Cuộc đua của Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ trên màn ảnh rộng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Đất rừng phương Nam” và “Người vợ cuối cùng” sẽ ra rạp vào nửa cuối năm nay. Không chỉ là cuộc đua “ngầm” của 2 đạo diễn danh tiếng, mà 2 tác phẩm còn được kỳ vọng sẽ “thỏa” cơn khát của khán giả sau thời gian dài phim Việt vắng bóng trên phòng vé.

Phim Việt rục rịch trở lại

Sau “Con Nhót mót chồng” (Thu Trang, Thái Hòa), “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” (Lý Hải), dịp hè năm nay, thị trường phim Việt trên phòng vé khá im lìm. Thay vào đó, nhiều “bom tấn” nước ngoài từ Hollywood, Hàn Quốc, Thái Lan như “Fast & Furious 10”, “Transformers: Quái thú trỗi dậy”, “Flash”, “Nàng tiên cá”, “Nhiệm vụ bất khả thi”, “Thám tử lừng danh Conan: Tàu ngầm sắt màu đen”, “Quý công tử”, “Tà chú cấm”… đổ bộ, khiến nhiều nhà làm phim Việt có phần e dè, ngại đụng chạm ra rạp.

Theo đó, “Fanti” là phim điện ảnh Việt đầu tiên xác nhận ra rạp vào cuối tháng 7. Tác phẩm khai thác mặt trái của mạng xã hội, thế giới của người nổi tiếng. Trong tháng 8, có 2 phim Việt khác ra rạp là “Bên trong vỏ kén vàng” - phim Việt duy nhất đạt giải Caméra d’or (Camera Vàng) tại Liên hoan phim Cannes 2023 của đạo diễn Phạm Thiên Ân và “Kẻ ẩn danh” do Kiều Minh Tuấn, Mạc Văn Khoa, Quốc Trường đóng chính.

Sang tháng 9, hiện có duy nhất phim “Live: Phát trực tiếp” do Khương Ngọc đạo diễn dự kiến ra rạp. Tác phẩm khai thác góc khuất của mạng xã hội, xoáy sâu vào những đấu đá giữa các cô nàng làm mukbang (hình thức phát sóng ăn uống).

“Fanti” là phim điện ảnh Việt đầu tiên xác nhận ra rạp sau thời gian thị trường nội địa im lìm. Ảnh: NSX

“Fanti” là phim điện ảnh Việt đầu tiên xác nhận ra rạp sau thời gian thị trường nội địa im lìm. Ảnh: NSX

Các tác phẩm kể trên đều có những lợi thế riêng, song để tạo cú hích trên phòng vé hiện vẫn là ẩn số. Khi “Fanti”, “Live: Phát trực tiếp” dù sở hữu dàn sao trẻ nhưng không quá thu hút. Tương tự, “Bên trong vỏ kén vàng” thuộc dòng tâm lý nặng, kén khán giả, trong khi “Kẻ ẩn danh” quy tụ dàn cast đình đám song nội dung không quá mới mẻ.

Chính vì thế, hai dự án “Đất rừng phương Nam” của Nguyễn Quang Dũng và “Người vợ cuối cùng” của Victor Vũ nhận được nhiều sự quan tâm, khi được đầu tư “khủng”, “nhào nặn” từ các đạo diễn tên tuổi, có sự tham gia của dàn diễn viên thực lực… Điều này khiến khán giả không khỏi tò mò.

Cuộc cạnh tranh của 2 đạo diễn danh tiếng

Điểm chung của 2 tác phẩm kể trên là đều chuyển thể từ tiểu thuyết, truyện nổi tiếng. Ngoài ra, thời điểm ra mắt của “Đất rừng phương Nam” (phát hành ngày 20/10) và “Người vợ cuối cùng” (chốt lịch ra rạp ngày 3/11) cũng gần sát nhau, càng thêm sự mong đợi của người xem về sức hút của hai dự án khi ra rạp.

Với “Đất rừng phương Nam”, phim được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, lấy bối cảnh thời loạn lạc khi thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Cậu bé An (Hạo Khang) mồ côi mẹ quyết định lên đường đi tìm cha lục tỉnh Nam Kỳ, với sự trợ giúp của một 2 người bạn đồng hành. Qua đó, phim khắc họa cuộc sống bình dị, chân phương của những người dân quê ở miền đất phương Nam.

