Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác khám nghiệm, giám định, Thượng tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn (Phó giám đốc Trung tâm giám định pháp y, Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an) cho biết, những dấu vết chính dễ nhìn thấy ngay, nhưng đôi khi những dấu vết nhỏ, dấu vết phụ lại có vai trò quan trọng. Trong nhiều trường hợp, việc giải mã vết thương, xác định cơ chế hình thành dấu vết thương tích chính là “nút mở” để tìm ra thủ phạm…
Vết thương hình nan quạt
Vào đầu năm 90 của thế kỷ trước, khi đó chàng Trung úy, bác sĩ trẻ Trần Ngọc Sơn được phân công đi trợ giảng lớp đào tạo giám định viên pháp y của ngành công an, mở tại công an tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương).
Thời điểm đó, tỉnh này xảy ra một vụ án mạng đau lòng khi nạn nhân là hai chị em ruột, người em trai chết ngay tại chỗ, còn cô chị cả tên H được đưa đi cấp cứu và sống sót.
Mọi hướng điều tra đều tập trung truy tìm kẻ lạ mặt, song suốt quá trình điều tra, thủ phạm vẫn là một ẩn số và vụ án có nguy cơ rơi vào bế tắc. Lúc này, cơ quan điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã mời bác sĩ Trần Ngọc Sơn trực tiếp tham gia giám định và từ đây những nút thắt quan trọng của vụ án bắt đầu được tháo gỡ.
Đã hơn hai chục năm trôi qua, nhưng những lời khai “ráo hoảnh” của cô chị gái trong vụ án đó vẫn khiến bác sĩ Sơn ám ảnh: “Bố mẹ cháu đi làm vắng nhà, chỉ có hai chị em đang ăn trưa thì một kẻ bịt mặt ập tới, đe dọa và vung dao chém cả hai chị em, vì quá bất ngờ, hai chị em cháu không kịp kêu cứu”.
“Hiện trường không bị xáo trộn, đĩa cá kho chỉ vơi đi mấy lát, bát rau luộc còn lưng nửa, nồi cơm mới được xới vào hai chiếc bát con mà hai chị em đang ăn dở, vết máu chưa kịp khô... Đáng chú ý là con dao gây án lại chính là con dao của gia đình nạn nhân”, bác sĩ Sơn cho biết thêm.
Thêm vào đó những bất thường, mâu thuẫn chưa thể lý giải khi cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai của nhân chứng càng làm đau đầu cơ quan điều tra.
Trong cuộc chiến chống tội phạm, chống lại cái ác, các chuyên gia KHHS và pháp y là những chiến sĩ trên mặt trận không tiếng súng, vũ khí của họ là khoa học kỹ thuật, là tri thức, nghiệp vụ chuyên môn…
Mới đây, khi trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án “thảm sát” tại Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã tặng các cán bộ Viện KHHS (C54) tham gia khám nghiệm, giám định mấy vần thơ đầy cảm động, cán bộ KHHS là những người mang trong mình: “Trái tim nóngCái đầu lạnh Và đôi bàn tay khéo”
Dựa vào lời những người hàng xóm cạnh nhà nạn nhân thì có hai tình tiết rất đáng quan tâm, đó là: tại thời điểm xảy ra vụ án, họ không hề nghe thấy bất kỳ tiếng chó sủa nào, mặc dù con chó của gia đình nạn nhân được tiếng là dữ dằn và sẵn sàng lao ra cắn bất cứ người lạ mặt nào khi đến nhà nếu không được sự trông coi cẩn thận của gia chủ.
Thêm vào đó, lúc vụ án xảy ra, con đường dẫn đến cổng nhà H đang được một số người dân mang thóc ra phơi, và họ khẳng định: không hề có người lạ mặt nào đi vào...
Việc khám nghiệm tử thi nạn nhân là người em trai xấu số của H và nghiên cứu những vết thương trên thi thể người em trai được tiến hành. Bác sĩ Sơn cho biết, khi án mạng xảy ra, hai chị em ăn cơm và ngồi đối diện nhau.
Những vết thương trên thi thể người em trai có hướng từ trên xuống, sâu và tập trung nhiều ở phần đầu, mặt phía bên trái nạn nhân, còn những vết thương trên cơ thể H nông, chỉ đủ gây chảy máu, tập trung nhiều ở cánh tay bên trái, theo chiều hướng hình nan quạt từ ngoài vào trong và trong tầm với tay phía bên phải H.
