Cuộc sống mới của những người được nhập quốc tịch Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau nhiều năm sống không hợp pháp trên đất Việt Nam, một số công dân đến từ nước bạn Lào đã được Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam. Khi chính thức trở thành công dân Việt Nam, với sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt của chính quyền địa phương, đời sống của các hộ dân đã dần ổn định, an tâm gắn bó vùng đất mới.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có 164 công dân Lào được nhập quốc tịch Việt Nam, hầu hết cư trú tại huyện A Lưới.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có 164 công dân Lào được nhập quốc tịch Việt Nam, hầu hết cư trú tại huyện A Lưới.

Mở ra những cơ hội mới

Cách đây hơn 26 năm, chị A Viết Thị Nós (SN 1986) di cư cùng với chú ruột của mình từ bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) sang làm ăn tại xã biên giới Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây, Nós đã gặp và nên duyên vợ chồng với anh Hồ Viết Anh (ngụ xã Quảng Nhâm) vào năm 2009. Hơn 10 năm sống bên nhau, có với nhau hai người con chung, nhưng anh chị vẫn chưa trở thành vợ chồng hợp pháp bởi chưa đăng ký kết hôn. Chỉ đến khi A Viết Thị Nós được nhập quốc tịch Việt Nam vào năm 2019, anh chị mới chính thức thành vợ, thành chồng.

Với giọng nói tiếng Việt lơ lớ, nụ cười luôn thường trực trên môi, chị Nós chia sẻ: “Khi trở thành công dân Việt Nam, tôi vui lắm bởi đây là điều mà tôi đã chờ đợi từ rất lâu. Ở đây, chúng tôi được các cán bộ chỉ cho cách làm ăn, cách trồng cây ăn trái, hỗ trợ vay vốn làm ăn... Trước khi chưa nhập quốc tịch, đi làm giấy tờ cho các con khó lắm, còn bây giờ làm giấy tờ cho các con đi học dễ rồi. Tôi cảm ơn Nhà nước Việt Nam, cảm ơn chính quyền huyện A Lưới đã luôn tạo điều kiện để tôi có được cuộc sống hạnh phúc ở đây”, chị nói.

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Âr Kêu Nhâm, hàng ngày chị Nós dệt vải zèng để khi có phiên chợ lại mang ra bán, còn chồng chị Nós đi làm nương rẫy. Dẫu còn vất vả, khó khăn nhưng họ vẫn đang từng ngày cố gắng để có cuộc sống ngày một sung túc hơn.

Sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam, chị A Viết Thị Nós đã có cuộc sống ổn định cùng gia đình.

Sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam, chị A Viết Thị Nós đã có cuộc sống ổn định cùng gia đình.

Cũng như chị Nós, chị Hồ Thị Hương (SN 1985) đã được nhập quốc tịch Việt Nam theo đề án thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. Trong ngôi nhà sắp hoàn thiện phần thô, chị Hương cho biết, năm 2010, chị di cư tự do từ Lào qua Việt Nam theo đường biên giới. Khi di cư sang địa phận xã Quảng Nhâm, chị ở lại đây buôn bán làm ăn rồi nên duyên vợ chồng với anh Lê Văn Tới (SN 1982). Những ngày đầu sang sinh sống trên vùng đất mới, chị đã không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu mà khó khăn nhất vẫn là khâu giao tiếp. Để thích nghi với cuộc sống, chị đã không ngừng cố gắng học nói tiếng Việt, đến nay chị đã nói thông thạo tiếng Việt.

“Năm 2019, tôi được nhập quốc tịch Việt Nam. Chúng tôi được Nhà nước cấp bò để nuôi và hỗ trợ thêm chi phí để xây dựng căn nhà. Việc được nhập quốc tịch Việt Nam đã mở ra cho gia đình tôi cơ hội để an cư lạc nghiệp, tiến tới thoát nghèo”, chị Hương chia sẻ.

Trong căn nhà đang xây dựng, chị Hồ Thị Hương (bên trái) vui mừng vì đã được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân Việt Nam.

Trong căn nhà đang xây dựng, chị Hồ Thị Hương (bên trái) vui mừng vì đã được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân Việt Nam.

Hiệu quả từ đề án quan trọng

Theo ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm, hiện có 82 người Lào cư trú trên địa bàn xã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đồng ý cho nhập quốc tịch Việt Nam. Khi được nhập quốc tịch Việt, họ được hưởng các quyền và nghĩa vụ như công dân Việt Nam, được hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, được cấp cây và con giống; được cấp bảo hiểm y tế; được cấp giấy khai sinh, kết hôn...

Cũng theo ông Chăn, để hạn chế tình trạng di cư tự do như trước đây, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh cuộc vận động tư tưởng cho đối tượng hiểu rõ về chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.

Trước đây khi chưa được nhập quốc tịch, người Lào ở huyện A Lưới nói riêng và những người Lào di cư tự do sinh sống dọc biên giới Việt Nam khá thiệt thòi, trong đó không có quyền công dân nên không làm được các giấy tờ pháp lý của bản thân và cho con cái học hành...

Sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều gia đình, cá nhân được đăng ký hộ tịch, đăng ký kết hôn và cấp các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời họ được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, biên giới...

Từ năm 2013, tại các xã biên giới trên địa bàn huyện A Lưới có nhiều công dân của nước bạn Lào di dân tự phát và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào đã được Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam. Theo số liệu của Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế, đã có 164 người Lào cư trú trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đồng ý cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế, việc thực hiện đề án thỏa thuận giữa hai nước về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước đã kiểm soát được cơ bản tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước tại huyện A Lưới, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội tại vùng biên giới giữa Thừa Thiên Huế với hai tỉnh Salavan và Sê Kông. Việc cho nhập quốc tịch Việt Nam với người di cư tự do và kết hôn không giá thú thể hiện bản chất nhân đạo và cao đẹp của Nhà nước ta.

“Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ về nơi định cư, nhà ở, đất canh tác, vay vốn, học nghề… với người được nhập quốc tịch Việt Nam để họ có cuộc sống ổn định, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, sớm hòa nhập với cộng đồng nơi cư trú. Đồng thời, có phương án ngăn chặn việc tái di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào”, ông Hưng nói.

Đọc thêm