Tăng trưởng xuất khẩu: doanh nghiệp nội vượt khối FDI
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm tương đối toàn diện. Một điểm sáng cần phải được nhắc đến trong 6 tháng đầu năm 2018 là việc tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục duy trì mức khá cao, kiểm soát tốt các mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến thặng dư thương mại 6 tháng đầu năm 2,7 tỷ USD. Đặc biệt khu vực doanh nghiệp có 100% vốn nội địa tiếp tục đà tăng từ cuối năm, tăng trưởng lên 19,9% (trong khi đó khối doanh nghiệp FDI chỉ tăng 15,5%).
Lần đầu tiên, tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn so với khối doanh nghiệp FDI và vẫn tăng mạnh ở những thị trường có FTA. Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, tăng trưởng đầu năm 2018 khá khả quan đối với các đối tác thương mại lớn, tạo được nhu cầu xuất khẩu.
Ông Phan Văn Chính - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài việc đạt kết quả tốt ở các thị trường truyền thống như thị trường ASEAN, thị trường Úc, New Zeland tăng 21%, phải kể đến việc kết quả xuất khẩu vào thị trường Nga đạt một mốc mới với tốc độ tăng trưởng 26,6%.
Tuy nhiên, dù kết quả 6 tháng đầu năm đạt khá tốt nhưng một khó khăn buộc nền kinh tế Việt Nam phải thích ứng là việc chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gia tăng, khiến bối cảnh kinh tế thế giới khó lường cũng gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế Việt Nam, đặc biệt là kết quả của kim ngạch xuất khẩu nửa cuối năm 2018. Theo tính toán, mỗi tháng của đầu năm xuất khẩu đạt 19,6 tỷ USD/tháng, do đó 6 tháng cuối năm, mỗi tháng xuất khẩu phải đạt trên 20 tỷ USD mới hoàn thành được mục tiêu đã đề ra.
Thích ứng ra sao trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
Mặc dù tất cả các dự báo đều cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra sẽ tác động đến kết quả kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm nhưng vẫn có nhiều dự báo tốt cho Việt Nam. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, trên cơ sở tham mưu của các bộ phận liên quan, Bộ Công Thương đã có báo cáo kỹ càng với Chính phủ về cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung và những ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong đó, đã nêu lên những đề xuất ban đầu, đánh giá sâu hơn ở nhiều khía cạnh.
Báo cáo cho biết, trong cuộc chiến thương mại này, Mỹ không chỉ chủ trương với Trung Quốc và không chỉ dùng các sắc thuế mà còn là cuộc chiến về bản quyền công nghệ. Điều này đang đặt ra những yêu cầu cần phải đối mặt với Việt Nam, do đó, các công tác quản lý về xuất nhập khẩu, chiến lược nâng cao xuất nhập khẩu phải tăng cả chiều rộng và chiều sâu.
Trong bối cảnh xung đột quốc tế về thương mại, những hàng rào về bảo hộ thương mại mới được xây nên, cần sự vào cuộc của tất cả bộ ngành để đảm bảo chất lượng hàng hoá. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Phải mất từ 7-9 năm vải và xoài của Việt Nam mới xuất được vào thị trường Mỹ, do vậy, Việt Nam buộc phải cẩn trọng, giữ gìn chất lượng hàng hoá bởi chúng ta không thể biết được sẽ mất bao nhiêu thời gian nữa mới xuất khẩu được 1 loại nông sản".
Việc Mỹ đơn phương áp đặt thuế 25% vào các mặt hàng với lý do có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia có thể sẽ gây hệ luỵ lớn đến hàng hoá của Việt Nam, do đó, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các bộ phận liên quan cần phải nghiên cứu kỹ thị trường tìm hiểu nguy cơ để cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng bày tỏ, chưa thể đánh giá mức độ, ảnh hưởng tác động, nguy cơ diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ở mức độ lớn như thế nào, nhưng chính cuộc chiến này đặt ra nhiều vấn đề phức tạp về chính sách điều hành để phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Ngoài ra, trong mối quan hệ song phương với 2 nước Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cũng cũng cần thích ứng, bám sát các vấn đề để không chỉ tận dụng ở việc dừng trong các hoạt động thương mại mà còn là cơ hội tái cơ cấu nền sản xuất. “Đây là thời điểm nhạy cảm và nóng hơn bao giờ hết” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.