Cuộc sống qua lăng kính trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Qua những cuộc thi vẽ tranh, viết thư… - cánh cửa đặc biệt để người lớn có thể khám phá sắc màu cuộc sống qua lăng kính trẻ em - nơi ước mơ và hiện thực cùng hiện hữu, nơi tình yêu thương và hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn được thể hiện một cách sống động.

Những bức thư đại diện cho suy nghĩ

Vừa qua, Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 54 - năm 2025 đã chính thức khép lại bằng một lễ trao giải trang trọng, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng học sinh, phụ huynh và những người làm công tác giáo dục. Với chủ đề mang tính toàn cầu: “Tưởng tượng bạn là đại dương. Hãy viết một bức thư cho ai đó giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”, cuộc thi năm nay đã thực sự khơi dậy trí tưởng tượng phong phú, tinh thần trách nhiệm và tình yêu thiên nhiên trong thế hệ trẻ. Với hơn 1,5 triệu bài dự thi đến từ học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc, cuộc thi một lần nữa cho thấy sức lan tỏa rộng lớn cũng như mối quan tâm ngày càng sâu sắc của giới trẻ đối với vấn đề bảo vệ đại dương.

Tại Lễ tổng kết và trao giải, giải Nhất quốc gia đã thuộc về em Phạm Đoàn Minh Khuê (học sinh lớp 10C2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng). Với tư duy sáng tạo và cách tiếp cận đầy mới mẻ, Minh Khuê đã nhập vai thành chính Đại dương, gửi một bức “tâm thư” cảm động đến đạo diễn lừng danh James Cameron - người từng tạo nên những siêu phẩm điện ảnh gắn liền với biển cả như Titanic, The Abyss, Avatar… Trong bức thư, bằng giọng văn tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu sắc, Minh Khuê mô tả trái tim của đại dương đang “quằn quại, đau đớn, sắp ngừng đập” trước sự tàn phá không ngừng của con người. Đại dương tha thiết kêu gọi James Cameron, với sức ảnh hưởng của mình, hãy làm một bộ phim mới, khiến thế giới phải tỉnh thức, phải hành động vì sự sống còn của đại dương và của chính nhân loại.

Bức thư đạt giải Nhất Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 - 2024 nói về trẻ em thiếu tình thương của nam sinh Nguyễn Đỗ Quang Minh. (Ảnh: BTC)

Bức thư đạt giải Nhất Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 - 2024 nói về trẻ em thiếu tình thương của nam sinh Nguyễn Đỗ Quang Minh. (Ảnh: BTC)

Bên cạnh giải Nhất, Ban Tổ chức Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 54 cũng đã trao 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 30 giải Khuyến khích, 61 giải Cây bút triển vọng, 10 giải Khơi nguồn ý tưởng và 10 giải tập thể. Trong số đó, rất nhiều gương mặt đạt giải vẫn đang ở lứa tuổi thiếu nhi nhưng đã có tư duy sâu sắc, tinh thần trách nhiệm và tình yêu mãnh liệt với hành tinh xanh. Dù còn non nớt về tuổi đời, các em đã trở thành những “người phát ngôn” chân thực nhất cho một thế hệ sống có lý tưởng, có khát vọng xây dựng một tương lai bền vững.

Em Phạm Ngọc Bình Minh (học sinh lớp 9H, Trường Trung học cơ sở Đặng Thai Mai, TP Vinh), một trong những gương mặt đạt giải năm nay có chia sẻ đầy cảm xúc: “Em cảm thấy mình đã lắng nghe được tiếng nói của đại dương, bằng lý trí và bằng cả trái tim. Thông qua bức thư, em vừa muốn nói lên nỗi đau của biển cả, vừa thể hiện lời hứa của chính bản thân mình: sẽ luôn yêu thương và bảo vệ môi trường sống quanh mình, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất...”.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các em học sinh có cơ hội cất lên tiếng nói của mình trước công chúng. Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU đã được tổ chức tại Việt Nam suốt 37 mùa liên tiếp, trở thành một sân chơi thường niên đầy ý nghĩa, nơi trẻ em được khuyến khích bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc và quan điểm cá nhân về những vấn đề mang tính thời sự toàn cầu.

Mỗi năm, cuộc thi đều mang đến một chủ đề mới, gắn liền với những mối quan tâm chung của nhân loại, từ hòa bình, biến đổi khí hậu, công nghệ cho đến thế hệ tương lai. Vẫn còn nhớ vào năm ngoái, bức thư đạt giải nhất Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 - 2024 với chủ đề thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa của em Nguyễn Đỗ Quang Minh (thời điểm đó là học sinh lớp 9 Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP Đà Nẵng) đã khiến nhiều người xúc động.

Lấy bối cảnh đêm Giáng sinh năm 2023, cậu học trò đến từ Đà Nẵng đã nhập vai thành nhân vật có tên Pullattie, viết thư gửi đến Tổng Giám đốc Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) năm 2174. Trong bức thư đầy xúc động, Pullattie chia sẻ nỗi trăn trở về một thế giới nơi trẻ em đang dần thiếu thốn tình thương và khao khát có một nơi để giãi bày tâm sự, để được lắng nghe và yêu thương. “Chúng khao khát được chia sẻ bằng những dòng thư tay chân thành nhất, gửi đến một nơi mà chúng tin sẽ có người lắng nghe để được nhận lại tình yêu thương. Và đó chỉ có thể là Ông già Noel!”

