Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật và học đường” tỉnh Hậu Giang: Pháp luật là “bạn đồng hành” của học sinh

(PLVN) -  Với ý nghĩa và sức lan tỏa rộng khắp, cuộc thi trực tuyến “Pháp luật và học đường” của tỉnh Hậu Giang đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh trên địa bàn.

Ý thức được tầm quan trọng của pháp luật đối với giới trẻ, đặc biệt là các em học sinh, thời gian qua, ngành Tư pháp tỉnh Hậu Giang luôn nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, cách làm hay để pháp luật đến gần hơn với học đường và trở thành “người bạn” quen thuộc của học sinh. Điển hình là cuộc thi “Pháp luật và học đường”. Cuộc thi diễn ra dưới hình thức trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (https://pbpl.haugiang.gov.vn) và Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp (sotuphap.haugiang.gov.vn).

Cuộc thi thu hút nhiều học sinh tham gia

Cuộc thi thu hút nhiều học sinh tham gia

Đối tượng dự thi là các em học sinh khối THPT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người dự thi sẽ trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm. Nội dung thi gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định số 80/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Cuộc thi hướng đến xây dựng mối quan hệ phối hợp trong tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật liên quan đến học sinh trong trường học. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu tìm hiểu pháp luật trong học sinh.
Cạnh đó, cuộc thi còn giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của các học sinh trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, góp phần ổn định môi trường, xã hội trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Ông Đồng Việt Phương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang đánh giá cao hiệu quả cuộc thi

Ông Đồng Việt Phương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang đánh giá cao hiệu quả cuộc thi

Trong năm 2024, cuộc thi có hơn 18.051 người tham gia với gần 40.000 lượt dự thi chiếm 84,92% tổng số học sinh tham gia. Trong đó nhiều đơn vị có số lượng học sinh tham gia trên 95% như huyện Long Mỹ (97,02%), huyện Châu Thành (96,21%), huyện Vị Thủy (95,09%). Các đơn vị có lượng thí sinh tham gia dự thi cao là Trường THPT Long Mỹ (4.394 lượt), Trường THPT Cây Dương (3.153 lượt), Trường THPT Vị Thủy (3.084 lượt)... Điều đó, thể hiện rõ sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương và Ban Giám hiệu, giúp các em học sinh đến gần hơn với những kiến thức pháp luật bổ ích.

Ông Đồng Việt Phương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang cho biết, nội dung cuộc thi đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với trình độ nhận thức pháp luật của học sinh về lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống ma túy và Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Công tác tổ chức, phát động Cuộc thi được tiến hành chặt chẽ, chất lượng và hiệu quả; đảm bảo mục đích, yêu cầu của Cuộc thi, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, tạo không khí học tập, tìm hiểu pháp luật sôi nổi, thu hút sự quan tâm ủng hộ của đông đảo giáo viên, học sinh. “Kết quả của Cuộc thi cho thấy vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin; khẳng định tính đúng đắn cho hướng đi mới trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Góp phần tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp tuyên truyền, PBGDPL”, ông Phương nhấn mạnh.

Cuộc thi “Pháp luật và học đường” đã tạo sân chơi bổ ích cho học sinh.

Cuộc thi “Pháp luật và học đường” đã tạo sân chơi bổ ích cho học sinh.

Trong thời gian tới để nâng cao chất lượng, hiệu quả của cuộc thi, ông Phương đề nghị, tăng cường các hoạt động truyền thông để thông tin, phổ biến giới thiệu về Cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí. Tiếp tục nhận diện đầy đủ, đánh giá toàn diện kết quả, hiệu ứng tích cực và tác động của Cuộc thi, nhất là những thành công để xem xét, đề xuất nhân rộng mô hình, gắn với đổi mới cách thức triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành Tư pháp và ngành Giáo dục và Đào tạo và các trường THPT trên địa bàn tỉnh trong công tác tổ chức nhất là việc phát động tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong nhà trường.

Đọc thêm