Một cảnh trong Để mai tính 2 |
Tiếp theo thành công của “Để mai tính”, một câu chuyện tình hài hước, có phần duyên dáng và lối diễn “đột phá” của Thái Hòa trong vai “chị” Hội, Thái Hòa và ekip “được dịp tiến lên” với các bộ phim “Long Ruồi, Tèo em”… và nếu không lập kỉ lục phòng vé thì cũng doanh thu cao ngất ngưởng.
Tuy nhiên, đến “Tèo em” thì tình hình bắt đầu khác đi. Tuy vẫn đốt nóng các rạp chiếu phim, và tạo cơn sốt, nhưng bắt đầu xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một số người ủng hộ vẫn thích lối diễn của Thái Hòa cộng với kịch bản “gây cười hết cỡ” của phim. Một số ý kiến – không ít – thì cho rằng, Tèo em đã đi từ “hài duyên” sang “hài nhảm” với những hành động pha trò quá lố, khai thác quá nhiều tình huống tĩu, thô để gây cười.
Và có vẻ như đến “Để mai tính 2”, phản ứng của khán giả mới thể hiện rõ ràng hơn, khi phim ra rạp đã nhiều ngày nhưng doanh thu dưới mức dự tính, cũng như không gây ra cuộc “sóng gió” nào cho giới mê phim. Lý do là sau khi bắt đầu thấy ngán với Tèo em, đến “Để mai tính 2”, khán giả chuyển sang… chuẩn bị bội thực. Cũng vẫn là Thái Hòa, không có gì đặc sắc hơn so với các phim trước.
Vẫn là vai diễn đồng tính, những pha gây cười có lúc cũng vui, nhưng phần nhiều “thọc lét”, nhiều đoạn phô và tục đến mức khán giả… lắc đầu. Với cách khai thác hình ảnh người đồng tính quá lố, dẫn đến việc “vẽ” nên một “cô bóng” hị hợm, lố bịch, Thái Hòa và e kíp làm phim nói chung đã nhận phản ứng gay gắt từ phía khán giả, đặc biệt là những người bảo vệ quyền lợi cho người đồng tính. Đó cũng là lý do khiến bộ phim bị một bộ phận khán giả kêu gọi tẩy chay…
Một cảnh nhạy cảm trong Để mai tính 2. |
Có những thất bại là đáng tiếc, nhưng không ít thất bại lại là điều cần thiết. Bởi, nếu không có sự chìm lắng của “Để mai tính 1”, biết đâu sau đó, ê kíp này lại tiếp tục với “Tèo em 2, Tèo em 3”… thì quả thật là điện ảnh Việt lại phải tiếp tục chứng kiến những màn hài nhảm tung hoành các rạp. Thái độ của khán giả cũng cho thấy, phim hài là một món ăn tinh thần không thể thiếu. Nhưng hài nhảm, thì ban đầu chỉ có thể thu hút bằng sự mới lạ, còn về lâu về dài, sẽ nhanh chóng mất sức hút.
Một kịch bản có giá trị, cách diễn hài duyên dáng, tinh tế vẫn là điều bị cho là thiếu của dòng phim hài trong nước. Đến bao giờ mới có một phim hài “mãn nhãn”, người xem không phải vừa xem vừa nhai… sạn?