Một câu hỏi được đặt ra lúc này: “Nếu có thủ phạm như lời miêu tả của H, khi dùng dao gây án, thì lực tác động và vết thương gây ra trên cơ thể các nạn nhân phải tương tự nhau chứ không thể nông - sâu khác nhau như vậy?”. Mặt khác, khi bác sĩ Sơn hỏi H: “Cháu thuận tay nào?” thì H đáp gọn lỏn “Tay phải ạ”.
Bằng linh cảm nghề nghiệp mách bảo, bác sĩ Sơn nhận định, có thể chính H là thủ phạm gây ra cái chết cho người em trai ruột của mình và tự tạo ra thương tích của chính mình.
Lúc này, hướng điều tra bắt đầu tập trung vào cô chị gái 12 tuổi. Tuy mới độ tuổi thiếu niên nhưng H tỏ ra khá bản lĩnh và ăn nói lưu loát. Trong lúc H đang điều trị vết thương ở bệnh viện, cơ quan điều tra đã tiến hành lấy lời khai của cô bé.
Lúc đó, H đã khóc rất to, kêu gào thảm thiết và luôn miệng nói: “Tại sao lại có người dã man đến thế? Cháu thương em cháu lắm. Các chú đã bắt được thủ phạm chưa?” khiến không ít điều tra viên bối rối, những người có mặt cũng cám cảnh.
Trong quá trình tìm hiểu được biết, ở gia đình H là cô bé rất ương bướng, nhưng ở trường H lại rất sợ và luôn vâng lời cô giáo chủ nhiệm. Cơ quan điều tra đã tìm hiểu và trao đổi với cô giáo về nội dung trước về cuộc trò chuyện để phục vụ quá trình điều tra vụ án…
Cô giáo đã rất ân cần hỏi thăm sức khỏe của H và động viên cô bé. Nhờ đó, câu chuyện được gợi mở dần: “…Sự việc không có gì đâu em! Nếu lỡ tay đánh em trai như vậy thì cứ nói cho cô biết, mọi người sẽ tha thứ cho em, các bạn cũng mong em về để đi học đấy”.
“Thế em trai của em như thế nào rồi hả cô?”, giọng H hốt hoảng. “Em trai em bình phục rồi đấy, đang mong em về nhà”, cô giáo ân cần…
Thấy cô giáo nói em trai vẫn còn sống, H bỗng òa khóc nức nở, nấc lên từng hồi và kể lại chi tiết sự việc kinh hoàng đó, H bộc bạch tâm sự: “Từ khi em trai ra đời, bố mẹ em cưng chiều nó hết mức, rồi bỏ bê em. Được thể, nó lấn tới, đành hanh, suốt ngày bắt nạt và đánh em. Bố mẹ cũng không bênh em. Em cảm thấy mình trở thành người thừa trong gia đình. Uất ức lắm, nhiều lần em đã muốn nện cho nó một trận để nó chừa cái thói bắt nạt người khác...”
“Và đúng buổi trưa hôm đó, hai chị em đang ăn cơm, nó tranh giành đĩa cá không cho em ăn, bắt em phải ăn rau. Lúc đó quá uất ức, em không kiềm chế được nữa, vớ ngay con dao ở chạn bát rồi chém liên hồi về phía em trai cho bõ tức. Thấy máu chảy lênh láng, em sợ quá, nghĩ cách lấy dao tự cứa vào tay mình và bịa ra câu chuyện trộm bịt mặt vào nhà để giết hai chị em...”.
“Cô bé 12 tuổi đã không phải ngồi tù về hành vi dã man của mình do chưa đến tuổi vị thành niên, nhưng những người làm cha, làm mẹ sẽ phải day dứt suốt đời bởi chính họ là “tội nhân”, bị “cầm tù về tư tưởng” khi họ vô tình trở thành nguồn gốc gây nên nỗi đau ấy”, bác sĩ Sơn tâm sự.
