Cuộc đời sóng gió của đại minh tinh Khánh Ngọc

(PLVN) - Nữ ca sĩ Khánh Ngọc ghi dấu trong lòng người yêu âm nhạc, phim ảnh năm 50 - 60 của thế kỷ trước nhờ tài năng và nhan sắc xinh đẹp. Bà được mệnh danh là nghệ sĩ toàn tài, xứng tầm với ba chữ “đại minh tinh”. Nhưng, đằng sau ánh hào quang, nữ ca sĩ đã trải qua cuộc đời đầy sóng gió.
(Nguồn: Nhạc xưa Blog)

Tài năng thiên phú từ thuở thiếu thời

Ca sĩ Khánh Ngọc tên thật là Hàn Thị Lan Nam, sinh năm 1936 (có nơi ghi là 1937). Bà mang hai dòng máu Việt - Trung, bố bà là người Minh Hương. Vì vậy, nhan sắc của ca sĩ Khánh Ngọc vừa có nét đoan trang, dịu dàng của phụ nữ Việt Nam lại pha thêm đôi chút sắc sảo, mặn mà của người con gái xứ Hoa.

Thuở nhỏ, bà sinh sống với gia đình ở Hà Nội. Gia đình của bà rất coi trọng việc giáo dục. Ca sĩ Khánh Ngọc theo học trường người Hoa, đến trung học thì chuyển qua học trường Pháp và sớm được tiếp cận văn hóa Tây phương. Năm 1951, Khánh Ngọc theo gia đình vào miền Nam và được học nhạc với nhiều nhạc sĩ đình đám. Bà được biết đến nhiều nhất là học trò của đôi nghệ sĩ danh tiếng Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang.

Nhận ra tiềm năng của cô học trò nhỏ, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang đã hết sức giúp đỡ, hỗ trợ cho Khánh Ngọc bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Chỉ một năm sau khi theo học hai ca sĩ danh tiếng, Khánh Ngọc đã được hát trên đài phát thanh. Cuộc đời ca hát của bà bắt đầu kể từ đó.

Bằng giọng hát ngọt ngào, âm điệu trầm bổng du dương người nghe, nữ ca sĩ Khánh Ngọc chiếm trọn trái tim khán giả lúc bấy giờ. Các buổi trình diễn của bà luôn chật cứng người nghe.

Năm 1952, ca sĩ Khánh Ngọc tham gia ban Gió Nam - ca đoàn gồm chị em Thái Thanh, Thái Hằng, nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc và Phạm Duy. Sau này, ban Gió Nam đổi thành ban hợp ca Thăng Long. Mặc dù, Thái Thanh là một tên tuổi “đáng gờm” trong làng tân nhạc lúc bấy giờ. Nhưng Khánh Ngọc vẫn ghi điểm nhờ giọng hát tự nhiên bay bổng và nhan sắc “chim sa, cá lặn”. Vì vậy, bà sớm vươn lên làm giọng ca chính của ban Thăng Long, bắt đầu đi thu đĩa và chụp hình quảng cáo. Ở thời đỉnh cao, Khánh Ngọc là một tên tuổi lớn, thường xuyên được báo giới và dư luận săn đón.

Không chỉ nổi tiếng ở lĩnh vực âm nhạc, Khánh Ngọc còn tham gia đóng phim, diễn xuất. Nhờ ngoại hình nổi trội, khả năng nhập vai tốt, bà đã được mời tham gia đóng nhiều bộ phim. Phải nói rằng, bà còn là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng trước cả Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh… và là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên của làng điện ảnh Sài Gòn với những Trang Thiên Kim, Mai Trâm, Thu Trang.

(Nguồn: Tintuconline)

Năm 1955, đạo diễn người Phillippines là ông Gerardo De Leon đến Sài Gòn để tuyển diễn viên chính của bộ phim. Bà Khánh Ngọc cho biết, đoàn đã thử với rất nhiều diễn viên nhưng chưa vừa ý, cuối cùng, khi đến xem chương trình nhạc của ban Hợp ca Thăng Long tại rạp Việt Long, đạo diễn đã xin cho gặp mặt ca sĩ Khánh Ngọc ngay và mời bà vào vai chính phim đó. Vai diễn này bất ngờ đem lại cho bà giải thưởng tại Đại hội điện ảnh Manila vào năm 1956.

Sau bộ phim đầu tiên, tên tuổi của bà phất lên nhanh chóng. Bà chính thức bước vào con đường diễn viên chuyên nghiệp. Bà liên tục được các đạo diễn lớn mời tham gia đóng chính cho ba bộ phim. Bộ phim thứ 2, bà xuất hiện với vai chính trong phim “Đất lành” của hãng phim Đông Phương. Phim này dài 90 phút, do đạo diễn Ramon Eatells thực hiện theo kịch bản của Cear Amigo và Phạm Duy. Phim thứ ba của Khánh Ngọc là “Ràng buộc” do hãng phim Alpha thực hiện. Cùng lúc là “minh tinh” của ba bộ phim đều thành công. Bà nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, lịch ca hát dày đặc đưa tên tuổi của bà “vụt sáng” thành “đại minh tinh”.

Một chuyện tình buồn

Ca sĩ Khánh Ngọc tài năng, nhưng cũng là một người phụ nữ đa tình. Chính vì niềm say mê với mật ngọt tình yêu đã khiến cuộc đời bà rơi vào bi kịch. Đây là vết nhơ của cuộc đời bà. Khi mà hiện tại, công chúng nhớ đến tên tuổi bà gắn với Phạm Đình Chương và cuộc hôn nhân ồn ào đầy bất hạnh.

