Cuối năm là thời điểm lý tưởng du lịch Côn Đảo

Cuối năm là thời điểm biển lặng, nắng nhẹ, rất lý tưởng để tới Côn Đảo. Hãy khám phá hòn đảo này để cảm nhận hết vẻ đẹp của con người và thiên nhiên nơi đây.
Cuối năm là thời điểm lý tưởng du lịch Côn Đảo
Nằm ở phía đông nam vùng biển Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Côn Đảo là một quần đảo có tổng diện tích 72 km2, gồm 16 đảo nhỏ hợp thành, lớn nhất là Côn Đảo hay còn gọi là đảo Côn Sơn. Đến đây, bạn sẽ gặp biển xanh, cát trắng, những con đường đẹp như tranh hầu như không có bóng người, đối lập với sự quá tải khách du lịch ở Vũng Tàu, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc... 
Mặt khác, hòn đảo còn mang trong mình nét huyền bí với các di tích từ thời kỳ chiến tranh Việt Nam. 
Di chuyển ra đảo
Nếu đi tàu, bạn có thể mang theo xe máy của mình để tiện đi lại ở Côn Đảo. Bến tàu khởi hành tại cảng Cát Lở - Vũng Tàu. Bạn nên chạy xe tới Vũng Tàu rồi gửi theo ra đảo. Nhớ hỏi thêm dịch vụ chở xe khi mua vé tàu. 
Hành trình sẽ xuất phát từ cảng Cát Lở - Vũng Tàu đến cảng Bến Đầm - Côn Đảo và ngược lại, khởi hành lúc 17h và đến nơi lúc 5h sáng ngày hôm sau. Nên chuẩn bị cả đồ ăn tối vì thường trên tàu chỉ bán trứng luộc, mì gói tới 12h đêm là hết. Giá vé: 150.000-200.000 đồng/lượt.
Nếu muốn tiết kiệm thời gian và giữ sức khỏe, bạn hãy chọn máy bay. Hiện chỉ có Vietnam Airlines khai thác đường bay tới Côn Đảo và đều xuất phát từ TP HCM với mức giá từ 900.000 đồng/lượt. Từ sân bay Cỏ Ống, Côn Đảo về trung tâm sẽ mất khoảng 12 km. Có thể di chuyển bằng taxi hoặc bằng xe đưa rước của khách sạn mà bạn đã đặt trước. Trường hợp chưa đặt trước, bạn có thể đặt ngay tại các quầy ở sân bay. 
Đi lại trên đảo
Bạn có thể mang xe máy theo tàu ra đảo hoặc thuê xe để có thể tham quan được nhiều địa danh ở đây. Lưu ý, trên đảo chỉ có một cây xăng nên cần lưu ý xăng xe. Giá thuê một ngày sẽ vào khoảng 120.000 đến 150.000 đồng/xe tùy loại.
Lưu trú
Khu nghỉ dưỡng cao cấp nhất ở Côn Đảo. Ảnh: Thang Thang
Khu nghỉ dưỡng cao cấp nhất ở Côn Đảo. Ảnh: Thang Thang 
Hiện nay, số lượng nhà nghỉ, khách sạn cao cấp tại Côn Đảo đang tăng lên khá nhiều. Đây là điều kiện tốt để du khách tự do lựa chọn mức giá sao cho phù hợp với túi tiền và yêu cầu của mình nhất. 
Hiện tại giá phòng tại các khách sạn, nhà nghỉ bình dân ở Côn Đảo vào khoảng 200.000 - 300.000 đồng/đêm cho phòng đơn, từ 400.000 đồng - 600.000 đồng/đêm cho phòng đôi. Còn tại các resort, giá thấp phòng thấp nhất là khoảng 1.000.000 đồng/đêm cho đến 7.000.000 đồng/đêm (Six Senses Côn Đảo).
