Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Những khoảng lặng của sự tận hiến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa vu lan không chỉ là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn với các đấng sinh thành! Mà còn đó những hy sinh thầm lặng của các “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch, với hàng ngàn y, bác sỹ đã trở thành F0, vẫn ngày đêm làm việc 200% sức lực có thể để chiến đấu nơi mặt trận không tiếng súng. Những trang nhật ký viết vội, những ám ảnh, thương đau khi bất lực trước bệnh nhân là những gì họ đang trải qua! Nhưng họ sẽ không bao giờ gục ngã...
Trong phòng điều trị bệnh nhân nặng ở Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi. (Ảnh: Bộ Y tế)
Trong phòng điều trị bệnh nhân nặng ở Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi. (Ảnh: Bộ Y tế)

“Cho dù trận tuyến này có thế nào, tôi vẫn ở lại”

Trên trang cá nhân và Thông tin Y tế, bác sỹ trẻ Nguyễn Hà (TP HCM) thường có những trang nhật ký trải lòng vô cùng xúc động trong những đêm trực: “Diễn biến nhanh kinh khủng, hơn 20 bệnh nhân suy hô hấp cùng lúc, nay mới thấm cảnh đồng nghiệp trước đó kêu gào “đói” ôxy điên cuồng. Dù sao cũng phải chấp nhận sự thật, từ nay còn nhiều, rất nhiều đêm trực phải đối diện với những diễn biến ngoài tầm kiểm soát! Mạnh mẽ lên tôi ơi!

Một số bệnh nhân cứ hờn trách chúng tôi không chịu nhận bệnh! Ôi, khổ tâm lắm, thương lắm mà không biết nói sao nữa! Bệnh nhân thương ơi! Bởi COVID-19 rất nguy hiểm, nếu anh/chị là một F0 vào viện lúc đó, rất có thể anh chị chuyển nặng đột ngột mà tại thời điểm anh/chị muốn vào viện thì máy thở đã hết, các giường bệnh cũng kín và quá tải rồi… Những bệnh nhân không nhiễm COVID-19 đang điều trị bệnh nền ở đó, nếu họ bị lây nhiễm chéo từ anh/chị thì thật tội cho họ!

Khi phải từ chối không nhận bệnh nhân, chắc chắn người thầy thuốc đó muốn cho bệnh nhân được cứu sống ở một bệnh viện khác! Nhận bệnh nhân dễ lắm, nhưng nhận vào mà không làm được gì thì chúng tôi sao dám!

Có thể ngày mai bệnh viện sẽ chuyển công năng sẽ chỉ điều trị COVID-19! Dù có thế nào tôi cũng luôn ở đây và ủng hộ! Thương bệnh nhân, thương đồng nghiệp, thương tất cả… Cho dù trận tuyến này có thế nào, tôi vẫn ở lại, không bao giờ bỏ cuộc!... Mong mọi người bình an!”…

Và bác sỹ Ngô Đức Hùng (Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội), 'bác sỹ blog' đã ra hai đầu sách, tiếp tục những trang nhật ký của mình, từ đợt dịch thứ 4 này!: “Lần trước, cũng vội xách va ly ra khỏi nhà tận 2 tháng. Từ Hà Nam xuyên Bắc Giang, chiếc xe đi đúng trên con đường mình hay về quê, đi qua nhà mình ở, rồi đi qua đám ruộng có mộ mẹ ở đó… Một chút bâng khuâng, nhìn qua ô kính, rồi thôi”... Thế rồi, lần này xách va ly lên sân bay, hàng xóm hỏi đi đâu, anh hài hước nói “đi du lịch”, cũng là một cách cho mọi người đỡ… sợ.

Đến TP HCM lần này là tất cả những gì khốc liệt nhất, khi bác sỹ đã không níu giữ được bệnh nhân ở lại: “Chiếc máy monitor hiện lên đồ thị điện tim đều đều chạy từ trái qua phải, rồi mất ở bên kia màn hình… Thế rồi, nó ngừng lại, không ồn ào, ông bác tổn thương phổi chưa đến nỗi nặng, ngồi co ro bên giường bàng hoàng nhìn sang phía đối diện, nơi các bóng áo trắng đang hì hục ép tim, rồi khóc. Khóc vì nỗi ám ảnh liệu rằng mình có phải nằm ở vị trí đó hay không. Khóc vì nỗi cô đơn không có người thân nào ở bên cạnh lúc này. Và khóc thương cho một số phận kém may mắn đã không còn chống chịu được nữa.

