Động thái của Yahoo là bằng chứng mới nhất cho cuộc chiến ngấm ngầm giữa FBI và các hãng công nghệ trong vài năm trở lại đây, khi các hãng công nghệ bị dồn ép đến mức không thể giữ im lặng mãi.
“Tức nước vỡ bờ”
3 bức thư mà Yahoo công khai vẫn được giới công nghệ biết đến dưới thuật ngữ “thư tín liên quan đến an ninh quốc gia”. 1 trong số 3 bức thư, FBI yêu cầu Yahoo cung cấp hồ sơ email cá nhân của khách hàng, bao gồm tiêu đề thư, bản quét nội dung thư bên cạnh những thông tin đăng ký cơ bản của khách hàng. FBI không đưa ra bất cứ bình luận gì sau bước đi này của Yahoo.
Tiết lộ của Yahoo về yêu cầu cung cấp thông tin của FBI khiến nhiều người sửng sốt, nhất là các học giả, các nhà lập pháp và những người ủng hộ quyền riêng tư. Dù vậy, hầu hết các công ty công nghệ và các luật sư chuyên về lĩnh vực an ninh quốc gia từ lâu đã quen với những chuyện như vậy.
“Tức nước vỡ bờ”, các công ty công nghệ bắt đầu tranh cãi với các công tố viên về việc những thông tin nào FBI được quyền yêu cầu và những thông tin nào không. Những hãng công nghệ như Facebook, Yahoo và nhiều tên tuổi lớn khác đã bắt đầu “dũng cảm” từ chối cung cấp cho FBI bản quét nội dung khi được yêu cầu.
Đặc biệt Facebook còn soạn thảo riêng một bộ tiêu chuẩn của công ty trong việc đáp ứng những yêu cầu trong “thư tín liên quan đến an ninh quốc gia”. Facebook hy vọng rằng các công ty khác cũng sẽ lưu tâm và xử lý vấn đề này một cách kiên quyết như vậy.
Yahoo – hãng công nghệ đầu tiên công khai một thư yêu cầu cung cấp thông tin của FBI |
Ông Michael German, cựu nhân viên của FBI, hiện đang công tác tại Trung tâm Pháp lý Brennan cho biết: “Có một điều rất rõ ràng là FBI sẽ tiếp tục yêu cầu được cung cấp những thông tin mà lẽ ra họ không nên. Thế nhưng vẫn có những vụ “đi đêm” - khi những công ty không muốn đối đầu với FBI, hoặc vì một lý do “khó nói” nào đó, họ vẫn đáp ứng yêu cầu của FBI. Nhưng toàn bộ những việc này đều diễn ra một cách bí mật”.
“Lập lờ đánh lận con đen”
Trong một thời gian dài, FBI đã nhiều lần gửi “thư tín liên quan đến an ninh quốc gia” yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp “hồ sơ thông tin các giao tiếp điện tử”, bao gồm các siêu dữ liệu trong email và tiêu đề, dữ liệu liên kết URL và nhiều thông tin khác. Số lượng loại thư tín này tăng đột biến kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001.
Tính từ năm 2000 đến nay, FBI đã gửi khoảng 300.000 bức thư kiểu này. Đáng chú ý là loại thư yêu cầu này của FBI không cần có sự thông qua của tòa án, chỉ đơn giản là một bức thư tay của FBI gửi cho các công ty công nghệ.
Năm 2008, dưới thời Tổng thống George Bush, Văn phòng Luật sư đã tư vấn rằng FBI không có quyền yêu cầu những thông tin ngoài thông tin đăng ký cơ bản của khách hàng, bao gồm tên, địa chỉ, hóa đơn sử dụng dịch vụ - những thông tin mà các công ty công nghệ thông tin truyền thông thu thập được trong quá trình cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, FBI khi đó đã không dừng lại. Theo một báo cáo điều tra năm 2014 và qua ý kiến của một số luật sư trong lĩnh vực an ninh quốc gia, FBI đã diễn giải sai lệch quan điểm của những cố vấn pháp lý của Tổng thống.
FBI lúc đó nghĩ rằng mình được phép yêu cầu bất cứ thông tin cơ bản nào từ phía các công ty dựa trên căn cứ là một dòng ghi chú trong bản ý kiến của Văn phòng Luật sư đưa ra năm 2008, đó là những thông tin mà họ yêu cầu có thể thể hiện dưới dạng “kèm theo” chứ không phải yêu cầu chính thức.
Từ đó, bên cạnh những thông tin đăng ký cơ bản, FBI thường xuyên đính kèm “thư tín liên quan đến an ninh quốc gia” một danh sách dài dằng dặc những thông tin mà các công ty có thể cung cấp. Như vậy, FBI nhường quyền quyết định đâu là những thông tin thật sự cần phải cung cấp cho phía công ty.
