“Cuộc chiến dữ liệu” thời kỳ hậu 2G!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Sẽ tắt sóng 2G vào đầu năm 2022”, ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nói. Để thực hiện mục tiêu trên, theo nhiều hãng sản xuất thiết bị viễn thông, trong năm nay, những thiết bị liên quan đến 2G, kể cả thiết bị đầu cuối sẽ bị cấm nhập vào Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Viễn thông, hiện tại Việt Nam còn khoảng 12 triệu thuê bao đang sử dụng những chiếc điện thoại phổ thông (còn gọi là điện thoại feature phone) trên nền tảng mạng 2G với những chức năng cơ bản: nghe, gọi và nhắn tin. Hàng chục triệu thuê bao trên chủ yếu sống ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. 

Hình ảnh những chiếc điện thoại “cục gạch” quen thuộc sẽ sớm không còn trong tương lai gần.
 Hình ảnh những chiếc điện thoại “cục gạch” quen thuộc sẽ sớm không còn trong tương lai gần.

Nhắm đến hướng smartphone giá rẻ

Hơn 2 năm trước, nhà mạng và nhà sản xuất điện thoại di động đã đưa ra nhiều ý kiến “chuyển đổi” các thuê bao 2G hiện hữu. Trong đó, tựu trung có hai phương thức “tương đối độc lập” nhau về cách thực hiện. Gọi là “tương đối” vì đã có những buổi “ngồi lại với nhau” giữa các nhà mạng và nhà sản xuất nhưng đến nay chưa chốt lại phương án cuối cùng.

Nhiều nhà sản xuất điện thoại nhắm đến cách thực hiện dễ nhất là sản xuất những chiếc smarphone giá rẻ, dao động từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng/máy, bán ở khu vực nông thôn. Có nhà sản xuất hào hứng chia sẻ: “Sẽ có những sản phẩm rẻ và tốt cho người dân nghèo”.

Mong muốn là vậy, nhưng tới nay chưa thấy động tĩnh gì dù đã là tháng 4 của năm 2021. Có nhà sản xuất liên kết với nhà mạng cho ra những chiếc smartphone giá thấp với điều kiện “Nhà mạng viễn thông phải chung lưng 50% giá thành”. Ý tưởng này có vẻ hợp lý nhất trong tình hình thị trường nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả hợp tác cuối cùng. 

Cũng có nhà mạng tiết lộ “sẽ phục hồi” dây chuyền sản xuất smartphone đã trùm mền vài năm trước” nhưng theo nhiều ý kiến từ các chuyên gia, “cách này không khả thi vì triển khai mà dễ dàng như suy nghĩ thì nhiều người đã làm từ lâu rồi”. Thực tế cho thấy, để sản xuất smartphone giá siêu rẻ có lợi nhuận thì lượng hàng phải lớn, nhiều vốn, chi phí tiếp thị thấp... vì lợi nhuận của những dòng giá rẻ là không cao. 

Một nhà sản xuất thương hiệu nổi tiếng toàn cầu hàng chục năm trước đã cho ra “feature phone có 4G” để gia tăng giá trị thương hiệu nhưng quan sát trên thị trường mức tiêu thụ những dòng máy này rất thấp do “không được chọt chọt” trên màn hình nhỏ chỉ 1.8–2inch. Đại diện nhà sản xuất này chia sẻ: “Hầu hết khách hàng mua feature phone 4G chỉ vì đó là chiếc điện thoại thứ 2, thứ 3 để nghe và gọi. Lượng khách này ít lắm”. 

Mẫu điện thoại Vsmart Star 5 với vẻ ngoài khá bắt mắt.
Mẫu điện thoại Vsmart Star 5 với vẻ ngoài khá bắt mắt. 

Cần một hướng đi riêng

Mới đây, VinSmart (thành viên của Tập đoàn Vingroup) đã chính thức mở bán dòng smartphone mới Star 5 với 3 phiên bản khác nhau về dung lượng RAM/ROM. Điều đáng nói của dòng máy này không chỉ là mức giá phổ thông mà chính là gói tặng cho khách hàng 10GB dữ liệu (DATA)/tháng kéo dài trong 18 tháng. 

Chiêu kinh doanh “mua máy tặng gói cước” không phải là mới tại thị trường Việt Nam. Cách đây hơn chục năm, nhiều nhà mạng đã thực hiện nhưng đó chỉ là gói tin nhắn hoặc thời lượng cuộc gọi trên nền tảng mạng 2G có giá trị trong ngắn hạn, dài lắm là 3 tháng. Còn tặng dung lượng DATA với mức 10GB/tháng tích hợp qua nền tảng công nghệ SIM ảo (vSIM) trong suốt 18 tháng như cách làm của VinSmart với dòng Star 5 là điều chưa từng xảy ra, tính từ thời mạng 3G!

Ở góc độ của người tiêu dùng, họ được lợi rất nhiều: mua máy sẽ có ngay dung lượng dữ liệu đủ xài cho từng tháng, thời gian miễn phí dài, không lo lắng dung lượng vượt khung vì có tính năng kiểm soát trong cấu hình của máy, không phải “nhức đầu” khai lệnh mua dung lượng mỗi tháng...

Ông Mạnh Hùng (Quận 1, TP HCM) bình luận: “Mức dung lượng 10GB/tháng là khá nhiều với đa số khách hàng”. Theo lời ông Hùng, trong tháng vừa rồi, chỉ xài hết 4,75GB dữ liệu cho nhu cầu chat Zalo/Facebook, lướt web đọc tin tức, gởi email và mạng xã hội, ...

Đón chờ những mẫu điện thoại khác của Vsmart được tích hợp vSIM trong tương lai.
Đón chờ những mẫu điện thoại khác của Vsmart được tích hợp vSIM trong tương lai.

Không chỉ Star 5 được “đặc quyền” này, theo thông tin từ các trang mạng thì có khả năng VinSmart sẽ nghiên cứu để đưa vSIM lên các mẫu điện thoại hãng đã và sẽ mở bán. Nếu dự định này thành hiện thực, khách hàng rất có thể sẽ được tận hưởng rất nhiều ưu đãi dài lâu trên một số tiền đầu tư ban đầu rất ít. 

Sẽ có nhà sản xuất smartphone đi theo cách làm trên của VinSmart nhưng chưa biết lúc nào sẽ thực hiện vì có quá nhiều việc phải thống nhất giữa các bên liên quan - nhà sản xuất và nhà mạng viễn thông. Còn trước mắt, với Star 5 và những sản phẩm sắp tới, VinSmart đã “khơi thông dòng chảy” cho chiến lược kinh doanh mới. 

Không bao trùm tham vọng sẽ thâu tóm 12 triệu thuê bao đang xài feature phone trên nền tảng mạng 2G nhưng cách làm trên sẽ giúp cho chính nhà mạng mạnh tay hơn trong việc kết thúc vai trò lịch sử của mạng 2G đúng theo kế hoạch.

Về phía cơ quan chức năng là Bộ Thông tin và Truyền thông, tác động từ các nhà sản xuất và nhà mạng viễn thông trong việc đem lại nhiều quyền lợi thiết thực cho người tiêu dùng như vai trò của “đại sứ” Star 5 hiện nay, sẽ “đẩy nhanh hơn tiến độ đề án chuyển đổi số tại Việt Nam khi người dân vùng sâu, vùng xa biết cách kết nối công nghệ để gia nhập cộng đồng của thời 4.0”.