Mỗi ngày, công việc lặp đi lặp lại như vậy khiến mỗi người đều trở nên căng thẳng. Để tiết kiệm đồ bảo hộ, mọi người đều cố gắng làm việc xuyên ca, không ăn, không uống. Bởi chỉ cần tháo chiếc khẩu trang ra, uống một hớp nước đã phí mất cả bộ đồ bảo hộ lẫn chiếc khẩu trang giá vài trăm ngàn đồng. Nhưng những điều đó đâu có đáng gì với những cảm xúc mà họ phải chịu đựng khi liên tiếp đối mặt với những ám ảnh, mà với người bình thường cả đời chỉ gặp có một đôi lần.

Và có những ngày là nỗi đau khựng lại: “Liên lạc với gia đình bệnh nhân (đang ở khu cách ly), thông báo bệnh nhân đã không qua khỏi… Vợ bệnh nhân phải rất lâu sau khi nghe bác sỹ thông báo mới có thể bình tĩnh lại cùng bác sỹ bàn giải pháp lo hậu sự cho bệnh nhân. Khi trấn tĩnh lại, vợ bệnh nhân cầu xin cho con gái đang nguy kịch ở khu cách ly… “bố cháu mới mất, bác sỹ đưa bố cháu đi, thế là còn 1 giường, bác sỹ có thể giúp chị cho cháu vào được không?”…

Có thể nói, những dòng nhật ký đau thương ấy, chỉ là phần nào sự khốc liệt nơi “chiến trường không tiếng súng”. Nếu có một ngày, bạn bước ra khỏi nhà như một cuộc dạo chơi, rồi từ đó người thân sẽ không bao giờ còn nhìn thấy bạn trở về nữa, liệu có nỗi đau nào lớn hơn nữa không?...

“Trong gian nan có niềm vui, có tiếng cười, hạnh phúc”…

Và đây là những lời nhắn gửi của bác sỹ Huỳnh Quang Đại (Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy): “Các em nội trú thân mến! Hôm nay nghe tin các em sắp tham gia chống dịch COVID-19 tại một trong những mặt trận lớn nhất, khốc liệt nhất. Nếu tụi em có chút do dự nào thì hãy đừng do dự nữa, hãy đi đi nhé! Chưa bao giờ người bệnh cần bác sĩ như bây giờ. Rất và rất nhiều người bệnh chỉ mong ước được vào bệnh viện, có được một giường nằm, có được một ánh mắt trông nom, có được một bàn tay chăm sóc... Nên tụi em hãy lên đường đi, đừng đắn đo nữa nhé! Nếu tụi em có lo lắng là sẽ gian khổ, thì đúng là có đó. Nhưng gian nan thì có, vì quá nhiều bệnh nhân, vì nhiều ca bệnh nặng, vì nhiều tình huống khó... Nhưng khổ thì không, vì trong gian nan đó có niềm vui, có tiếng cười, có hạnh phúc”…

Tại Bệnh viện dã chiến Bình Dương, Huệ bảo rằng, khi thầy Hiếu (PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đơn vị giúp Bình Dương xây dựng Bệnh viện dã chiến) thông báo cần người vào miền Nam chống dịch, yêu cầu điều dưỡng hồi sức, em đã xung phong. Sẽ khó tưởng tượng được sự khốc liệt nơi “chiến trường không tiếng súng” nếu bạn không đặt chân đến bệnh viện hồi sức - nơi chỉ nhận bệnh nhân nặng. Có ngày, hôm trước Huệ vừa bón từng thìa cháo cho bác bệnh nhân ăn. Sáng sau đến viện, hay tin bà đã mất trong đêm vì suy hô hấp tiến triển rất nhanh. Cảm giác hẫng hụt, trái tim như bị bóp nghẹt, như vừa mất đi một người thân, choán hết tâm trí.