Sau một thời gian hoạt động cùng Ban Thăng Long, Khánh Ngọc nên duyên và kết hôn với nhạc sĩ Phạm Đình Chương (em trai của ca sĩ Thái Hằng, tức em vợ nhạc sĩ Phạm Duy, đồng thời cũng là anh trai danh ca Thái Thanh). Cả hai có với nhau một con trai. Phạm Đình Chương hết mực yêu thương vợ con, ông luôn dành cho người vợ xinh đẹp những lời mĩ miều, ca khúc hay bất hủ.

Nữ ca sĩ Phương Dung, người đã làm việc với Phạm Đình Chương từng chia sẻ về câu chuyện của cặp đôi nổi tiếng này. Bà nói: “Phạm Đình Chương từng sáng tác khá nhiều bài tặng Khánh Ngọc và cũng chính giọng hát của Khánh Ngọc lại đưa các nhạc phẩm của nam nhạc sĩ thăng hoa, đến gần hơn với công chúng. Khánh Ngọc không chỉ là ca sĩ mà còn là diễn viên nổi tiếng. Bà mang một vẻ đẹp rất hiện đại của phương Tây, luôn nổi bật trước đám đông”.

Thời bấy giờ, người hâm mộ luôn dành tình yêu mến cho đôi vợ chồng tài năng Phạm Đình Chương - Khánh Ngọc. Cứ ngỡ rằng cặp đôi sẽ đi với nhau đến cuối đời. Nhưng Khánh Ngọc lại là một kiều nữ đa tình, lại sở hữu sắc đẹp quá rực rỡ và tài năng xuất chúng. Vì vậy, bà thu hút mọi người đàn ông xung quanh mình. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng không ngoại lệ. Lúc bấy giờ, trong giới văn nghệ sĩ có rất nhiều tin đồn về cặp đôi này. Một thời gian không lâu sau đó, tình cảm giữa các thành viên trong Ban nhạc Thăng Long tan vỡ. Nữ ca sĩ Khánh Ngọc bị bắt gặp đang hẹn hò, ăn chè trong tiệm Nhà Bè với người anh rể.

“Kỳ án ăn chè Nhà Bè” được báo chí Sài Gòn khai thác triệt để, với những hình ảnh nóng hổi cập nhật từng ngày, bởi những người trong cuộc không ai khác đều là những người nổi tiếng lẫy lừng, là các thành viên trong một gia đình tài tử danh tiếng.

(Nguồn: Nhạc xưa Blog)

Cho dù nhạc sĩ Phạm Duy đã cầu cứu đến Bộ Thông tin xin các báo cho ngưng bài điều tra, phóng sự nhưng chuyện lớn càng giấu giếm lại càng như “đổ thêm dầu vào lửa”. Chẳng mấy chốc cả Sài Gòn đã loạn lên vì biến cố trong đại gia đình nổi tiếng về nghệ thuật. Dù vẫn còn yêu vợ và thực lòng muốn thứ tha nhưng trước dư luận sục sôi, Phạm Đình Chương viết đơn ly hôn và giành được quyền nuôi con trai. Sau biến cố này, Phạm Đình Chương đau khổ tột cùng, không còn toàn tâm, toàn trí đi biểu diễn.

Ông quay về sống đơn độc và không giao thiệp với bên ngoài. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông tập trung cho sáng tác và cho ra đời những bản tình ca bất hủ để nói về cuộc tình đau thương, đầy nước mắt như: Đêm cuối cùng, Người đi qua đời tôi, Khi cuộc tình đã chết, Thuở ban đầu, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển…

Vào một đêm mưa gió, Phạm Đình Chương bất ngờ gặp lại Khánh Ngọc tại một buổi biểu diễn ca nhạc. Vì chung tình nên Phạm Đình Chương “xuống nước” trước và có ý mời vợ cũ về nhà nhưng Khánh Ngọc từ chối thẳng thừng và đi mất. Vì quá đau khổ nên ngay trong đêm đó, Phạm Đình Chương đã sáng tác ca khúc Nửa hồn thương đau, sau này trở thành bất hủ qua tiếng hát Thái Thanh.

Trong khoảng thời gian 10 năm sau khi ly hôn với ca sĩ Khánh Ngọc, Phạm Đình Chương chìm đắm trong việc sáng tác và nỗi đau của mình. Cho đến khi ông gặp được người vợ sau của đời mình. Ông đã “tái sinh” và tiếp tục sáng tác, có được một gia tài âm nhạc đồ sộ như sau này.

Quay trở lại với nữ ca sĩ Khánh Ngọc, sau cuộc hôn nhân ồn ào với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, bà quay trở về sống một mình. Nhiều năm hậu ly hôn, bà vẫn được mời đi hát. Tuy nhiên, danh tiếng của bà không còn như xưa. Có lẽ, để quên đi những sai lầm thuở trẻ, năm 1961 Khánh Ngọc sang Mỹ học thêm về điện ảnh rồi kết hôn với một du học sinh Việt Nam. Bà tham gia vài bộ phim, sau đó dành thời gian chăm sóc ba người con. Khánh Ngọc sống với gia đình ở Los Angeles, Mỹ. Thỉnh thoảng nữ ca sĩ góp mặt trong những chương trình từ thiện tại hải ngoại. Người từng biết đến cái tên Khánh Ngọc không còn nhận ra bà nữa vì nhan sắc đã phai mờ ở độ tuổi 80. Bà bình lặng sống với con cháu, tận hưởng niềm vui gia đình quây quần. Đến tháng 5 năm 2021, tại Mỹ, bà qua đời trong vòng tay của người thân, bạn bè, hưởng thọ 85 tuổi.

Đọc thêm