuy áo bạc thiếu nữ Thái trắng; chúm chím nụ cười của cô gái người Mông... Mặt hàng chủ yếu được bày bán tại chợ là những sản vật kiếm được từ núi rừng hay những sản phẩm nghề truyền thống: khăn, vải, hương, ghế mây tre đan… hay những cây trồng, vật nuôi của đồng bào như cả một rổ trứng hồng, một ổ chó con… Đồng bào đem bán những sản vật của gia đình để mua về những nhu yếu phẩm thiết yếu về cho gia đình như dầu ăn, mắm muối, thức ăn khô, một số đồ dùng cho gia đình và dụng cụ học tập cho lũ trẻ…
Mặt trời đứng bóng cũng là lúc chợ tan, đồng bào lục tục dọn đồ đạc để ra về. Đâu đó có cô gái cúi mặt thẹn thùng tránh ánh mắt lưu luyến với cái nhìn như lửa đốt của một anh chàng vừa mới quen trong phiên chợ. Chợt nao lòng nhớ đến câu ca dao dưới xuôi: “Chàng buông vạt áo em ra/Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa”. Dường như đâu đó trong phiên chợ vùng cao vừa lại nhen nhóm lên một mối tình chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu…