* Nam sinh được bạn 10 năm cõng đến trường nhập học tại Đại học Bách khoa
* Nam sinh 10 năm cõng bạn đến trường: Nếu được đặc cách, em cũng từ chối
* Đôi bạn 10 năm cõng nhau đi học: Tấm lòng của những người thầy
Trong căn phòng 25 m2 ở tầng 1 tòa nhà B6 ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Tất Mây (46 tuổi, quê Thanh Hóa) đang chuẩn bị bữa trưa cho con trai. Con trai của ông - em Nguyễn Tất Minh bị khuyết tật hai chân và một tay từng được biết tới với tình bạn đẹp kéo dài hơn 10 năm với Ngô Văn Hiếu (hiện là sinh viên Đại học Y Thái Bình). Suốt quãng đời học sinh, Minh đã được Hiếu cõng trên lưng từ nhà đến trường, ngày nắng cũng như ngày mưa, cùng nhau viết ước mơ đèn sách.
Bây giờ, Minh và Hiếu đều đã trở thành sinh viên, học ở hai trường đại học cách xa nhau. Ông Mây thay Hiếu tiếp tục cùng Minh đi trên con đường tri thức. Cuộc sống chốn thành thị của hai bố con trong những tháng đầu tiên nhiều xáo trộn, không ít khó khăn nhưng cũng đầy ắp tiếng cười.
Ông Mây kể, trong hai tháng đầu ông thường dậy từ 5h để chuẩn bị bữa sáng cho con, đi bộ đến chợ cách ký túc xá gần một cây số, nấu cơm, giặt quần áo rồi ngày hai lần theo xe lăn của con tới trường và cõng con lên giảng đường, đến giờ lại đón con về.
"Mấy nay tôi đỡ vất hơn, không phải đưa Minh đi học nữa vì có nhóm tình nguyện của trường hỗ trợ. Vả lại tôi mới được nhà trường sắp xếp công việc bơm nước cho ký túc xá nên cũng 'bận' hơn", ông Mây cười chia sẻ.
Nhớ hồi đầu mới ra Hà Nội, ông Mây phải làm quen với cuộc sống không có vợ hay con trai thứ hai ở bên, không có vườn tược, đồng ruộng để làm, ông chỉ quanh quẩn trong khu ký túc xá của trường... Nhiều lúc buồn tay buồn chân.
Khó khăn hồi đầu với ông có lẽ là việc cõng con trai nặng 40 kg lên cầu thang đi học. Nếu với sức khỏe bình thường, số cân ấy không nề hà gì nhưng tháng 3 vừa rồi, ông Mây gặp tai nạn khai thác đá, đinh trong chân vẫn chưa kịp rút, sức khỏe ông yếu dần đi. Có những hôm Minh học ở tầng 5, ông cõng đến tầng 3 phải đứng nghỉ.
"Nhưng nay, lớp học của Minh được nhà trường sắp xếp xuống tầng 1, kể cả phòng ký túc xá cũng được sắp xếp để tiện cho hai bố con sinh hoạt, cũng như di chuyển. Nên giờ tôi cũng đỡ vất hơn lúc trước rất nhiều", ông Mây nói.
Mức lương 1,5-2 triệu đồng từ việc bơm nước được nhà trường bố trí, đã phần nào hỗ trợ bố con Minh. Nhưng ông Mây vẫn lo lắng vì giá cả ở Hà Nội mua một mớ rau, đã đắt hơn ở quê gấp 2-3 lần. Hiện tại, cả gia đình bốn người phải phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương của người vợ làm thời vụ trong công ty may mặc ở quê. "Tạm thời trong năm đầu này Minh được trường Bách khoa hỗ trợ tiền học, tiền ở. Hai bố con chỉ mất các loại sinh hoạt phí như ăn uống, điện nước, vừa hỗ trợ được con. Nhưng đợi một thời gian nữa ổn định, rút đinh ở chân sẽ tìm thêm công việc nào đấy để có thêm thu nhập, để đỡ vất cho vợ. Vừa tiện chăm sóc con", ông Mây cho biết.
Còn Tất Minh, khi được hỏi về cuộc sống mới và bạn thân Ngô Văn Hiếu, em chia sẻ, cuộc sống 3 tháng xa nhà, xa Hiếu khiến Minh trưởng thành và tự lập hơn rất nhiều. Như trước kia, nhiều việc cá nhân Minh được Hiếu cùng nhiều người trong nhà giúp đỡ, thì nay em phải tự làm tất thảy. Cả việc đi học, không có Hiếu đồng hành nên có cảm giác hơi hụt hẫng và buồn. Ngày trước đi học 2 đứa thường kè kè bên nhau, "chém gió", tíu tít với nhau rất vui. Giờ chỉ liên lạc qua điện thoại, lên đại học cả 2 đều bận hơn trước, nên thời gian tâm sự cũng ít đi.
Thỉnh thoảng có thời gian vào cuối tuần Hiếu cũng xuống Hà Nội thăm Minh, lúc đấy gặp lại cả hai rất vui mừng, đặc biệt cảm xúc lần gặp lại mặt đầu tiên sau bao ngày xa cách, cả hai líu lo suốt 1 buổi chưa hết chuyện.
"Nhưng bù lại có bố ra đây hỗ trợ em, phần nào em cũng bớt nhớ nhà. Nhìn thấy bố vất vả em cũng thương, em mong thời gian nữa ổn định, bản thân có thể tự làm mọi việc (hiện còn nấu cơm và phơi quần áo gây khó khăn cho em), em sẽ 'đuổi' bố về với mẹ để em trưởng thành hơn", Minh cười hiền tâm sự.
Ăn xong bữa cơm trưa đạm bạc, ông Mây lại đẩy xe lăn đưa con ra khuôn viên ký túc xá đi dạo, vừa để hít thở không khí thoáng đãng vừa tranh thủ trò chuyện với con. Nhưng thỉnh thoảng, Minh lại nói bố để em tự điều khiển chiếc xe của mình. Em muốn được tự lập, bớt phiền hà mọi người và trên hết là muốn bố có thêm thời gian nghỉ ngơi.