Chân dung “ông trùm” Khánh “trắng”- Bài 10:
Phân chia “quyền lực đen”
Khánh “trắng” muốn nói chuyện phân chia “quyền lực đen” ở bến xe phía Nam, người xứng đáng để ông trùm chợ Đồng Xuân tìm đến phải là Hải “CKC” (Vũ Thế Hải, SN 1960, ở phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng). Bởi kể về ngôi thứ giang hồ cũng như bề dày “thành tích” đâm chém, Khánh cho rằng Hải dù gì cũng xuất thân là dân anh chị nội thành.
Mặt khác, Khánh nghĩ đơn giản rằng, với số má cũng như thực lực của mình, những băng nhóm “mạnh ai nấy sống”, “rắn không có đầu” ở khu vực bến xe phía Nam sẽ nhanh chóng bị khuất phục. Có lẽ Khánh “trắng” sẽ thực hiện được điều đó nếu phía trước gã không là mưu sâu kế hiểm của Đông “chém” – vị quân sư, đàn anh trong bóng tối của Hải “CKC”.
Theo trí nhớ của một số tay anh chị thì đó là một trưa mùa hè của năm 1993, Khánh “trắng” bước xuống khỏi xe Jeep, kéo theo hàng chục đàn em, khệnh khạng bước vào điểm hẹn là một nhà hàng ở đường Giải Phóng, ngay sát bến xe. Đi cùng Khánh lúc đó là những đàn em thuộc dạng máu mặt nhất như Thắng “trố”, Vinh “đồng”...
Lúc ấy, phía trong nhà hàng được bao toàn bộ chỉ có Hải “CKC” và vài gã giang hồ đại diện cho các băng nhóm ở khu vực bến xe. Không biết vì quá coi thường đối thủ hay muốn “ra oai” phủ đầu, Khánh “trắng” nói chuyện bằng thứ giọng trịnh thượng của kẻ bề trên. Con “hổ dữ” chợ Đồng Xuân càng không thế ngờ, đã rơi thẳng vào cái bẫy được giăng sẵn. Không chỉ Hải “CKC” mà cả những tay anh chị đại diện băng nhóm bến xe phía Nam cũng tỏ vẻ rất khó chịu với thái độ của Khánh.
Dường như không chịu nổi: Hải bỗng đập bàn chửi thề: “Khánh “trắng”, một mình mày đã kiếm bộn tiền ở chợ Đồng Xuân, giờ lại muốn đạp lên bát cơm của anh em bến phía Nam à?”. Thấy Hải có vẻ manh động, một số đàn em của Khánh “trắng” lập tức nhào lên định ăn thua đủ với kẻ dám lếu láo với đàn anh của mình.
Thế nhưng, Khánh ngăn đám đệ tử lại, móc trong bụng ra một khẩu súng ngắn, gã lạnh lùng: “Hải này, tao biết mày chơi CKC rất giỏi, nhưng dao lê liệu có đấu được với “chó lửa” không?”. Cần biết rằng, những năm 1990, “hàng nóng” rất hiếm, chỉ những đại ca cộm cán thuộc hàng “thú dữ” mới sở hữu được cái vật chết người ấy.
Khánh “trắng” chĩa súng vào Hải “CKC”, chưa chắc gã đã định bắn ai mà chỉ là cách để dằn mặt đối thủ cứng đầu. Bất ngờ, người đang ngồi trước nòng súng không những không tái mặt mà còn bình thản cười khẩy: “Súng của mày có bao nhiêu viên đạn? Mày có thể bắn chết tao nhưng sẽ không thể bắn hết anh em của tao. Nếu tao nằm xuống, mày đừng hòng vác xác ra khỏi quán này”.
Hải vừa dứt lời thì từ phía ngoài đường có tiếng động cơ gầm rú của nhiều chiếc xe lam (loại xe nhỏ chuyên dùng chở người và hàng ở các bến xe ngày trước, giờ đã bị cấm bởi không đảm bảo an toàn giao thông – PV).
Khoảng hơn chục chiếc xe lam tạo thành một vòng cung bao vây phía ngoài nhà hàng. Từ mỗi xe bước xuống gần chục tay anh chị đằng đằng sát khí với đủ loại dao kiếm trên tay. Tính ra, đội quân tiếp ứng này lên đến cả trăm người. Họ kéo hết vào quán, đứng sau lưng Hải “CKC”, tỏ vẻ sẵn sàng chờ lệnh của Hải.
Khánh “trắng” cũng không hổ danh là “ông trùm” số một của Hà thành. Dù phía đối phương có lực lượng vượt trội, giọng Khánh vẫn không hề nao núng: “Chúng mày định giở thói “chó đàn” à? Hôm nay anh em tao có nằm xuống hết cũng phải kéo theo một nửa số chúng mày xuống âm phủ”. Đám đàn em của Khánh lập tức lạnh lùng rút ra đủ loại “hàng lạnh” sẵn sàng tiếp chiến...
