Tranh dân gian một thuở
Cứ như một khâu chuẩn bị đón Tết, ông cha ta dùng tranh để trang hoàng nhà cửa làm cho cảnh sắc thêm tươi vui, xua đi những rủi ro, ám muội của năm cũ. Những dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), làng Sình (Huế) với màu sắc sặc sỡ thường được chọn treo trong dịp Tết với nguyện vọng đón chào một năm mới tốt lành, bình an.
Tranh dân gian Đông Hồ được vẽ theo lối đơn tuyến bình đồ mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về hình, màu sắc, đường nét nên phong cảnh và các nhân vật trong tranh thường ngây ngô, đơn giản nhưng hợp lý, hợp tình. Giấy dùng để in tranh là loại giấy dó trước khi in được phủ lên một lớp điệp từ vỏ sò tạo cho tờ giấy dó cứng, xốp và nổi lên chất nghệ thuật đặc sắc của những thô điệp óng ánh.
Màu sắc để in tranh được lấy từ các chất liệu thiên nhiên: màu đen từ than lá tre, màu xanh lấy từ vỏ và lá cây tràm, màu vàng lấy từ hoa hòe, màu đỏ lấy từ thân và rễ cây vang... Đề tài tập trung vào đời sống, sinh hoạt của người và vật như “Đánh ghen”, “Hứng dừa”, “Đám cưới chuột”, “Chăn trâu thả diều”, “Lợn béo”... Ngày trước, vào mỗi dịp Tết, tranh dân gian Đông Hồ có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tại các phiên chợ quê, tấp nập người mua, người bán, thực sự là một ngày hội tranh tưng bừng náo nhiệt, rực rỡ sắc màu.
Khác với tranh dân gian Đông Hồ, tranh dân gian Hàng Trống được in từ bản khắc nét màu đen trên giấy dó sau đó nghệ nhân mới dùng màu nước tô vờn màu theo khối. Nhiều khi chỉ bằng một nét bút, một lần lấy mực là có thể diễn tả màu sắc thành đậm, nhạt, sáng tối, hình khối. Bởi vậy nên tranh dân gian Hàng Trống có độ sâu, uyển chuyển và sống động.
Tranh Hàng Trống có nhiều mẫu đẹp, sang trọng, được đặc tả kỹ như tranh “Tứ quý”, “Tứ bình”, “Tố nữ”, “Tứ dân”, “Lý ngư vọng nguyệt”... thể hiện lối chơi và phong cách của người Hà thành. Tranh thờ Hàng Trống còn gắn bó mật thiết với sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, phần nào mang tranh Hàng Trống bước lên một vị thế cao hơn trong bản đồ tranh dân gian Việt Nam.
Trở lại những năm cuối thế kỷ XIX, có thể dễ dàng bắt gặp những bức “Ngũ Hổ”, “Ông Hoàng Ba”, “Mẫu Thượng Ngàn”... ở những nơi linh thiêng nhất như đền, miếu, điện thờ... Tranh thờ Hàng Trống thường mang màu sắc mạnh mẽ và cách tạo hình đầy tính tôn giáo, đem lại hiệu ứng tuyệt vời về cả thị giác và cảm xúc đối với người xem.
Tranh Tết dân gian rất đa dạng về thể loại, tranh tín ngưỡng, tranh lịch sử, tranh cổ tích, tranh về nghề nghiệp, tranh châm biếm, tranh phong cảnh... Phần lớn các gia đình nông thôn thường treo các bức tranh dân gian thuộc nhiều đề tài để thỏa mãn đồng thời nhiều ước vọng.
Tranh treo Tết chỉ còn là trang trí
Ngày nay, khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao và trong xu hướng giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa thế giới, cách chơi tranh cũng phong phú và đa dạng. Tùy theo ý thích và điều kiện của từng gia chủ mà cách chọn chơi tranh cũng khác nhau, cách lựa chọn xu hướng tìm về cội nguồn, tôn vinh nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc cũng không còn là yếu tố trên nhất.
Tranh được chọn có thể là tranh hiện đại, tranh trừu tượng, tranh nghệ thuật, tranh dân gian hay tranh từ các sản phẩm làng nghề truyền thống như tranh khảm, tranh sứ, tranh kính, tranh đá… với những chất liệu đắt tiền hơn, cầu kỳ hơn.
Không những thế, các tranh in sẵn của Trung Quốc tràn ngập trên thị trường, khiến các thể loại tranh dân gian có phần bị lép vế. Đã có sự thay thế vị trí của các bức tiến tài, tiến lộc, vinh hoa, phú quí bằng những tranh em bé ôm những thỏi vàng được dán trước cổng nhà hay cửa hiệu, hay tranh cá, tranh rồng chế tác bằng vi tính được treo và dán ở khắp nơi.
Đối với thể loại tranh nghệ thuật, tranh hiện đại, các gia chủ chỉ cần đến các cửa hàng tranh chọn mua những bức tranh bằng các chất liệu bột màu, sơn dầu hay sơn mài ưa thích. Có người cầu kỳ hơn thì đặt họa sĩ vẽ hay đôi khi chỉ cần đặt cửa hàng “chép” theo chủ đề ngày Tết như các con giáp theo từng năm; hoa đào; phong cảnh chợ Tết; lễ hội làng hay những ký ức về phố cổ, phong cảnh làng quê Việt với cây đa, bến nước, sân đình,…
Còn với những người sành chơi, chọn chơi tranh dân gian treo bên chậu quất, cành đào, cùng khói hương trầm bảng lảng để gợi sâu thêm không khí Tết cổ truyền của dân tộc hoặc mua làm quà biếu bạn bè, người thân cũng đã dần chọn lựa các mẫu tranh dân gian như “Tứ quý”, “Tứ bình”, “Tứ linh”, “Lý ngư vọng nguyệt”, “Thất đồng”, “Hứng dừa”... được các làng nghề truyền thống chuyển thể sang các chất liệu khác như: gỗ, đồng, sơn mài, khảm trai... Phần để cho hợp không gian, nội thất, phần vì để có thể mua được tranh dân gian đúng gốc bày bán trên các con phố Hà Nội trở nên rất khó khăn, hoặc nếu có thì kỹ thuật và thẩm mỹ cũng rất kém do bị thương mại hóa.
Vài năm gần đây, việc chơi tranh Tết dân gian có xu hướng quay trở lại nhưng người ta khó có thể phủ nhận về sự lụi tàn đầy cay đắng của dòng tranh dân gian truyền thống. Mang theo bên mình cùng cái “nghiệp” với nhiều nét văn hóa truyền thống khác, tranh dân gian dần đi vào lãng quên tại các tư gia, chỉ còn được lưu giữ trong bảo tàng và trong những nỗ lực của các nhà sưu tầm tranh hiếm hoi.
Việc đóng khung tre, thiết kế dang trực cuốn hay khắc, khảm lên gỗ,… cho những bức tranh dân gian là một cách thức mới để họ có thể tìm được sự hoà hợp giữa cái truyền thống và khung cảnh của một phòng khách hiện đại. Tuy nhiên, trông các bức vẽ được in hàng loạt ấy có vẻ hào nhoáng nhưng hẳn nhiên không đem lại mỹ cảm. Do đó, đối với người sành chơi thì tranh dân gian Việt Nam vẫn là những tác phẩm đẹp giản dị mà đầy tinh tế…