Phụ huynh đua nhau kiếm giải cho con
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Siêu chia sẻ, cuộc đua vào lớp 6 ở các trường hầu như năm nào cũng có áp lực rất cao với thầy cô. Nhiều phụ huynh cho rằng số lượng hồ sơ đăng ký của học sinh rất lớn, nhưng chỉ tiêu lại quá ít trong khi ai cũng muốn lựa chọn cho con mình những trường tốt nhất. Một số trường hiện nay như Marie Curie, Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Nguyễn Tất Thành, THCS Cầu Giấy… được dự đoán việc tuyển sinh còn căng thẳng hơn cả đại học.
Từ hai năm trước, khi lớp 6 không còn tổ chức thi tuyển để tránh áp lực cho học sinh và phụ huynh, nên một số trường đã lấy thêm tiêu chí phụ vào phương án tuyển sinh như ưu tiên học sinh có giải trong các cuộc thi Olympic tin học, tiếng Anh hay những em có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Thầy Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh bày tỏ, thầy cảm thấy rất kỳ lạ và khó xử khi tiếp nhận hàng trăm hồ sơ đạt điểm 10 tuyệt đối cả 2 môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học trong xét tuyển vào lớp 6. Theo thầy Cương, hiện tượng này xuất hiện từ năm 2015 khi mà Bộ GD-ĐT cấm tổ chức thi vào lớp 6, thay vào đó là tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Hai mùa tuyển sinh trước đây, mỗi năm trường Lương Thế Vinh nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 nhưng có đến 1.000 hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối cả hai môn Toán và Tiếng Việt trong suốt 5 năm tiểu học.
Mặc dù, năm nay có vẻ ít hơn, chúng tôi chưa tổng kết cụ thể nhưng hiện qua tiếp nhận ban đầu đã có đến hàng trăm hồ sơ như vậy. Có thể do tác động từ Sở GD-ĐT nên việc này đã giảm đi, nhưng số lượng hồ sơ ảo vẫn còn nhiều lắm. “Có thể nhận thấy ngay rằng để tổng kết cả 5 năm học mà Toán 10, Tiếng Việt 10 là hoàn toàn khó. Từ khi đi học rồi sau này đi dạy, tôi cũng không thấy học bạ nào được điểm 10 tuyệt đối cả Toán lẫn Văn từ lớp 1 đến lớp 5 như vậy cả.
Ngày xưa đi học, được điểm 7, điểm 8 môn Văn là đã mừng rú lên rồi, huống hồ là chuyện được điểm 10, môn Toán cũng vậy. Mà việc tháng nào cũng 10, năm nào cũng 10, hẳn ai cũng sẽ thấy rất vô lý. Tôi nghĩ nếu thực chất cả Hà Nội chỉ 1-2 em được như thế là cùng”, theo thầy Cương.
Tại trường Lương Thế Vinh, mỗi năm có đến hàng nghìn hồ sơ đạt điểm tuyệt đối trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ 600 nên nhà trường buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ. Tuy nhiên, theo thầy Cương, cứ 10 hồ sơ đăng ký vào trường thì 3 hồ sơ có thành tích được giải thưởng các loại cấp trường, quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao…
Và để có được những giải phụ ấy cũng không mấy khó khăn. Thầy Cương cho biết, việc chạy để được cái này cái kia phụ huynh cũng chia sẻ với thầy rằng có từ việc xin điểm học bạ đến xin giấy khen các cuộc thi qua mạng, văn nghệ, thể thao,... Có phụ huynh kể thật con chẳng biết bơi nhưng vẫn kiếm được cho con giải cuộc thi bơi.
Theo thầy Cương, việc các gia đình đua nhau kiếm giải thưởng cho con với hy vọng được ưu tiên trong quá trình xét tuyển khiến các trường như trường thầy khó khăn trong việc xét chọn bởi việc lựa chọn không chính xác, không phản ánh đúng năng lực thực chất của học sinh.
Cha mẹ “chạy điểm” khiến con hoang tưởng
Theo Thông tư 22, danh hiệu dành cho học sinh gồm: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện, khen thưởng học sinh vượt trội về một mặt nào đó hoặc đạt giải trong các cuộc thi.Trong khi nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng, nếu con của họ học giỏi xuất sắc các môn học nhưng bị 1 môn Năng khiếu như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục thể thao không đạt được yêu cầu thì không đạt được danh hiệu Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Và những năm qua, giáo viên luôn bị áp lực về số lượng học sinh giỏi xuất sắc.