Lịch trình 3 ngày tại Côn Đảo
Ngày 1: Khám phá địa ngục trần gian Côn Sơn
Côn Đảo từng được biết tới là nơi tra tấn, hành hạ dã man, cũng là môi trường đào tạo những chiến sĩ yêu nước chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ Sài Gòn Cũ. Do đó, đến với hệ thống nhà tù Côn Sơn cũng là tìm hiểu về một thời quá khứ hào hùng nhưng cũng nhiều mất mát qua những hiện vật sống động còn hiện hữu tại đây. Với 20.000 đồng/người, bạn có thể tham gia vào tour du lịch có hướng dẫn tới những địa điểm sau:
Dinh chúa Đảo: Từng là nơi ở và làm việc của các đời chúa đảo. Hiện trưng bày lịch sử hình thành Côn Đảo với các hiện vật, hình ảnh và tư liệu từ thời Pháp thuộc tới nay.
Trại tù Phú Sơn, Phú Hải: Ghi lại những trận tra tấn, lưu đày hàng trăm nghìn người tù chiến sĩ cộng sản với truyền thuyết về Hầm Xay Lúa, phòng tra tấn mang tên Phòng Tối...
Chuồng cọp kiểu Pháp: được xây dựng vô cùng kiên cố sau lớp mê cung dày đặc để làm mất phương hướng tù nhân. Đây cũng là nơi diễn ra các hình thức tra tấn tàn ác nhất.
Nghĩa trang Hàng Dương: Nơi chôn cất hàng chục nghìn chiến sĩ cách mạng, nhà yêu nước qua nhiều thế hệ lao tù kéo dài hơn một thế kỷ. Đây cũng là nơi chôn cất chị Võ Thị Sáu, phần mộ linh thiêng gắn liền với nhiều câu chuyện có thật trên đảo, đặc biệt phải viếng mộ vào lúc nửa đêm. Bạn cũng nên thu xếp tới đây để có thêm những trải nghiệm đặc biệt.
Ngoài ra, du khách còn có thể đến với những điểm tham quan đậm nét tín ngưỡng, văn hoa của dân cư Côn Đảo:
Miếu bà Phi Yến: Còn có tên là An Sơn Miếu, đây là nơi thờ phụng bà Phi Yến, thứ phi của chúa Nguyễn Ánh. Ở Côn Đảo, ngoài chị Võ Thị Sáu, người dân còn tôn sùng bà Phi Yến như vị thần bảo hộ linh thiêng cho đảo.
Chùa Núi Một: hay còn gọi là Vân Sơn Tự, là một kiến trúc uy nghi nằm trên đỉnh núi. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn hồ An Hải, thu toàn cảnh thị trấn Côn Đảo và vịnh Côn Sơn vào trong tầm mắt.
Sức sống nơi "chuồng cọp" ngày xưa. Ảnh: Thang Thang
Sức sống nơi "chuồng cọp" ngày xưa. Ảnh: Thang Thang 
Ngày 2: Khám phá Bắc Đảo
Hướng về phía Bắc Đảo, du khách sẽ được tận hưởng vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của một số địa điểm du lịch tự nhiên, tâm linh như:
Mũi Lò Vôi: Từng được người Pháp xây dựng nhằm sản xuất vôi bằng san hô, kết hợp với phụ gia tạo thành chất kết dính thay cho xi măng.
Hòn Bảy Cạnh: Có hệ thống sinh thái vô cùng đa dạng với nhiều loài sinh vật biển như: san hô, trai, ốc, cỏ biển, rùa biển. Ngoài ra, bãi Cát Lớn trên hòn Bảy Cảnh là bãi biển có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất Côn Đảo.
Miếu Hoàng Tử Cảnh: Là ngôi miếu con trai của Vua Gia Long và Thứ Phi Hoàng Phi Yến, có liên hệ mật thiết với cuộc bôn tẩu của vua Gia Long trước sự truy đuổi của quân Tây Sơn.