Ván bài hoàn hảo
Một số người chứng kiến nhớ lại khung cảnh lúc đó giống trong những bộ phim xã hội đen, không khí căng như sợi dây đàn. Tưởng chừng, chỉ chờ một cái nháy mắt nữa là sẽ có một cuộc chiến đẫm máu xảy ra. Mặc dù thực chất, cả hai phe đối địch đều không muốn cuộc chiến này xảy ra. Bởi đều quy tụ những gã giang hồ chuyên nghề đâm chém. Nếu hai băng nhóm lao vào nhau, hậu quả thảm khốc thế nào là đều hoàn toàn dễ tưởng tượng.
Giữa lúc ấy, “vị cứu tinh” xuất hiện, không ai khác, chính là Đông “chém”, đàn anh của Hải “CKC”. Một mặt quát Hải cho “thu quân”, một mặt ngọt nhạt khuyên nhóm Khánh cất vũ khí, gã giang hồ Lạng Sơn bỗng chốc trở thành “sứ giả của hòa bình”.
Sau đó, Đông “chém” trực tiếp nói chuyện với Khánh “trắng”. Không ai biết thực chất cuộc nói chuyện là gì, không rõ Đông đã thuyết phục “ông trùm” tham lam của chợ Đồng Xuân thế nào, chỉ biết rằng, từ đó cho đến khi phải trả giá vào năm 1996, Khánh “trắng” không bao giờ lai vãng xuống địa bàn bến xe phía Nam nữa.
Rất lâu sau đó, giới giang hồ Hà thành vẫn bàn tán xôn xao về vụ việc này. Không chỉ là việc Khánh “trắng” phải “xuống thang” nhượng bộ, họ còn tìm ra thực chất, Đông “chém” mới là người “đạo diễn” toàn bộ sự việc.
Trong ván bài ấy, Khánh với tham vọng bành trướng địa bàn đã vô tình trở thành “con bài tẩy” để Đông lợi dụng, qua đó làm nổi bật vai trò của Hải “CKC”. Nhìn bề ngoài, ai cũng thấy Khánh định “dây máu ăn phần” bến xe phía Nam và Hải với sự hỗ trợ của Đông đã ngăn chặn thành công việc đó.
Bằng chứng thức nhất là việc Đông “chém” bỗng xuất hiện vô cùng đúng lúc để hai phe đối địch không phải đổ máu. Với sự hơn hẳn về “quân số”, phe Hải có thể chiến thắng nhưng thực sự gây hấn với ông trùm số một Hà thành là điều Đông “chém” cũng không hề muốn. Tiếp đó, trong số những “tay đap” bước xuống từ xe lam, có đến một nửa là giang hồ Lạng Sơn hoặc những kẻ luôn sát cánh với Đông trong hoạt động buôn lậu ở biên giới.
Thời điểm đó, Hải “CKC” chưa đủ khả năng để kêu gọi các băng nhóm ở bến xe có mặt. Sự hỗ trợ của đàn anh Đông “chém” cả về lực lượng và mưu kế đã giúp Hải chiếm hoàn toàn thế thượng phong trong cuộc giao đấu này.
Sau vụ việc, nể phục Hải “CKC” xả thân vì “miếng cơm manh áo” của chiến hữu, toàn bộ các băng nhóm ở bến xe phía Nam đều chấp nhận vị trí số một của Hải trong khu vực. Gây dựng xong thanh thế cho đàn em, Đông “chém” lại mất hút vào “phía sau cánh gà”. Quá ranh ma, có lẽ Đông hiểu rằng những hoạt động phi pháp tranh giành quyền bảo kê bến bãi dù sớm hay muộn cũng bị pháp luật tóm gáy.
Vài năm sau, Hải “CKC” trả giá bằng một án tù dài với hàng loạt tội danh. Hoạt động băng nhóm theo kiểu xã hội đen ở các bến bãi cũng bị các cơ quan chức năng triệt phá tận gốc. Cách đây vài năm, Hải “CKC” đã ra tù, không gia đình vợ con nên tính tình trở nên lẩn thẩn, thường xuyên bỏ nhà đi lung tung. Chỉ riêng Đông “chém” thì đến nay, vẫn không ai rõ tung tích của đại ca giang hồ này.
Quay trở lại với Khánh “trắng”, cuộc đấu ở bến xe phía Nam đã cho thấy phần nào sự “đuối mưu” của ông trùm. Cũng có thể, sau ngày thâu tóm được địa bàn trung tâm, Khánh “trắng” tự tin cho rằng mình có thể “một bàn tay che được cả bầu trời” nên tự tung tự tác.
(Mời bạn đọc đón đọc bài sau: Vì sao Hải “bánh” lại đầu quân cho ông trùm Khánh trắng?)