Thượng tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn, PGĐ Trung tâm Giám định Pháp y, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) |
Không thể chối cãi
Một vụ án khác cũng được phá nhờ sự tỷ mẩn của các bác sĩ pháp ý. Buổi sáng sớm hôm ấy, khi trời vẫn còn chìm trong sương thì hàng xóm của bà H bỗng nghe thấy tiếng kêu cứu của D (con trai nuôi của bà H) : “Cháy! Cháy! Cứu với, cứu với”. Khi mọi người chạy sang thì cái bếp của gia đình bà H đã đổ ập xuống và D hốt hoảng cho biết mẹ mình đã chết trong đó.
Khi nhận được trưng cầu giám định pháp y của Cơ quan điều tra, bác sĩ Trần Ngọc Sơn trực tiếp cùng đoàn khám nghiệm tới hiện trường.
“Toàn bộ bếp đã sập và đè lấp lên bà H. Nạn nhân nằm trong tư thế phủ phục, mặt gục vào kiềng bếp, trên bếp có một nồi nước, cho thấy trước khi chết nạn nhân đang trong trạng thái ngồi đun nước. Người dân xung quanh chỉ biết rằng, bà H đã sơ xuất làm cháy bếp khi đang nấu nước buổi sớm, không chạy kịp nên đã bị vùi trong đống tro tàn đó”, bác sĩ Sơn vẫn nhớ như in sự việc.
Khi bắt đầu khám nghiệm, tất cả phần lưng, tóc phía trên của nạn nhân bị cháy sém, phần mặt, ngực, bụng do nằm phủ phục nên còn nguyên, không bị cháy.
Bác sĩ Sơn phát hiện trên tử thi có vết thương rất nặng ở trán nạn nhân, còn nguyên vết máu. Mọi người nghĩ bà H bị bếp đổ đè, ngã đập đầu vào kiềng bếp và bị choáng nên không chạy được ra khỏi đám cháy. Nhưng khi giám định, căn cứ tính chất của vết thương, bác sĩ Sơn kết luận chiếc kiềng bếp có hình cong như vậy, không thể tạo nên vết thương như ở trán bà H.
Trong khi mọi người đang tập trung chú ý vào hiện trường thì bác sĩ Sơn nhận thấy D có những biểu hiện bất thường, nằm trên giường, đắp chăn kín đầu, người run bần bật, không đoái hoài đến sự việc.
Anh Sơn liền hỏi: Cháu làm sao thế? D giọng run rẩy: “Cháu bị ốm”. Bác sĩ Sơn lại tiếp: “Ra đây để chúng tôi còn lấy lời khai chứ”. Lúc đó, D mới lò dò chui ra khỏi chăn, vẫn mặc chiếc quần đùi và áo may ô.
Bằng con mắt nghiệp vụ, bác sĩ Sơn phát hiện trên tay D có vết phồng mọng nước, dạng vết bỏng ở độ II, nghi vấn, anh liền lấy kính lúp soi thấy các chân lông bị cháy xoăn lại. Củng cố lại nhận định của mình, anh Sơn hỏi tiếp: “Sao lại có viết bỏng này?”. “Dạ do nước sôi bắn lên tay khi vào cứu mẹ”, D ấp úng.
Nếu nước sôi bắn vào thì bỏng của nước sôi không thể khiến chân lông cháy xoăn lại như thế được, phải có sự tiếp xúc với lửa, bác sĩ Sơn nêu vấn đề chắc chắn như vậy và mọi hướng điều tra tập trung vào D.
Sau khi tìm mọi lý do nhằm che đậy hành vi tội ác của mình không được, D đã phải cúi đầu khai nhận, chính y là thủ phạm giết chết người mẹ nuôi của mình.Và câu chuyên được thuật lại đầy oan trái.
Theo đó, vợ chồng ông bà H là giáo viên, lấy nhau mãi mà không có con nên đã xin D - con trai của gia đình một người bạn thân về nuôi. D vốn là đứa trẻ ngoan ngoãn, biết vâng lời, thương bố mẹ. Gia đình đang trong bầu không khí ấm êm, thuận hòa thì bỗng nhiên xáo trộn kể từ khi ông bà H tuy muộn mằn nhưng “trời thương” đã sinh được một người con trai kháu khỉnh.
