Cuộc nói chuyện đẫm máu của những kẻ anh hùng rơm

(PLO) -Sáng ngày 22/7/2016, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với ba bị cáo Lương Văn Hùng (SN 1997), Lê Thế Cường (SN 1992, cùng ngụ xã Cư Đliê Mnông, huyện Cư Mgar) và Trần Ngọc Hùng (SN 1994, ngụ xã Cư Pơng, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk) với tội danh “Giết người”. Mặc dù, vụ án đã xảy ra cách đây khá lâu nhưng hậu quả để lại cùng biết bao sự nuối tiếc, xót xa.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Cuộc nói chuyện đẫm máu

Theo cáo trạng, khoảng 20h, ngày 22/12/2015, Lương Văn Hùng, Trần Ngọc Hùng và Lê Thế Cường cùng một số người bạn ngồi uống rượu với nhau tại khu vực đặt giàn khoan giếng của Phan Đức Anh (thuộc buôn Rừng Điếc, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk). 

Trong cuộc nhậu, Hùng có kể lại cho mọi người nghe câu chuyện xảy ra vào đêm hôm trước. Theo đó, Hùng đi đám cưới ở buôn Cư Juốt, xã Cư Pơng thì bị Nguyễn Hồng Sơn và Hoàng Văn Đức dùng tay đánh vào mặt làm bầm tím mắt phải. Nghe xong, Cường nói với Hùng: “để đó, khi nào gặp Sơn tao sẽ nói chuyện”. 

Một lúc sau Hùng nhận được điện thoại của Sơn. Trong điện thoại, Sơn hỏi Hùng đang ở đâu và hẹn đến ngã ba cổng gác, thuộc thôn Đắc Hà Tây, xã Cư Đliê Mnông để nói chuyện, giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên. Nghe xong điện thoại, Hùng kể lại cho Cường và còn nói thêm “nếu không đến gặp Sơn thì hôm sau gặp Hùng ở đâu, Sơn sẽ chém ở đó”.

Nghe Hùng nói vậy, Cường nói: “Mày đi với anh xuống đó xem có đứa nào dám làm gì mày không”. Sau đó, Trần Ngọc Hùng lấy xe mô tô chở Cường và Lương Văn Hùng đến địa điểm hẹn gặp. Trước khi đi Cường mang theo một con dao rựa, còn Hùng cầm theo một con dao nhọn bỏ vào trong túi áo khoác đang mặc. 

Khi tới ngã ba cổng gác, ba người gặp nhóm của Sơn đang đứng chơi tại đó. Phát hiện nhóm của Sơn từ xa nên Trần Hùng dừng xe cách đó khoảng năm mét, Cường và Lương Hùng đi bộ đến nói chuyện. Cường cầm dao rựa trong tay hỏi Sơn: “Hôm qua thằng nào đánh em tao”, thì Sơn trả lời: “Em, em đây”. 

Thấy Cường cầm dao rựa bước đến, Sơn cũng nhặt một cây gậy ở lề đường cầm trên tay, Cường xông vào đòi đánh Sơn thì Sơn bỏ chạy. Lúc này Lương Hùng thấy Đức cũng ở đó nên nói với Cường: “Tối hôm qua có cả thằng này nữa”. Nghe Hùng nói thế, Cường dùng sống dao đánh hai cái vào sau vai trái của Đức. Thấy vậy, nhóm của Sơn đến can ngăn và đẩy Cường ra. 

Bực tức vì bị đánh, Đức tiến lại dùng tay phải đấm vào mặt Hùng. Bị đánh, Hùng lùi người lại phía sau, rồi bất ngờ lấy dao trong túi áo khoác ra đâm một nhát trúng vùng vai cổ trái của Đức. Khi thấy Đức bị thương chảy máu, Cường và Hùng vội cầm hung khí bỏ chạy ra chỗ xe mô tô mà  Hùng đang đứng đợi leo lên xe và bỏ chạy. 

Người thân của các bị cáo

 Người thân của các bị cáo

Khi cả nhóm chạy về đến địa điểm cũ, Hùng kể cho cả bọn nghe việc mình dùng dao đâm trúng Đức và đưa con dao còn dính máu cho mọi người xem. Trong lúc đang hoảng loạn, Hùng lại nhận được điện thoại của Sơn đe dọa sẽ tìm đến nơi để đánh lại nhóm của Hùng. 