Năm 2011, ông Todd Hinnen - khi đó là Trợ lý Tổng chưởng lý về An ninh quốc gia - đã trực tiếp báo cáo với Quốc hội về việc các công ty đang được yêu cầu chuyển hồ sơ điện tử cho FBI. Tuy nhiên, các công ty không biết thực hiện thế nào, không phải vì họ cho đó là yêu cầu bất hợp pháp, mà là một yêu cầu “mơ hồ và dễ gây nhầm lẫn”.
Việc FBI để các công ty công nghệ tự quyết định họ phải cung cấp những thông tin nào cho FBI khiến các công ty nhỏ, với nguồn tài nguyên hạn chế rơi vào tình thế bất lợi. Không có các đại diện pháp lý thông hiểu vấn đề, không nắm rõ luật pháp, các công ty thường có xu hướng chuyển cho FBI thông tin nhiều hơn những gì cần thiết.
Nhờ vậy, FBI được sử dụng rất nhiều thông tin, ngay cả những thông tin không thuộc diện bắt buộc phải cung cấp. Đáng chú ý là các chuyên gia cố vấn tại Ban An ninh nội địa thuộc Bộ Tư pháp ủng hộ cách diễn giải này của FBI.
Theo ông Albert Gidari, một luật sư nổi tiếng từng thụ lý nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực an ninh quốc gia cho biết, các công ty nhỏ thường tìm đến ông để xin tư vấn mỗi khi nhận được “thư tín liên quan đến an ninh quốc gia của FBI”.
“Đa số các công ty nhỏ không hiểu điều này một cách kỹ lưỡng, trong khi không có khả năng để thuê một luật sư giỏi có thể “đấu” với FBI. Dù những năm gần đây tình hình có khá hơn, nhưng không phải mọi công ty đều tìm đến các chuyên gia tư vấn luật trong những tình huống như thế” – ông Albert Gidari cho biết.
Chris Soghoian, kỹ sư trưởng của Liên đoàn Công dân Tự do của Mỹ cũng chia sẻ: “FBI đã yêu cầu quá nhiều, bởi vì họ tin rằng một số công ty không hiểu luật và sẽ tiết lộ nhiều hơn những gì mà họ phải làm. FBI đang “nhử” các công ty nhỏ - những người không có nguồn lực để thuê các chuyên gia luật pháp trong lĩnh vực an ninh quốc gia”.
Danh sách dài dằng dặc các thông tin mà FBI thường yêu cầu các công ty cung cấp. |
Công ty công nghệ quyết “phản pháo”
Chỉ riêng trong năm ngoái, FBI đã gửi đi gần 13.000 “thư tín liên quan đến an ninh quốc gia”. Chỉ chưa đến 10 yêu cầu, trong đó có 3 yêu cầu từ phía Yahoo được công khai với công chúng, bởi mỗi bức thư như vậy đều kèm theo yêu cầu “không được tiết lộ”.
Theo ông Albert Gidari, một số công ty lớn đã bắt đầu nhận thức được vấn đề, và họ không hoàn toàn tuân theo các yêu cầu của FBI. Họ hiểu rằng, những yêu cầu của FBI về “tất cả hồ sơ giao dịch thư tín điện tử” – một khái niệm không bao giờ có thể định nghĩa một cách rõ ràng – là quá nhiều nếu không có lệnh yêu cầu của tòa án. Dù vậy, vẫn chưa có nhiều công ty mạnh dạn ra đứng ra phản đối những yêu cầu “vượt quá quyền hạn của FBI”.
Tuy nhiên, theo thông tin mà cựu điệp viên Edward Snowden tiết lộ về hoạt động do thám toàn cầu, các công ty đang dần thay đổi cách tiếp cận của mình. Trong quá khứ, các công ty lớn thường không quá khắt khe với những văn bản dễ gây hiểu nhầm của FBI, từ đó chấp thuận những yêu cầu trong “thư tín liên quan đến an ninh quốc gia”.
Nhưng hiện nay, họ bắt đầu liên kết với nhau để thực hiện chiến dịch “Chính phủ sẽ không thể lấy thêm thông tin nữa”. Mà động thái của Yahoo mới đây là một ví dụ cho thấy các công ty công nghệ lớn không “nói đùa”.
Theo một số nguồn tin, FBI hiện đang thúc đẩy một giải pháp mang tính mang lý để mở rộng phạm vi những thông tin mà họ có thể yêu cầu trong các “thư tín liên quan đến an ninh quốc gia”. Trong đó, có 2 dự luật đang được bàn thảo.
Nỗ lực này của FBI không phải xuất phát từ thực tế một số công ty ở Thung lũng Silicon đã từ chối chia sẻ những thông tin ngoài các thông tin đăng ký cơ bản của khách hàng. Nhiều khả năng, cuộc chiến ngấm ngầm ít người biết giữa một bên là FBI và Bộ Tư pháp Mỹ với một bên là các công ty công nghệ sắp lộ diện một cách công khai...