Lúc này, D tỏ ra ích kỷ, ganh ghét, sống khép kín. Nhiều lần D vòi tiền mẹ, gây sự, kiếm cớ lời qua tiếng lại... vì xưa nay D vẫn nghĩ tuy là con nuôi nhưng là con một nên sẽ được thừa hưởng toàn bộ gia tài sau này, nay thì D sợ… sẽ mất gia tài vào tay đứa em trai.
Không đỗ đại học, D đi nghĩa vụ quân sự, lần về phép này, sau khi cãi nhau với mẹ và một phút thiếu kiềm chế, D đã tiện tay dùng viên gạch có sẵn trong bếp đập một nhát vào trán bà H, thấy máu chảy lênh láng, sợ quá, D lên nhà xách can xăng hắt vào bếp để phi tang... Vì vội nên một vài giọt xăng đã bắn lên tay và bị lửa táp vào, gây nên những vết bỏng.
Điều đáng chú ý là, cách đó 3 năm, theo mọi người đồn lại chồng bà H, bố nuôi của D khi múc nước đã bị lộn cổ xuống giếng và qua đời. Thời gian trôi đi, không ai nghi vấn gì về nguyên nhân cái chết của ông.
Nhưng bằng linh cảm nghề nghiệp, cộng với nguyên nhân gây chết của bà H, cơ quan Công an đã mở rộng điều tra vụ án, đấu tranh với D, kết quả D đã phải thú nhận chính y là thủ phạm gây ra cái chết của cha nuôi. Khi ấy, cũng sau nhiều lần cãi vã… thấy người cha ra giếng múc nước, nghĩ rằng thời cơ chín muồi, y đã đứng phía sau, đẩy chính người cha đã nuôi nấng, chăm bẵm mình xuống giếng.
Xuất phát từ việc muốn chiếm đoạt tài sản của ông bà H nên D đã âm mưu giết bố, đợi đến thời cơ giết mẹ và tiếp đến sẽ là cả đứa em trai của mình để ung dung chiếm đoạt toàn bộ gia tài.
(Còn nữa) Kỳ 2: Thoát tội giết người nhờ giám định viên
Ở Việt Nam, pháp y trong lực lượng CAND được hình thành khá sớm, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, xuất phát từ nhu cầu thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm. Với tầm nhìn chiến lược, cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bác sĩ pháp y làm việc trong ngành Công an. Nhiều cán bộ công an và các sinh viên ưu tú của các ngành ngoài được tuyển chọn, gửi đào tạo pháp y trong và ngoài nước như Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc…
Xuất phát từ tình hình thực tế, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã đánh giá cao vai trò của lực lượng pháp y công an và có sự quan tâm, đầu tư, chỉ đạo sâu sát, xây dựng hệ thống pháp y chuyên nghiệp, hiện đại. Ở cấp trung ương có Trung tâm pháp y thuộc Viện Khoa học Hình sự, đây là một trung tâm hàng đầu của Việt Nam về giám định pháp y. Đơn vị này được trang bị đầy đủ các phương tiện xét nghiệm như Xquang, điện não, điện tim, siêu âm, xét nghiệm sinh hóa, vi thể…
Trong những năm gần đây, số yêu cầu giám định đối với pháp y công an ngày càng tăng, nhiều trường hợp người dân còn đề nghị trưng cầu đích danh pháp y công an giám định. Pháp y Công an đã triển khai nhiều biện pháp giám định mà các cơ sở giám định pháp y khác chưa triển khai được hoặc có triển khai nhưng hoạt động kém hiệu quả như: giám định nhận dạng, giám định gien, giám định hài cốt, giám định tuổi người sống, giám định khả năng sinh lý tình dục, thực nghiệm giám định và dựng mô hình thực nghiệm giám định…
Thực tế trong thời gian qua, hầu hết các chuyên án lớn có liên quan đến pháp y đều do pháp y Công an đảm nhiệm, như chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, chuyên án “Khánh Trắng”, vụ tai nạn rơi máy bay IAK 442 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại Khánh Sơn, Khánh Hòa, vụ 5 nạn nhân bị giết chết khi đi tìm trầm hương tại Quảng Trị… Gần đây nhất là vụ án giết người cướp tài sản của Lê Văn Luyện, vụ “cậu Thủy” làm giả hài cốt liệt sỹ, vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, vụ chết 4 người Trung Quốc tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), vụ thảm án ở Quảng Ninh…