"Cung" ngoại tệ đang căng thẳng?

 Hôm qua - 3/11,  Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại có thông điệp yêu cầu các ngân hàng (NH) tăng cường kiểm tra và thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý ngoại hối, trong đó đặc biệt lưu ý hoạt động mua bán ngoại tệ. Trước đó, NHNN đã “đe” sẽ kiểm tra các NH  mua bán ngoại tệ vượt trần…

Hôm qua - 3/11,  Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại có thông điệp yêu cầu các ngân hàng (NH) tăng cường kiểm tra và thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý ngoại hối, trong đó đặc biệt lưu ý hoạt động mua bán ngoại tệ. Trước đó, NHNN đã “đe” sẽ kiểm tra các NH  mua bán ngoại tệ vượt trần…

Nộp “tiền chênh” 100 triệu/1 triệu USD

Cần ngoại tệ cho nhu cầu nhập hàng chuẩn bị phục vụ Tết, một doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Nội sau khi chạy mấy NH rốt cuộc cũng tìm được nơi đồng ý bán, song nhân viên cho biết, chỉ giới thiệu đến với đầu mối USD và thu phí môi giới và kiểm đếm... So với giá USD chính thức, DN này phải mất thêm khoảng 100 triệu đồng cho 1 triệu USD. Tất nhiên khoản chênh lệnh này DN nộp “tay bo” với nhân viên  và không có bất cứ một giấy tờ biên nhận nào.

Khi đem chuyện này hỏi một số DN, đều nhận được cái gật đầu xác nhận. “Thậm chí nhiều khi phải mua với giá cao hơn thị trường tự do nhưng vẫn phải chấp nhận vì nguồn gốc hợp pháp của ngoạii tệ”- nhân viên của một DN cho biết. Tuy nhiên, khi hỏi DN thường có quan hệ mua ngoại tệ với NH nào thì các DN đều từ chối cung cấp…

Thực tế, Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), đơn vị đươc giao nhiệm vụ bình ổn vàng cũng nhiều lần công khai than rằng phải mua USD với giá cao hơn giá niêm yết để mua vàng với mục tiêu bình ổn..

Trong thông điệp phát ra, NHNN cũng thừa nhận qua phản ánh tới đường dây nóng của NHNN, vẫn còn hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài mua bán ngoại tệ với tỷ giá vượt trần quy định của NHNN. NHNN cho rằng việc này gây ảnh hưởng bất lợi đến hiệu lực của các chính sách mới, sự ổn định của thị trường ngoại hối cũng như hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Căng thẳng ngoại tệ?

Không có số liệu công bố chính thức về vấn đề nhạy cảm này, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy cung ngoại tệ đang căng thẳng.

Chỉ trong tháng 10/2011, NHNN đã tăng tỷ giá VND/USD 14 lần. Kết thúc tháng 10/2011, tỷ giá đã leo lên mức 20.803 đồng/USD. Tính chung từ ngày 5/10 đến hết tháng 10/2011, tỷ giá đã tăng tổng cộng 175 đồng/USD (tăng gần 0,85%), sát nút cam kết tăng 1% đến cuối năm của NHNN. Và hấu như mỗi lần NHNN điều chỉnh tỷ giá thì ngay lập tức, các NH “ neo” tỷ giá kịch trần.

Trên thị trường liên NH, báo cáo mới nhất của NHNN (tuần giao dịch từ 15/10-21/10/2011) cũng cho thấy lãi suất giao dịch bình quân  USD cũng có xu hướng tăng đối với hầu hết các kỳ hạn; với các mức tăng từ 0,01% đến 0,58% (riêng kỳ hạn 6 tháng lãi suất giảm 0,03% so với bình quân kỳ trước); lãi suất bình quân qua đêm ở mức 0,63%/năm, tăng 0,05%/năm so với tuần trước; lãi suất bình quân các kỳ hạn còn lại dao động từ 1,37% đến 3,11%/năm (trong khi lãi suất huy động USD phổ biến 2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,5%/năm đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế)

Theo dự báo của một số chuyên gia, tình trạng căng thẳng nguồn cung USD vẫn tiếp tục gia tăng từ nay tới cuối năm do nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng tới đầu vào của USD trong hệ thống. Trao đổi mới đây với PLVN, nguyên Thống đốc NHNN, ông Lê Đức Thuý cũng nhận định nguồn cung ngoại tệ “chưa chắc dồi dào”.

"Túng phải tính"?

“Thực ra chỉ những lúc khan hiếm như thế này thì mới có hiện tượng NH và DN “đi đêm” với nhau. Ngoại tệ khan hiếm,  mua vào cũng phải mua với giá cao hơn giá niêm yết nên bán ra cũng không thể theo giá niêm yết được…”- lãnh đạo một  TMCP chia sẻ.

Có một thực tế là sau khi mạnh tay với USD chợ đen thì giá USD trên thị trường này đã ổn định và giảm giao dịch, thậm chí khi tỷ giá chính thức tăng thì đã xuất hiện tình trạng giá tự do ngược chiều giảm mạnh.

Đây được xem như “thành tích” trong điều hành của các cơ quan QLNN, song theo phân tích của một chuyên tronh lĩnh vực tiền tệ thì với lợi thế về tính hợp pháp, nguồn USD lớn và khả năng kết nối cung cầu, các NH luôn có lợi thế cạnh tranh tự nhiên và DN không có sự lựa chọn nào khác là phải tìm đến NH khi có nhu cầu ngoại tệ. Cùng với sự khan hiếm ngoại tệ và lợi thế tự nhiên này, đô la hai giá lại càng có “đất sống”.

Không giống như trường hợp vi phạm trần lãi suất huy động, việc phát hiện các NH vi phạm trần tỷ giá không hề đơn giản vì mọi giao dịch “ngoài luồng” đếu không có giấy tờ chứng minh, tâm lý DN cũng không muốn “tố” NH, còn các NH  cũng không dễ gì cài bẫy nhau…

Hiểu My

Đọc thêm