Sợ nhóm của Sơn tìm đến đánh trả thù thật nên Lương Hùng và Cường lên xe mô tô chạy đi tìm chỗ trốn, riêng Trần Hùng chạy xe về nhà mình ngủ. Sáng ngày 23/12/2015, cả ba đã ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Về phần Hoàng Văn Đức, sau khi bị Hùng đâm trúng vai đã được mọi người đưa đi cấp cứu, nhưng do mất máu quá nhiều nên đã tử vong. 

Suốt quá trình điều tra, các bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình. Khi biết Đức đã chết, các bị cáo có tác động gia đình bồi thường thiệt hại tổn thất tinh thần, cũng như những chi phí tổ chức đám tang cho người nhà nạn nhân. Tại tòa các bị cáo đã tỏ rõ thái độ ăn năn hối cải, luôn miệng xin lỗi gia đình bị hại mong được HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Kết thúc phiên tòa, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt bị cáo Lương Văn Hùng mức án 18 năm tù giam, Lê Thế Cường 15 năm tù giam và Trần Ngọc Hùng 11 năm tù giam về tội giết người.

Đau xót những đấng sinh thành

Từ sáng sớm, tại tòa đã chật kín người, bầu không khí diễn ra tại phiên tòa ảm đạm đến đáng sợ. Thi thoảng lại có tiếng bật khóc nức nở của người thân hai phía, người mất con, kẻ mang theo bên mình điều tiếng suốt đời. 

Người thân của các bị cáo

 Người thân của các bị cáo

Trước lúc nghị án, giây phút các bị cáo được nói lời nói sau cùng cũng là khoảnh khắc nặng nề nhất, phòng xử án như lặng đi trong tiếng khóc nấc của người thân và những ánh mắt đầy cảm thương. Nhiều người có mặt đã không cầm lòng được đôi mắt đỏ hoe khi nhìn thấy cảnh ấy, có lúc không dám nhìn bởi cảnh tượng đau lòng.

Được biết Đức là con trai đầu trong gia đình có ba anh, em, cũng là người con trai duy nhất trong gia đình. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nên từ nhỏ Đức đã phải bỏ dở việc học hành.

Ở nhà đi làm cùng cha mẹ kiếm tiền nuôi các em nhỏ. Bảy năm trước, người cha của Đức bị tai nạn giao thông, đôi chân bại liệt không còn khả năng lao động nên mọi công việc trong gia đình đều do Đức gánh vác.

Tại phiên tòa người phụ nữ đáng thương nhất đó là mẹ của nạn nhân Đức. Người mẹ già gầy guộc, với gương mặt khắc khổ, đôi mắt đỏ au vì bao đêm thức trắng khóc con. Trước phiên tòa, mỗi khi được gọi tên bà không nói thành lời, chốc chốc lại khóc gào lên trong vô thức “Trả lại con cho tôi”. Mỗi lần vị thẩm phán nhắc đến tên người con trai xấu số, người mẹ lại tức tưởi nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. 

Chứng kiến cảnh người mẹ già ngất lên, ngất xuống vì mất con ai nấy đều không khỏi xót xa, tiếc nuối. Chín tháng mang nặng đẻ đau, chăm ẵm con từ tấm bé. Tuổi trẻ bồng bột, không tránh khỏi những lúc ngang bướng nhưng bà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng nhắc nhở. 

Trong phiên tòa, trên chiếc xe lăn người cha nạn nhân lặng lẽ theo dõi từng chi tiết, diễn biến xét xử. Khi được tòa mời trả lời câu hỏi về vấn đề bồi thường của các bị cáo và có cần yêu cầu thêm gì ko? Ánh mắt người cha nhìn về nơi xa xăm không nói gì. Tin tưởng vào pháp luật sẽ đòi lại công bằng cho gia đình mình. 

Bởi vì ông biết, dù có nói gì vào lúc này thì đứa con trai duy nhất của ông cũng không thể quay trở về. Đau đớn, dằn vặt là thế nhưng ông chỉ lặng thinh vì ông biết hiện tại bản thân dù không thể tự đứng lên nhưng vẫn phải là chỗ dựa vững chắc cho vợ con vượt qua nỗi mất mát quá lớn lao này./..

Đọc thêm