“Tôi hình dung 150 năm tới, khi nhân loại dùng thư điện tử và nhiều phương tiện liên lạc hiện đại khác, thì tất cả các bưu cục toàn thế giới sẽ vẫn có hòm thư tay miễn phí cho trẻ em, khi viết thư gửi Ông già Noel. Mỗi nước có một trụ sở nhận thư, gửi thư và quà như tại làng Ông già Noel này. Tôi ước ao sẽ có nhiều trường đào tạo Ông già Noel, để những người yêu trẻ học cách mang đến hạnh phúc cho trẻ”, Nguyễn Đỗ Quang Minh chia sẻ trong bức thư dự thi.

Với trí tưởng tượng phong phú, giọng văn hồn nhiên mà đầy tính nhân văn, bức thư của Quang Minh đã chạm đến trái tim người đọc. Như một hồi chuông nhắc nhở thế giới tương lai đừng bao giờ đánh mất sợi dây kết nối thiêng liêng giữa con người với con người: đó là sự sẻ chia, lắng nghe và yêu thương.

Đi tìm một thế giới tốt đẹp hơn bằng những nét vẽ

Có thể thấy, suy nghĩ của trẻ em tuy còn non nớt nhưng lại giàu cảm xúc chân thành, mang nhiều trăn trở và ẩn chứa những góc nhìn bất ngờ khiến người lớn phải lặng mình suy ngẫm. Đặc biệt, trẻ em không bị bó buộc bởi định kiến hay những khuôn mẫu xã hội, những thứ mà người lớn thường dựng lên quanh mình. Chính sự vô tư ấy giúp các em có cái nhìn đầy mới mẻ, nơi mọi điều đều có thể xảy ra, mọi ước mơ đều có thể trở thành hiện thực.

Bên cạnh những dòng thư, trẻ em còn thể hiện thế giới nội tâm phong phú và trí tưởng tượng bay bổng của mình qua từng nét vẽ. Với hội họa, trẻ em nói lên điều mình nghĩ, thể hiện điều mình mong ước và vẽ nên một thế giới lý tưởng, nơi thiên nhiên được bảo vệ, con người yêu thương nhau và mọi điều xấu xa đều được thay thế bằng cái đẹp. Những năm qua, nhiều cuộc thi vẽ tranh dành cho trẻ em được tổ chức nhằm trở thành sân chơi cho trẻ thỏa sức sáng tạo, đồng thời truyền đi những thông điệp ý nghĩa. Ở đó, những đôi mắt thơ ngây đã trở thành chiếc “ống kính nhiệm màu” phản chiếu muôn mặt của cuộc sống vừa ngộ nghĩnh, vừa sâu sắc.

Các tác phẩm dự thi Cuộc thi vẽ “Em vẽ thành phố năm 2075”. (Ảnh: HTV)

Các tác phẩm dự thi Cuộc thi vẽ “Em vẽ thành phố năm 2075”. (Ảnh: HTV)

Trong khuôn khổ cuộc vận động vẽ tranh thiếu nhi “Em vẽ thành phố 2075”, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng trăm bức tranh đã được gửi về từ khắp nơi, mang theo những góc nhìn đầy sáng tạo về một TP Hồ Chí Minh của tương lai. Với đề tài mở và giàu tính tưởng tượng, các “họa sĩ nhí” tha hồ vung cọ, chấm phá những nét vẽ sống động như tàu điện metro lướt băng qua bầu trời, robot giúp đỡ con người, những tòa nhà phủ đầy cây xanh và đường phố không khói bụi. Từ đó vẽ nên một thế giới tương lai đầy màu sắc, nơi công nghệ phát triển vượt bậc, con người sống hòa hợp với thiên nhiên.

Điều đặc biệt, dù thể hiện bằng câu chữ hay hình ảnh, tiếng nói của trẻ em luôn chất chứa niềm tin vào những điều tốt đẹp. Các em không tô hồng thực tại nhưng luôn gieo vào đó hạt mầm hy vọng cho tương lai. Dường như, sắc màu cuộc sống qua lăng kính trẻ thơ không chỉ đẹp bởi được nhìn bằng trí tưởng tượng phong phú, mà còn đẹp bởi được soi chiếu bằng tâm hồn ngây thơ, trong sáng, khát vọng sống tử tế và sẻ chia. Chính vì thế, mỗi bức thư, mỗi bức tranh của các em đều xứng đáng được lắng nghe, trân trọng và coi đó như một lời nhắc nhở dịu dàng: người lớn cũng cần học cách nhìn lại thế giới bằng đôi mắt của trẻ thơ, để yêu thương nhiều hơn, bao dung nhiều hơn và sống đẹp hơn mỗi ngày.

Đọc thêm