Huệ cũng như bao bác sỹ tuyến đầu khác đều thấu hiểu nỗi đau khi những bệnh nhân nằm đó, không có người thân, không có người chăm sóc, rồi đến khi bệnh quá nặng, lìa xa cuộc đời, chỉ có những điều dưỡng, nhân viên y tế thay người nhà làm nốt những phần việc còn lại… Đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết. Dù là ai đi chăng nữa, trái tim có sắt đá đến bao nhiêu cũng có lúc yếu mềm. Thầy thuốc cần vững vàng để làm chỗ dựa cho bệnh nhân giúp họ vượt qua bạo bệnh. Mỗi khi mệt mỏi, họ lại nhìn vào phòng cấp cứu để vượt qua. Bởi ở đó bao sự sống đang cần mình, từng phút.

Còn PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: “Có khi được ít phút nghỉ ngơi nhưng tôi không chợp mắt nổi vì những hình ảnh đã gặp. Cơn bão tàn khốc đại dịch quét tràn qua những miền trù phú của đất nước, để lại cảnh xác xơ, lạnh lẽo. Những phố phường không bóng người ngoài tiếng còi hú của cứu thương, cảnh sát. Những cánh đồng bỏ hoang cho dù cái đói có thể ập đến bất cứ lúc nào. Những khuôn mặt người dân từ anh công an, trật tự đến cô thanh niên tình nguyện đều toát lên sự căng thẳng. COVID là thứ virus ghê sợ nhất. Nó không màu, không mùi, không vị nên đã len lỏi gần như mọi nơi trên địa cầu cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Những ai coi thường COVID chắc cũng đã thấy, chỉ một chút chủ quan, bao gia đình đã trả cái giá quá đắt. Chỉ còn nỗi lo về con người, ta cần thêm rất nhiều chuyên gia hồi sức cấp cứu từ bác sĩ đến điều dưỡng. Những chiến hữu của tôi đã thấm mệt. Chứng kiến những sự sống mà mình cố kéo lại bất thành khiến cậu học trò đã chinh chiến khắp nơi của tôi cũng không giấu nổi buồn lo.

Âu lo là vậy nhưng cuối giờ trưa hôm trước, sau khi nói chuyện với các bệnh viện dã chiến tầng một và hai trong tháp chống dịch ba tầng của Bình Dương, tôi vẫn có niềm hy vọng rằng ta sẽ vượt qua trận chiến này. Hy vọng đó không phải ở máy móc, trang thiết bị, thuốc men hay phát kiến khoa học mà đơn giản trong những ánh mắt. Từ vị giám đốc trung tâm y tế huyện quyết tâm xây dựng bệnh viện tầng ba hồi sức bệnh nhân nặng và nguy kịch đến cậu học trò đã hơn một tháng vật lộn trong tâm dịch vẫn khẳng định “Em ổn thầy ạ!”.

Và như thế, trong khi chúng ta đang yên giấc ngủ, nhân viên y tế vẫn dầm mưa để đưa bệnh nhân đi cách ly điều trị. Mọi người cùng vui đùa bên nhau trong thời gian giãn cách xã hội thì các bác sĩ phải giành giật mạng sống cho bệnh nhân nhiễm COVID-19… Những ngày tháng đau thương này, nhìn đâu cũng thấy cay khóe mắt… Những y, bác sĩ, điều dưỡng, lực lượng công an, quân sự, tình nguyện viên tuyến đầu đã và đang từng ngày, từng giờ quyết liệt, bền bỉ giành giật sự sống, giúp cộng đồng đẩy lùi làn sóng dịch bệnh.

Trong tận cùng đau khổ luôn bật lên những điều đẹp đẽ và bi tráng, để mỗi chúng ta mãi biết ơn và ghi nhớ về những vẻ đẹp tận hiến. Rồi chúng ta cũng nên có một ngày quốc tang cho những nạn nhân tử vong vì COVID-19, có một tượng đài về lòng nhân ái của đồng bào lúc hoạn nạn, một tượng đài cho các bác sỹ đã hy sinh vì COVID-19 và truy tặng liệt sỹ cho các bác sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến thầm lặng này…

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm