Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức: 41,88 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,18 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại Công ty SJC, giá vàng niêm yết chiều mua vào là 41,60 triệu đồng/lượng, ở chiều bán ra có mức giá là 42,00 triệu đồng/lượng. Tại thị trường TP HCM, chiều bán ra niêm yết ở mức giá 42,02 triệu đồng/lượng.
Như vậy, tính trong cả tuần này (9-14/9), giá vàng SJC đã giảm tổng cộng 450.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Còn giá vàng thế giới đã giảm xuống mức thấp của hơn hai tuần qua trong phiên ngày 9/9 và đã có lúc rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ chủ chốt là 1.500 USD/ounce
Giá vàng trong nước tuần qua có sự biến động theo giá vàng quốc tế. Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 41,850 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,000 triệu đồng/lượng (bán ra).
Bước sang phiên 10/9, giá vàng thế giới tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong gần một tháng qua, do trái phiếu Mỹ và đồng USD tăng lên đã làm giảm "sự hấp dẫn" của kim loại quý này.
Giá vàng hôm 13/9 trên thị trường thế giới tăng vọt ngay sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ, khiến Mỹ phải cân nhắc hành động trong cuộc họp sắp tới.
Số liệu cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng của trường Đại học Michigan tăng từ 89,8 điểm hồi tháng Tám lên 92 điểm trong tháng Chín. Bên cạnh đó, dự trữ thương mại của Mỹ tăng 0,4% trong tháng Bảy, và doanh số bán lẻ cũng tăng 0,4% trong tháng Tám, qua đó tiếp tục làm giảm nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vàng tăng giá mạnh sau khi giới đầu tư chứng kiến làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh những rủi ro về tăng trưởng toàn cầu vẫn hiện hữu. Mặc dù vậy, đà tăng của vàng cũng phần nào bị hạn chế bởi dòng tiền tìm đến các loại tài sản rủi ro hơn trong đó có chứng khoán sau những diễn biến tích cực về cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.
Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã xuất hiện dấu hiệu tích cực mới khi nguồn tin từ Bloomberg cho biết các quan chức Mỹ đã cân nhắc một thỏa thuận thương mại hạn chế với Trung Quốc. Theo đó, Washington có thể sẽ đình chỉ hoặc rút lại một số thuế để đổi lấy việc Bắc Kinh đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động thu mua nông sản.
Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu về kim loại, năng lượng và tiền tệ của Religare Broking Ltd. Sugandha Sachdeva cho rằng dấu hiệu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung “hạ nhiệt” đã làm các nhà đầu tư tăng nhu cầu đối với các loại tài sản rủi ro, khiến vàng mất dần sức hấp dẫn.