Thay đổi triều chính ở Mỹ

(PLVN) - Ngày 20/1 vừa qua, cái gì phải đến sau cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ thì cũng đã, đến tân Tổng thống Joe Biden và tân Phó Tổng thống Kamala Harris (đều thuộc Đảng Dân chủ) chính thức tuyên thệ nhậm chức. Thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Donald Trump chấm dứt và nước Mỹ lại một lần thay đổi triều chính.
Ông Biden phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi nhậm chức.
Ông Biden phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi nhậm chức.

Lần thay đổi triều chính này khác biệt hẳn so với những lần trước đó. Vì người bị thất cử cho tới tận khi rời nhiệm sở vẫn không chịu công nhận là đã bị thất cử và vì người này trở thành tổng thống mãn nhiệm đầu tiên kể từ 152 năm nay ở Mỹ không tham dự nghi lễ nhậm chức chính thức của người kế nhiệm.

Nhưng khác biệt chính ở bối cảnh tình hình hiện tại ở nước Mỹ hỗn loạn cả về chính trị lẫn xã hội. Nước Mỹ vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Chính trường và nội bộ xã hội Mỹ bị phân hoá trầm trọng chưa từng thấy ra thành phe phái thù hận và đối địch lẫn nhau. Nước Mỹ bị thế giới bên ngoài nhìn nhận trong hoài nghi về an ninh và ổn định nội bộ cũng như về mức độ đáng được tin cậy ở bên ngoài.

Trong bối cảnh tình hình như thế, sự thay đổi triều chính từ chính quyền của ông Trump sang chính quyền của ông Biden trở thành dấu mốc lịch sử rất đặc biệt đối với nước Mỹ. Đương nhiên, ai ai cũng biết ông Biden cầm quyền khác ông Trump và sẽ lật ngược không ít quyết sách cầm quyền của người tiền nhiệm.

Nhưng ông Biden muốn làm khác là một chuyện, còn có thể làm khác được đến mức độ nào lại là chuyện khác. Ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên, ông Biden đã ký sắc lệnh hủy bỏ hiệu lực của 15 quyết sách cầm quyền của ông Trump, trong đó đáng chú ý nhất là quyết định đưa nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp ước Paris về bảo vệ khí hậu trái đất, cũng như quyết định ngừng xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico, chấm dứt lệnh cấm công dân từ một số quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Nhưng cũng sẽ có không ít định hướng chính sách cầm quyền của ông Trump vẫn sẽ được ông Biden tiếp tục, cho dù với mức độ khác dưới hình thức khác và dần dần theo thời gian chứ không gấp gáp.

Bài phát biểu sau khi tuyên thệ chính thức nhậm chức của ông Biden được dư luận chung ở trong và ngoài nước Mỹ đánh giá cao, thậm chí còn khiến cho nhiều người bị bất ngờ bởi không nghĩ là ông Biden thể hiện ngay được tầm vóc và bản lĩnh lãnh đạo quốc gia mà họ cho rằng nước Mỹ cần phải có đúng vào thời điểm hiện tại trong bối cảnh tình hình hiện tại.

Cụ thể ở đây là tập trung dành ưu tiên hàng đầu cho việc dẫn dắt nước Mỹ ra khỏi tình trạng khủng hoảng đồng thời trên nhiều phương diện. Ông Biden nhìn nhận ở việc gây dựng sự đoàn kết thống nhất nước Mỹ về chính trị và xã hội để khắc phục tình trạng phân rẽ và thù hận là chìa khoá để giải quyết tất cả các vấn đề khác. Ông Biden chìa tay hòa giải và mời chào hợp tác về phía những phe phái và lực lượng đối lập, đặc biệt về phía Đảng Cộng hòa trong quốc hội và những người trung thành ủng hộ ông Trump trong xã hội. 

Thông điệp của ông Biden là chỉ khi đoàn kết thống nhất nội bộ nước Mỹ thì nước Mỹ mới có thể nhanh chóng giải quyết được ổn thoả, dứt điểm và lâu bền tất cả những vấn đề nhức nhối lâu nay về đối nội cũng như đối ngoại.

Khiêm nhường như cũng rất kiên quyết, tham vọng nhưng cũng thực tế, ông Biden đề ra chương trình cầm quyền và mục tiêu phấn đấu cho thời gian 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Đối phó dịch bệnh Covid-19 với chiến lược bài bản và biện pháp cụ thể, khôi phục tăng trưởng kinh tế, cải thiện tình trạng chăm sóc sức khoẻ và y tế cho người dân cũng như khắc phục phân biệt sắc tộc mang tính hệ thống ở Mỹ được ông Biden coi trọng hàng đầu. Một thời mới đã bắt đầu như thế ở nước Mỹ. Người mới và bộ máy chính quyền mới đã bắt đầu quyết định vận mệnh nước Mỹ trong thời gian ít nhất 4 năm tới.

Đọc thêm