Đồng chí ghi nhận các ý kiến trao đổi rất thẳng thắn, xác đáng của các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương cũng như ý kiến của các đại biểu nêu tại Diễn đàn. Một số kiến nghị, đề xuất đã cơ bản được xử lý, giải đáp ngay tại Diễn đàn; một số kiến nghị, đề xuất khác sẽ được Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp nghiêm túc và gửi đến các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, xử lý cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền để có phương án, cách thức giải quyết trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, trong bối cảnh mới, trong kỷ nguyên mới của đất nước, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của thực tiễn đều thôi thúc chúng ta phải hành động, cùng chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý để góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp - cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật trung ương sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến hình thức tiếp nhận ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động chính sách và trách nhiệm giải trình của các cơ quan soạn thảo một cách công khai, minh bạch, thường xuyên hơn, nhất là thông qua các nền tảng số để nhận diện chính sách nhanh hơn, phản ứng chính sách nhanh hơn, giúp đưa cuộc sống vào luật, và qua đó giúp luật thật sự đi vào cuộc sống.
"Khi chúng ta cùng lắng nghe, cùng thấu hiểu, cùng chia sẻ, cùng chung tay tháo gỡ các vấn đề pháp lý thì chắc chắn môi trường đầu tư kinh doanh sẽ ngày càng thuận lợi hơn, vừa thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vừa đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Và ý nghĩa hơn, Diễn đàn này là một trong những hành động cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật có phần thiên về “quản lý” như hiện nay sang “khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.