“Ăn nên làm ra”
Anh Đinh Nguyễn Hoàng Tuấn (Linh Đàm - Hà Nội) có lẽ là một trong hàng triệu khán giả trung thành của giải bóng đá Ngoại hạng Anh ở Việt Nam hiện nay. Nếu như ở những mùa giải trước để được xem những trận cầu “đinh” như kiểu Chelsea - Manchester City anh chỉ có cách là tìm ra quán cà phê gần nhà có đăng ký dịch vụ truyền hình K+ vào mỗi tối Chủ nhật.
Nhưng năm nay, những cú “ngã ngựa” bất ngờ của những đội bóng tên tuổi và sự “lên đồng” của những đội bóng hạng trung, như hiện tượng Leicester khiến những trận đấu như nói ở trên anh lại có thể thảnh thơi ngồi ở nhà xem vào tối thứ 7 và trên những kênh truyền hình phổ cập.
Tuy nhiên, nếu anh muốn chứng kiến Leicester đá ra sao cho những trận cuối mùa giải thì vẫn chỉ có 2 khả năng: hoặc anh phải bỏ nhà ra quán cà phê bóng đá ngồi hoặc phải đăng ký ngay dịch vụ truyền hình trả tiền đang sở hữu bản quyền trận đấu hấp dẫn nói trên để được tận hưởng.
Tính hấp dẫn của giải bóng đá Ngoại hạng Anh đang khiến cho dịch vụ truyền hình trả tiền “ăn nên làm ra” tại Việt Nam. Một thống kê cho thấy, chỉ trong vòng 10 năm bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam được các tập đoàn nước ngoài bán lại cho các đơn vị trong nước khai thác có giá tăng tới gần 20 lần. Từ 2 triệu USD (giai đoạn 2004 – 2007, VTC), 4 triệu USD (2007 – 2010, VTC), 13 triệu USD (2010 – 2013, K+) và 35 triệu USD (2013 – 2016, K+).
Thậm chí, bản quyền phát sóng giải bóng đá này 3 mùa tới tại Việt Nam dù chưa chính thức ra giá đối với các đài trong nước, nhưng theo dự báo của một số cơ quan chuyên môn, với đà tăng liên tiếp vài năm gần đây, bản quyền truyền hình EPL 2016-2019 có thể sẽ có giá lên tới 70 triệu USD (tương đương 1.500 tỷ đồng) (?)
Với những con số “nhảy múa” đến chóng mặt qua hàng năm như muốn nói lên một điều “thầm kín”: bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh đang là một miếng bánh thơm phức mà nhà đài nào cũng muốn “ôm” bằng được để làm “hàng” với hàng triệu khán giả Việt say mê với trái bóng tròn.
Và không quá ngạc nhiên, khi bản quyền giải bóng đá này mùa giải giai đoạn 2016-2019 tại khu vực châu Á đã thuộc về quyền sở hữu của Tập đoàn Truyền thông MP&Silva, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã không chịu ngồi yên mà đã nhóm họp và tìm ra một giải pháp được xem là khá thú vị: miếng bánh sẽ được đưa vào một mâm và cắt đều ra cho nhau mỗi người một mẫu thay vì dành cả phần cho một nhà đài như những năm trước.
Ai tốt, ai xấu?
Ban đàm phán (gồm 10 thành viên, trong đó có VSTV – đơn vị sở hữu hệ thống kênh truyền hình K+) thống nhất quan điểm: Thứ nhất, không mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh bằng mọi giá mà ở đây là không mua với giá cao hơn 20% so với mức giá của các mùa giải 2013-2016 (chỉ mua vào khoảng 46 triệu USD trở lại). Thứ hai, mua toàn bộ những trận đấu của giải (không có bất cứ hình thức độc quyền nào). Thứ ba, các đơn vị cam kết không đàm phán riêng rẽ.
Tuy nhiên suốt thời gian qua, Ban đàm phán vẫn chưa thể tiến hành bất kỳ cuộc gặp mặt nào với MP&Silva do đối tác này không đồng ý phương án mua chung. Vì quá sốt ruột nên một thành viên Ban đàm phán là K+ đã tách riêng và đề nghị với Hiệp hội được đàm phán riêng rẽ. Sau đó sự việc được cả 2 bên gửi công văn “kêu cứu” lên Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cho rằng phía MP&Silva không có thiện chí đàm phán mà muốn gặp gỡ riêng các đơn vị truyền hình Việt Nam để bán bản quyền, ông Lê Đình Cường Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VNPayTV nói với báo chí rằng các nhà đài phải đoàn kết với nhau để được mua với giá hợp lý, có lợi cho người xem. Việc có đơn vị nào đó tự đàm phán hay “đi đêm” sẽ gây thiệt hại với các đài còn lại, giúp cho đối tác thu lợi.
Cái ý “có lợi cho người xem” của lãnh đạo VNPayTV có thể làm nhiều người mủi lòng, nhưng nếu thực sự đặt quyền lợi của khán giả xem truyền hình lên hàng đầu thì trường hợp VNPayTV không đủ khả năng để ký kết để giành lấy quyền phát sóng thì dù có ý định tốt là vì khán giả thì họ cũng sẽ quay lưng khi bản thân họ đã mất hết cơ hội để xem những trận đấu hấp dẫn của giải bóng đá này.
Theo một số chuyên gia theo dõi sự việc, xét từ góc độ kinh doanh, các kênh - đài truyền hình tại Việt Nam cạnh tranh nhau trong cuộc đua giành phát sóng các trận đấu giải bóng đá Ngoại hạng Anh là điều tất yếu trong cuộc đua để tồn tại và phát triển.
Khi các doanh nghiệp cùng tham gia một cuộc đua, mà ở đó họ biết chính xác các tiêu chí mà mình tham gia như giá cả đến mức nào là chấp nhận được, đồng thời các yếu tố “phi tài chính” khác không thể tính được bằng tiền… mà họ có thể chấp nhận để đạt được, thể hiện họ có những toan tính để thành công trong lĩnh vực truyền hình.
Trong sự khốc liệt của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp có lớn, có bé, có tiềm lực, không có tiềm lực, có thương hiệu và không có thương hiệu… do đó chi phối tới các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn sẽ khác nhau, từ nội tại của từng doanh nghiệp tham gia cuộc đua giành quyền phát sóng sẽ khác nhau.
Trong cuộc đua lợi nhuận đó, liệu ai có thể giúp những khán giả trung thành như anh Tuấn có thể được xem những trận đấu kịch tính, hấp dẫn của giải bóng đá này ở nhà với giá rẻ vào năm tới hay anh Tuấn sẽ phải tiếp tục theo dõi nó bằng một ly cà phê đắt đỏ tại một quán cà phê mà anh không còn cách lựa chọn nào khả dĩ hơn? Chưa ai trả lời được.