Triển khai Quyết định số 402/QĐ-TTCP ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp quốc, Bộ Tư pháp vừa tổ chức hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến về khả năng gia nhập Công ước năm 1961 về giảm thiểu tình trạng không quốc tịch.
Tham dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan. Tại điểm cầu địa phương gồm có Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan của thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Sóc Trăng và một số địa phương khác.
Tham dự hội thảo trực tuyến còn có đại diện của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan của các nước Philippines, Turkmenistan, Văn phòng Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn Băng Cốc - Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và giáo sư trường Đại học Maastricht, Hà Lan.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho biết tình trạng người không quốc tịch, không có giấy tờ chứng minh về nhân thân, người di cư tự do vào Việt Nam (gọi chung là nhóm dân cư dễ bị tổn thương) là vấn đề lịch sử đã có từ lâu.
Qua các thời kỳ khác nhau, nhóm dân cư này sống chủ yếu tại các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam với các nước láng giềng (Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc) và một số ít di chuyển giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đặc điểm chung của nhóm người này là: cuộc sống khó khăn về kinh tế; trình độ dân trí thấp; không có giấy tờ làm căn cứ xác định nhân thân, quốc tịch; chịu ảnh hưởng bởi những phong tục, tập quán của người dân tộc; quan hệ hôn nhân gia đình, hộ tịch… thường không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh phát biểu tại hội thảo. |
Để giải quyết một cách cơ bản tình trạng không quốc tịch thì đòi hỏi mỗi quốc gia phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách, trong đó quan trọng nhất là hoàn thiện các chính sách pháp lý cho vấn đề này. Những năm qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp, biện pháp, chính sách khác nhau nhằm giải quyết giấy tờ pháp lý cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương (như đăng ký hộ tịch, xác định quốc tịch, cấp giấy tờ nhân thân, cư trú…).
Trong đó, chính sách, giải pháp nổi bật nhất có thể kể đến là việc ban hành Luật Quốc tịch (năm 2008) với nhiều quy định nhằm hạn chế tình trạng không quốc tịch và việc ban hành và thực hiện chính sách pháp luật đăng ký hộ tịch phổ cập nhằm tạo thuận lợi cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức trong việc giải quyết tình trạng không quốc tịch mà Việt Nam còn phải đối mặt như: chưa có khung pháp luật riêng để điều chỉnh địa vị của người không quốc tịch và giải quyết tình trạng không quốc tịch, chưa có kế hoạch tổng thể để giải quyết vấn đề di cư tự do, không quốc tịch, không có giấy tờ chứng minh quốc tịch cho các nhóm đối tượng khác nhau, chưa có số liệu tổng thể về người không quốc tịch, không có giấy tờ, hạn chế về nguồn lực phục vụ việc giải quyết tình trạng không quốc tịch, hạn chế về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức…
Do đó, ông Nguyễn Công Khanh cho rằng hội thảo là cơ hội để tập trung đánh giá một cách khách quan, toàn diện các kết quả những kết quả Việt Nam đã đạt được trong việc giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch, cấp giấy tờ pháp lý cho người di cư, người không có giấy tờ, đồng thời nhận diện đầy đủ những khó khăn, thách thức đang đặt ra để có những giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm tiếp tục giải quyết vấn đề di cư, không quốc tịch, không có giấy tờ chứng minh về nhân thân, hướng đến mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trước đó, tháng 12/2018, Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp quốc (gọi tắt là Thỏa thuận GCM) đã được thông qua tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp quốc khóa 73. Sau khi gia nhập Thỏa thuận này, ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp quốc tại Việt Nam.
Ngày 01/4/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 514/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp quốc của Bộ Tư pháp trong giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, Bộ Tư pháp được giao nhiều nhiệm vụ liên quan đến việc giải quyết giấy tờ pháp lý cho người không quốc tịch, người chưa xác định được quốc tịch, người di cư tự do, trong đó, có nhiệm vụ đẩy mạnh nghiên cứu và gia nhập Công ước quốc tế 1961 về giảm thiểu tình trạng không quốc tịch.
Các đại biểu dự hội thảo về cơ bản nhất trí với nội dung các Báo cáo chuyên đề do đại diện Bộ Tư pháp trình bày và xác định nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Tư pháp là việc đẩy mạnh nghiên cứu và đề xuất khả năng gia nhập Công ước năm 1954 về vị thế người không quốc tịch, Công ước năm 1961 về giảm tình trạng không quốc tịch.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đăng ký hộ tịch, cấp phát các giấy tờ quốc tịch cho người di cư ở tất cả các giai đoạn di cư, người di cư đủ điều kiện (lưu ý nhóm đối tượng là người di cư ở khu vực biên giới); người dân tộc thiểu số; phụ nữ và trẻ em (đặc biệt là trẻ em di cư, trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam).
Các ý kiến tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế, với kinh nghiệm trong việc gia nhập Công ước năm 1954 và 1961 (của Philippines và Turkmenistan) sẽ giúp ích cho Việt Nam trong việc tham gia Công ước này, hướng đến mục tiêu bảo đảm cho mọi người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, nhất là phụ nữ và trẻ em đều có quốc tịch, không ai bị rơi vào tình trạng không quốc tịch.