Bãi Đầm Trầu: Là bãi tắm nổi tiếng nhất nhì Côn Đảo, Đầm Trầu không chỉ có cảnh sắc tươi đẹp, làn nước trong mát, mà còn gắn liền với sự tích về chàng Cau nàng Trầu.
Bãi Suối Nóng: cách bãi Đầm Trầu không xa, bãi Suối Nóng không được nhiều người biết đến nên phần nào vẫn giữ nguyên nét hoang sơ, cảnh tựa như một bức tranh đẹp của vùng biển nhiệt đới với bãi cát trắng phẳng lì và hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo.
Ngày 3: Khám phá Vườn quốc gia Côn Đảo - Bãi Ông Đụng
Ngày cuối cùng, bạn có thể thay đổi không khí bằng chuyến du lịch đến Vườn Quốc gia Côn Đảo. Tại đây, du khách có thể đi bộ xuyên rừng để hít thở không khí trong lành, nghe tiếng chim rừng hót véo von, ngắm những đàn bướm đầy màu sắc và nhiều loài động vật hoang dã. Mắc võng trong những rặng phi lao bên bờ biển và lắng nghe sóng biển rì rầm, sẽ vô cùng thư thái và giải tỏa tinh thần. 
Đến đây, bạn nên chuẩn bị sẵn giày cao cổ hoặc giày chuyên dụng để tham quan rừng.
Sau khi đã đi bộ băng hết cánh rừng, bạn sẽ đến bãi Ông Đụng. Tại đây, du khách có thể thuê ca nô để tham quan các đảo xung quanh như đảo Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ và bơi lội, ngắm hệ sinh thái san hô độc đáo, tuyệt đẹp của Côn Đảo.
Những món ăn ngon ở Côn Đảo
Ốc vú nàng - món ngon không thể bỏ qua ở Côn Đảo. Ảnh: BariaTourism
Ốc vú nàng - món ngon không thể bỏ qua ở Côn Đảo. Ảnh: BariaTourism 
Quán ăn tại Côn Đảo không nhiều và giá cả khá đắt đỏ. Bạn có thể đến các quán nổi tiếng như quán Tri Kỷ (đường Nguyễn Đức Nhuận) và quán Thu Ba (ngay chợ Côn Đảo - Võ Thị Sáu). Ngoài ra, tại đây còn có các quán ăn bình dân như quán Gia Đình đường Trần Phú, quán Dê Lang Thang đường Võ Thị Sáu, một vài quán ăn trên đường Nguyễn Huệ. 
Chợ đêm Côn Đảo cũng phục vụ du khách với giá cả tương đối mềm, chỉ khoảng 20.000 đến 50.000/suất tùy món ăn.
Đặc sản Côn Đảo được dân du lịch thường truyền tai nhau gồm có ốc vú nàng, cá mú đỏ, tôm hùm, tôm mũ ni, mắm hàu... 
Ốc vú nàng đem nướng, luộc hay làm gỏi đều rất thơm ngon, lại có quanh năm. 
Một đặc sản khác rất nên thử là cua mặt trăng. Loài cua này sống tại các bãi san hô ở Côn Đảo, mai có nhiều hình tròn đỏ đậm và thịt cua ngọt nhất vào mùa trăng nên được ngư dân ở đây gọi là cua mặt trăng. Món này thường được chế biến khá đơn giản nhưng thịt được đánh giá ngon không thua gì cua huỳnh đế.
Quà mang về
Du khách khi đến Côn Đảo thường thích mua mứt hạt bàng về đất liền làm quà vì cây bàng Côn Đảo là loại bàng rừng, quả và hạt rất to. Có hai loại mứt mặn và mứt ngọt, ăn vừa béo vừa bùi, là món ăn chơi rất lạ và ngon miệng. 
Ngoài ra, cá thu, cá mú của đảo cũng sẽ là lựa chọn tuyệt vời. Nếu đi máy bay thì bạn phải đóng gói thật kỹ. 

Đọc thêm