Cúng giải hạn vẫn không thoát vòng lao lý

(PLO) - Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt hàng tỷ đồng, bị cáo bao biện cho 'lương tâm' của mình rằng “Tôi nhiều lần mời cả thầy cúng về giải hạn, chỉ mong có tiền trả cho mọi người nhưng không được."
Bị cáo trước vành móng ngựa.
Bị cáo trước vành móng ngựa.
Đó là lời phân trần của bị cáo Nguyễn Thị Phương (SN 1962, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) trong phiên xét xử sơ thẩm mới đây tại TAND TP Hà Nội về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Vì có mối quan hệ tốt với mọi người nên từ năm 2010, Phương đã vay tiền của một số hàng xóm và bạn bè quanh khu vực sinh sống với mục đích đầu tư làm ăn và hứa hẹn sẽ trả lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. 

Tin tưởng lời nói của Phương một cách mù quáng và hám lãi suất cao, chỉ trong thời gian ngắn, các bị hại không ngần ngại giao của cải cho Phương với số tiền lên tới 5,51 tỷ đồng. 

Cụ thể, bà Tia cho Phương vay 10 lần, tổng tiền là 4,4 tỷ đồng, đều có Hợp đồng vay tiền tín chấp và Biên bản xác nhận công nợ; bà Dung cho Phương vay 240 triệu đồng sau 2 lần vay. Một người bạn lâu năm tên Thùy cho Phương vay số tiền 870 triệu đồng. 

Toàn bộ số tiền thu gom được, Phương dùng một phần để trả nợ cho những khoản vay khác, phần còn lại thì “chơi sang” bằng cách đầu tư mua đất. 

Theo lời khai của Phương, Phương đã giao cho bà Thủy – một người cùng thôn - hơn 22 tỷ đồng để bà Thủy giao cho ông Tuấn – nguyên Chủ tịch xã Tân Triều và ông Phước – cán bộ thanh tra nhà đất huyện Thanh Trì mua đất giãn dân, chuộc lại đất cấp cho Học viện Mật mã, đất xen kẹt và làm sổ đỏ đất liền kề cho một số hộ dân xã Tân Triều.

Có điều, việc trả lãi cao trên trời chỉ là lời Phương hứa hão. Khi mọi người đến gặp Phương để đòi tiền nợ mới hốt hoảng bởi đối tượng này lộ rõ bộ mặt thật. 

Không có tiền trả cả gốc lẫn lãi, Phương đã bỏ trốn khỏi địa phương và sống lang thang tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Ninh. Các chủ nợ lần lượt tới cơ quan công an trình báo. 

Ngay sau đó, công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và phát lệnh truy nã đối với Phương. Đến ngày 6/4/2015, Phương tới Công an huyện Thanh Trì đầu thú và giao nộp một số tài liệu liên quan đến vụ án. 

Còn việc Phương giao tiền cho một số người khác, cơ quan công an đã làm rõ không có trường hợp ông Phước nào làm việc tại các phòng, ban của huyện Thanh Trì. Kết luận giám định và các chứng cứ thu thập được chưa đủ cơ sở khẳng định bà Thủy đã nhận hơn 22 tỷ đồng của Phương nên cơ quan công an quyết định tách hành vi giao nhận tiền giữa bà Thủy và Phương để điều tra, xử lý sau.
Trong phiên tòa xét xử hành vi của bị cáo, các nạn nhân bị Phương lừa gạt đều vô cùng phẫn nộ. Một bị hại trình bày tại Tòa: “Bà hại chúng tôi, hại bố mẹ chúng tôi, hại cả con chúng tôi. Là hàng xóm với nhau bao nhiêu năm, vì tình nghĩa nên chúng tôi mới cho bà vay tiền, vậy mà bà nỡ lòng nào bỏ trốn. Bao nhiêu vốn liếng đều gom góp cho bà vay, từ ngày bà bỏ trốn, gia đình chúng tôi phải sống trong cảnh túng thiếu, đói rách…”.
Ra sức thanh minh cho hành vi của mình trước HĐXX, bị cáo bao biện rằng bản thân cũng bị người khác lừa, vốn tính vay tiền để đầu tư làm ăn, nhưng đưa tiền cho người khác mua đất rồi không đòi lại được. Vì không có tiền trả cho mọi người nên bị cáo sợ mới bỏ trốn. Bị cáo vừa cúi đầu vừa nói: “Tôi cũng muốn có tiền trả cho mọi người lắm chứ. Tôi nhiều lần mời cả thầy cúng về, chỉ mong người ta trả tiền cho tôi để có tiền trả cho mọi người nhưng không được…”.
Tuy nhiên, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, chỉ vì lòng tham, tư lợi của bản thân mà kéo theo nhiều người phải liên lụy, cuộc sống đảo lộn, nhiều người lâm vào  cảnh bế tắc, cùng cực. Vì vậy, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Phương 18 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản./.

Đọc thêm