Đại dịch Covid-19
Cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra tại thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở nước Mỹ. Dù biết rằng luôn có những bất ngờ nhưng đại dịch đã làm xáo trộn nhiều vấn đề và bầu cử diễn ra trong bối cảnh chưa từng có.
Nhiều người Mỹ lâu nay đã quá quen với việc bỏ phiếu vào ngày bầu cử nhưng giờ đây họ phải thay đổi hình thức, lựa chọn bỏ phiếu sớm do lo ngại dịch Covid-19 lây lan mạnh nếu tập trung quá đông trong ngày bầu cử chính. Ít nhất 23 tiểu bang ở Mỹ đã có số phiếu bầu cử sớm cao hơn so với năm 2016 khi nhiều người đề phòng đại dịch và muốn sớm đưa ra lựa chọn của mình.
Một số biện pháp an toàn phòng dịch Covid-19 đã được áp dụng trong quá trình bầu cử. Các hòm phiếu được đặt cách nhau ít nhất 1,8 mét và nhân viên bầu cử tiến hành phun tẩy trùng các hòm phiếu. Găng tay, khẩu trang, nước sát khuẩn đã được cung cấp cho bất cứ ai có yêu cầu.
Ngoài bỏ phiếu trực tiếp, năm nay hình thức bầu cử qua thư cũng được tăng cường do lo ngại vấn đề y tế. Đại dịch Covid-19 khiến cho một lượng lớn cử tri đi bỏ phiếu qua đường bưu điện, với khoảng 80 triệu lá phiếu gửi qua đường bưu điện, tức là gấp đôi năm 2016 và nhiều hơn bất kỳ năm bầu cử nào khác trong lịch sử.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có lượng cử tri đi bầu đông nhất trong lịch sử với ít nhất 159,8 triệu người. Tính theo tỷ lệ phần trăm, đây cũng là cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất kể từ năm 1900, với 66,8%. Nhiều cử tri cũng phải ngạc nhiên khi chứng kiến lượng người đi bỏ phiếu đông như vậy.
Ông Seth Hydrick, cử tri bang New York, Mỹ chia sẻ: “Tôi thấy cử tri đi bầu lần này rất cao, nhiều hơn tất cả những gì tôi từng thấy. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ thấy tự hào và phấn khích như khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay”.
Đi bỏ phiếu đông, đồng nghĩa với việc phải chờ đợi, xếp hàng. Nhưng có những điểm bỏ phiếu, cử tri không những không cần đợi mà sau khi bầu cử còn có quà để mang về. Thậm chí ở bang Texas, nhiều người dân còn cưỡi ngựa đi bỏ phiếu bầu cử.
Một cử tri bang này cho biết: “Chúng tôi cưỡi ngựa để đi học, để đến cửa hàng. Tại sao lại không cưỡi ngựa để đi bỏ phiếu? Việc thực hiện quyền là rất quan trọng. Và bạn có thể thực hiện quyền của mình theo cách đặc biệt hơn”.
Dấu ấn nữ Phó Tổng thống
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có nữ Phó Tổng thống da màu, gốc Á. Theo đó, bà Kamala Harris đã làm nên lịch sử với tư cách là người phụ nữ nhập cư đầu tiên, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên, người Mỹ gốc Á đầu tiên làm Phó Tổng thống Mỹ, phá vỡ những rào cản đã khiến đàn ông - hầu hết đều là người da trắng - cố thủ ở các vị trí cấp cao nhất tại chính trường Mỹ trong hơn hai thế kỷ qua.
Bà Kamala Harris, tên đầy đủ là Kamala Devi Harris, là chính trị gia và luật sư người Mỹ, sinh ngày 20/10/1964. Bà Kamala Harris sinh ở Oakland, California, bố gốc Jamaica, mẹ gốc Ấn Độ đều là người nhập cư.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. |
Có thể nói, bà Harris là một ngôi sao sáng trong chính trường của đảng Dân chủ trong hai thập kỷ qua. Người phụ nữ mang hai dòng máu này đã làm nên “bộ sưu tập” những điều thật ấn tượng. Kamala Harris là phụ nữ da màu đầu tiên trở thành Tổng Chưởng lý bang California, là Thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Ấn đầu tiên trong Thượng viện Mỹ.
Sau khi bà Harris kết thúc chiến dịch tranh cử Tổng thống đảng Dân chủ năm 2020, bà là người phụ nữ gốc Á đầu tiên, người phụ nữ da màu đầu tiên được một đảng lớn của Mỹ (Đảng Dân chủ) chọn làm ứng cử viên tranh cử Phó Tổng thống Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng cùng ông Joe Biden. Bản thân bà cũng là người phụ nữ thứ 3 trong lịch sử Mỹ được chọn tranh cử ghế Phó Tổng thống Mỹ.
Trước bà là Thống đốc bang Alaska Sarah Palin (năm 2008) và dân biểu bang New York Geraldine Ferraro (năm 1984). Tổng thống đắc cử và Phó Tổng thống đắc cử đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021 vừa qua.
Nữ Thượng nghị sĩ 56 tuổi của bang California được bầu vào vị trí Phó Tổng thống Mỹ, đại diện cho chủ nghĩa đa văn hóa định hình nên nước Mỹ nhưng hầu như không có mặt trong các trung tâm quyền lực của Washington. Việc là một người da màu đã cho phép bà Harris, với tư cách cá nhân, lên tiếng về sự tàn bạo của cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống trên nước Mỹ.
Lễ nhậm chức đặc biệt
Lễ nhậm chức Tổng thống năm 2021 cũng không giống bất kỳ lễ nhậm chức Tổng thống nào mà người dân quốc gia này từng chứng kiến và tham dự trước đây. Theo truyền thống, Tổng thống sắp mãn nhiệm thường tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm để tượng trưng cho sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Thế nhưng, ông Donald Trump đã tuyên bố không dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Joe Biden.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. |
Lúc đầu, Ủy ban tổ chức định giữ lại một số truyền thống lâu đời của lễ nhậm chức bình thường, chỉ giảm quy mô và tuân thủ các quy định để ngăn ngừa Covid-19. Nhưng sau vụ bạo loạn ở Đồi Capitol ngày 6/1/2021, mọi chuyện đã thay đổi.
Trung tâm thành phố Washington D.C bị biến thành doanh trại vũ trang. National Mall bị đóng cửa với công chúng và Đài tưởng niệm Washington cũng bị đóng cửa. Hơn 20.000 lính Vệ binh Quốc gia cùng với cảnh sát Washington D.C và nhiều cơ quan thực thi pháp luật liên bang đã trực chiến trong ngày 20/1 – ngày diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden.
Ủy ban tổ chức lễ nhậm chức Tổng thống khẳng định, ưu tiên hàng đầu của buổi lễ vẫn là giữ an toàn cho người dân trong khi tôn vinh những giá trị truyền thống. Buổi lễ nhậm chức đã không có cuộc diễu hành với đám đông cổ vũ cho tân Tổng thống và Phó Tổng thống; không có buổi dạ vũ nhậm chức để vợ chồng ông Joe Biden và vợ chồng bà Kamala Harris khiêu vũ.
Số người tham dự buổi lễ tại Đồi Capitol cũng bị hạn chế nhằm bảo đảm việc giãn cách xã hội với khoảng 1.000 khách tham dự, phần lớn trong số đó là thành viên của Quốc hội và khách mời. Con số này quá “khiêm tốn” so với con số hàng trăm nghìn người tham dự các buổi lễ nhậm chức của các Tổng thống trước đó.