Ngay từ những hình ảnh, video clip đầu tiên, “Đất rừng phương Nam” khiến người xem xúc động với hình ảnh hai mẹ con An giữa khung cảnh loạn lạc. Diễn xuất cùng sự hết mình của Hạo Khang được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đánh giá là “chịu khó, dấn thân, trưởng thành và hiểu chuyện”. Ngay cả khi gặp chấn thương, diễn viên nhí tuy khóc vì đau nhưng vẫn kiên quyết muốn quay tiếp vì cậu bé hiểu một cảnh quay chứa đựng rất nhiều công sức của cả đoàn phim.

An bản điện ảnh của “Đất rừng phương Nam”. Ảnh: NSX

An bản điện ảnh của “Đất rừng phương Nam”. Ảnh: NSX

Ngoài diễn viên nhí Hạo Khang - được xem là “linh hồn” của tác phẩm, sự xuất hiện của Hồng Ánh (vai mẹ An) và Trấn Thành (vai bác Ba Phi) là yếu tố gây tò mò với công chúng. Dù phim chưa ra rạp, song không ít người đã đặt lên bàn cân so sánh hình tượng các nhân vật trên bản truyền hình và điện ảnh.

Trong khi đó, với “Người vợ cuối cùng”, phim đánh dấu trở lại của Victor Vũ sau “Thiên thần hộ mệnh” (2021) và là dự án cổ trang mới nhất của nam đạo diễn sau 10 năm kể từ “Thiên mệnh anh hùng”. Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Hồ oán hận” của tác giả Hồng Thái, phim chọn bối cảnh thời phong kiến, khắc họa thân phận phụ nữ thời xưa. Sự xuất hiện của Kaity Nguyễn được xem là yếu tố giúp dự án tạo được tò mò với khán giả.

Trong trailer đầu tiên, phim bắt đầu bằng cảnh quay đẹp hữu tình tại hồ Ba Bể ở Bắc Kạn. Victor Vũ tiếp tục phát huy thế mạnh ở những thước phim đại cảnh nhằm lột tả vẻ đẹp ấn tượng của non nước quê hương - một trong những yếu tố từng tạo nên sự thành công của tác phẩm cổ trang “Thiên mệnh anh hùng”.

Hình ảnh phiên chợ quê tấp nập, cảnh múa rối nước được đầu tư kỹ lưỡng, tạo nên một không gian văn hóa mượt mà thời nhà Nguyễn. Trong khi đó, Linh (Kaity Nguyễn) là “vợ quan”, luôn xuất hiện xinh đẹp nhưng đượm buồn. Cô xuất hiện len lỏi trong phiên chợ sầm uất, mờ ảo trong cửa dinh phủ uy nghi, lạc lõng, bơ vơ giữa bữa tiệc linh đình của những nhân vật xiêm y lộng lẫy…

Kaity Nguyễn được kỳ vọng “lột xác” trong phim “Người vợ cuối cùng”. Ảnh: ĐPCC

Kaity Nguyễn được kỳ vọng “lột xác” trong phim “Người vợ cuối cùng”. Ảnh: ĐPCC

Theo Victor Vũ, anh ít khi chọn ngôi sao phòng vé đóng phim của mình, tuy nhiên, Kaity Nguyễn là ngoại lệ. Đạo diễn đánh giá cô hợp vai nữ chính - một cô gái trẻ, đẹp mong manh nhưng tính cách quyết đoán, sẵn sàng chiến đấu khi đứng trước thử thách.

Đặt lên bàn cân so sánh, cả “Đất rừng phương Nam” và “Người vợ cuối cùng” đều có những điểm mạnh về bối cảnh, phục trang, màu phim. Ngoài ra, tên tuổi Nguyễn Quang Dũng và Victor Vũ là yếu tố bảo chứng cho các tác phẩm, khi các tác phẩm do 2 đạo diễn đảm nhận trước đó thường đạt doanh thu tốt, nhận được sự chú ý từ công chúng. Tuy nhiên, để có thể vực dậy doanh thu phòng vé Việt nửa cuối năm nay, vẫn còn là câu hỏi lớn.