Chính HLV Mai Đức Chung cũng phải thừa nhận khi chúng ta kết thúc vòng bảng tại World Cup, ông chia sẻ: “Ở Đông Nam Á, Đội tuyển nữ Việt Nam là số 1, nhưng ở châu Á và thế giới, chúng ta còn khoảng cách và cần nỗ lực hơn. Các cầu thủ nữ Việt Nam đã làm hết sức, thi đấu với quyết tâm cao, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách. Về hành trình vừa qua ở vòng bảng, tôi rất hài lòng về tinh thần thi đấu của Đội tuyển nữ Việt Nam.
Chúng ta dù sao vẫn thua thiệt về tầm vóc, kỹ thuật chuyên môn trước các đội bạn. Rõ ràng, trình độ chúng ta ở mức độ thấp và việc đội có mặt ở vòng chung kết FIFA World Cup đã là sự cố gắng tuyệt vời. Tới đây, đội còn nhiều việc phải làm. Các cầu thủ phải tăng cường về chiều cao. Bóng đá nữ Việt Nam cũng cần phát triển nhiều hơn với các phong trào từ học đường. Hy vọng chúng ta sẽ có thêm những gương mặt mới cho Đội tuyển Việt Nam”.
Ở Đông Nam Á, Đội tuyển Philippines là đội bóng có chính sách nhập tịch rất rõ ràng. Họ đã chơi ấn tượng tại World Cup, với một trận thắng trước chủ nhà New Zealand.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn bày tỏ: “Có thể nói đây là xu thế mang tính quốc tế mà nhiều đội tuyển quốc gia đã áp dụng. Bóng đá Việt Nam cũng đang nghiên cứu, bảo đảm sự cân bằng giữa việc đào tạo ở trong nước và thu hút nguồn nhân tài từ nước ngoài, đặc biệt các cầu thủ có dòng máu Việt Nam.
VFF đã mở cơ hội cho tất cả hệ thống bóng đá chuyên nghiệp, ngoài chuyên nghiệp và giải trẻ về việc thu hút các cầu thủ gốc Việt. Nếu cầu thủ Việt kiều, cầu thủ gốc Việt có mong muốn được cống hiến cho Đội tuyển Việt Nam thì có thể về thi đấu tại những giải đấu trong nước, qua đó dần thích nghi về văn hoá cũng như đáp ứng những điều kiện khác”.
Theo ông Tuấn, ngoài việc chào đón những người con đất Việt trở về đóng góp cho đội tuyển quốc gia cả nam và nữ, quan trọng là bóng đá Việt Nam phải có nền tảng tốt để cầu thủ đi ra đấu ở những nền bóng đá cao hơn. Chủ tịch VFF chia sẻ thêm: “Về góc độ VFF, một mặt chúng tôi chú ý đến cầu thủ Việt kiều, mặt khác, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có nhiều cầu thủ Việt Nam được xuất ngoại. Đặc biệt, nhiều cầu thủ trẻ ra nước ngoài chơi bóng thì thật tốt. Trường hợp của Huỳnh Như là “điểm sáng” trong việc bóng đá nữ Việt Nam có đại diện ra nước ngoài chơi bóng.
Nhưng ở một khía cạnh khác, Huỳnh Như cũng đã 32 tuổi. Việc xuất ngoại vẫn là hơi muộn. Hy vọng sau World Cup, các cầu thủ Việt Nam sẽ được chú ý về mặt chuyên môn đến từ các chuyên gia. Mong muốn của VFF là cầu thủ nữ Việt Nam có thể xuất ngoại với bến đỗ là các CLB châu Âu hoặc Nhật Bản. Đây là môi trường lý tưởng để phát triển bóng đá đỉnh cao”.
Để tiếp tục chinh phục đỉnh cao World Cup, bóng đá nữ Việt Nam phải tính đến chào đón các tuyển thủ Việt kiều, cũng như phát triển tố chất nội lực để cạnh tranh được với đối thủ mạnh đến từ châu Âu. Chúng ta có quyền tin tưởng, hy vọng bóng đá nữ Việt Nam sẽ chơi tốt lên trong kỳ World Cup tới.