Cuộc trưng bày “Khát vọng tự do”

(PLVN) - Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 73 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày: “Khát vọng tự do” vào ngày 14/5/2020 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).
Cuộc trưng bày “Khát vọng tự do”

Trưng bày kể câu chuyện về những chiến sĩ kiên trung, không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân, đế quốc, quyết tâm vượt ngục để trở về với cách mạng, với nhân dân. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ hay hòa mình vào biển sâu khi vượt ngục không thành; có người may mắn được trở về nhưng cơ thể không còn vẹn nguyên. Tất cả những gian khổ, hy sinh ấy đều không ngăn được hành trình đến với tự do của những người con yêu nước, được giới thiệu qua 3 nội dung trưng bày: Xiềng xích; Tung cánh giữa màn đêm và Khúc ca hòa bình.

Không gian trưng bày được thể hiện qua những gam màu trầm, lạnh trong nội dung Xiềng xích. Những hình ảnh, tư liệu được đặt cách điệu trong lưới mắt cáo hay những trận bom Mỹ trút xuống miền Bắc Việt Nam. Trong nội dung “Tung cánh giữa màn đêm”, khắc họa hình ảnh đối lập giữa một bên là sự kiên cố của các nhà tù với khát khao vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng qua hình ảnh ẩn dụ của những cánh chim hướng về tự do.

Trưng bày: “Khát vọng tự do” vào ngày 14/5/2020 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).
Trưng bày: “Khát vọng tự do” vào ngày 14/5/2020 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). 

Đóng góp của các chiến sĩ cách mạng sau khi vượt ngục được thể hiện trên những bảng vàng ghi công, hay những thước phim thời gian tua ngược lại Ký ức không phai của các chiến sĩ cách mạng là điểm nhấn thiết kế trong nội dung Khúc ca hòa bình. Đến với trưng bày, du khách còn có không gian để chụp những bức ảnh kỷ niệm và lưu lại cảm xúc sau chuyến tham quan.

Tại buổi khai mạc trưng bày, sẽ có sự tham gia của những nhân chứng lịch sử, đã trực tiếp tham gia vào các cuộc vượt ngục và thân nhân của những chiến sĩ cách mạng từng đã tham gia vượt ngục năm xưa: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, người phá ngục Trại giam Phú Bài tháng 3/1945; ông Nguyễn Hà Long, thương binh 2/4, người khởi xướng phong trào đào hầm vượt ngục tại phân khu A2, Trại giam tù binh Phú Quốc đêm 19/01/1969; ông Đỗ Trọng Dư, “chuyên gia” làm xẻng, nắp hầm tại Trại giam tù binh Phú Quốc; thân nhân gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, đồng chí Trần Tử Bình, đồng chí Trần Đăng Ninh….

Đọc thêm