Cũng theo Thông tư 22 ở Tiểu học thì các môn đạt 9 điểm trở lên là được khen thưởng. Thông tư này ra đời với mục tiêu thay đổi cách đánh giá học sinh bằng điểm số, giảm bớt áp lực và giúp các em học hành nhẹ nhàng. Thế nhưng, nhiều phụ huynh và giáo viên tiểu học vẫn xem điểm số là tiêu chí chính để đánh giá năng lực học sinh. Thêm nữa, khi các trường THCS tuyển lớp 6 bằng hình thức xét tuyển học bạ và các giải phụ thì cuộc đua này càng gay gắt.
Và trong lễ tổng kết năm học 2016-2017 này, lớp lớp, trường trường vẫn “bội thực” về danh hiệu học sinh giỏi được khen thưởng. Như vậy, về hình thức đánh giá có vẻ thay đổi nhưng về bản chất thì vẫn là “bình cũ, rượu mới” mà thôi…Ở bậc học cao hơn là THCS và THPT, trường nào cũng tự hào, đánh bóng tên tuổi bằng tỷ lệ học sinh khá, giỏi cao. Còn giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm cũng nơm nớp lo sợ học trò bị điểm kiểm tra cuối học kỳ và điểm tổng kết cả năm thấp, sẽ bị ảnh hưởng đến xếp hạng thi đua… Vì thế, có không ít trường hợp giáo viên chủ nhiệm phải xin điểm cho học trò để nâng tỷ lệ học sinh giỏi của lớp lên cao. Hơn nữa, một số giáo viên dạy thêm cũng cậy nhờ đồng nghiệp “chiếu cố” nâng điểm kiểm tra cho học trò của mình bằng nhiều cách.
Chính bởi cuộc đua của phụ huynh, áp lực của thầy cô mà nhiều em đã khó theo được môi trường học tập quá sức mình. Không ít em không theo kịp chương trình và cũng không ít em ngộ nhận về năng lực của mình. Có phụ huynh sau khi thấy con được lo lắng, sẵn “ nong, sẵn né” sung sướng quá, rồi phát hoảng khi con luôn tự tin mình là số một ( bởi thành tích ảo). Bởi thế, nhiều phụ huynh cho con vào trường tốt bằng mọi giá rồi sau một hai năm lại chuyển con ra trường công chất lượng cao, nhưng sức học cũng không thật sự cao như học sinh và phụ huynh kì vọng…
Nói về hướng giải quyết tình trạng làm đẹp hồ sơ bằng cách xin điểm và “chạy” giải cho con của các gia đình vào các trường top đầu, thầy Văn Như Cương cho rằng nên để một số trường có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển quá lớn được tổ chức thi tuyển và có thể không dùng tới các câu hỏi liên quan các môn văn hóa mà có thể nảy sinh việc tổ chức luyện thi.
Theo thầy Cương, việc thi tuyển cũng sẽ công bằng hơn xét học bạ bởi việc cho điểm học bạ dù khách quan tới đâu thì cũng phụ thuộc vào mức độ đánh giá khác nhau của từng trường. Ở trường này, học sinh có thể được 10 điểm, nhưng cũng với học sinh đó nếu ở trường khác có thể chỉ được 8 hoặc 9 điểm. Đề kiểm tra hay đề thi của các trường cũng có sự khác nhau nên thầy Cương cho rằng, với một bài thi chung dành cho tất cả học sinh sẽ đánh giá chính xác nhất năng lực của các em.
Thực tế, sau 2 năm triển khai bỏ thi vào lớp 6, PGS Văn Như Cương cho rằng so với thi tuyển trước đây, đầu vào lớp 6 của trường có “chệch choạc” hơn. Đây cũng là nhận xét chung của nhiều hiệu trưởng khi mà bỏ thi vào lớp 6, nhìn có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam sau này. Bởi khi đầu vào quá lớn, không có cách tuyển sinh nào công bằng hơn một kỳ thi đánh giá năng lực thật sự.
Các em sẽ không bị sốc khi vào lớp 6 phương pháp học khác, các môn học khác, áp lực học khác. Trong khi bỏ một kỳ thi đã giúp rất nhiều các cuộc thi khác nở rộ và chất lượng thì không ai kiểm soát được. Theo một chuyên gia giáo dục, hiện nay, riêng môn Toán, học sinh có khoảng 70 cuộc thi ở các cấp học để tham gia, có thể chia thành hai nhóm do Bộ GD-ĐT quản lý và “xã hội hóa”. Rất nhiều các cuộc thi do các tổ chức giáo dục, công ty đứng lên tổ chức.