Hiệp ước INF được lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan ký năm 1987.
Lãnh đạo 2 nước lúc bấy giờ đồng ý phá hủy tất cả các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500km.
Tuy nhiên, Mỹ từ lâu cáo buộc Nga đã vi phạm Hiệp ước khi sản xuất tên lửa Novator 9M729, mà NATO gọi là SSC-8.
Ngày 20/10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF. Phía Mỹ sau đó đưa ra thời hạn 60 ngày để Nga trở lại tuân thủ hiệp ước, phá hủy toàn bộ tên lửa 9M729.
Bên lề cuộc gặp của nhóm 5 cường quốc hạt nhân tại Trung Quốc ngày 31/1, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Andrea Thompson đã có cuộc hội đàm cuối cùng với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trước khi hết thời hạn 60 ngày mà Mỹ đặt ra.
Phát biểu sau cuộc gặp, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho biết 2 nước đã không vượt qua được những khác biệt.
Bà Thompson cũng cho biết rằng Washington dự kiến sẽ ngừng tuân thủ hiệp ước ngay vào ngày 2/2 tới, khi hạn chót 60 ngày do Mỹ vạch ra kết thúc.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, một động thái như vậy sẽ cho phép quân đội Mỹ bắt đầu phát triển ngay lập tức tên lửa tầm xa.
“Chúng tôi có thể đình chỉ các nghĩa vụ theo hiệp ước vào ngày 2/2. Chúng tôi sẽ đưa ra thông báo sau khi thực hiện tất cả các bước về việc đình chỉ nghĩa vụ theo quy định của hiệp ước”, Reuters dẫn lời bà Thompson tuyên bố.
Vẫn theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, sau khi quyết định đình chỉ nghĩa vụ chính thức được công bố, Mỹ sẽ phải trải qua quá trình rút lui chính thức kéo dài 6 tháng.
Theo bà Thompson, việc ngừng tuân thủ hiệp ước sẽ cởi trói cho quân đội Mỹ. “Sau đó, chúng tôi có thể tiến hành nghiên cứu và phát triển, làm việc trên các hệ thống mà chúng tôi đã không thể sử dụng vì phải tuân thủ hiệp ước”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói.
Mặc dù vậy nhưng bà Thompson cũng tuyên bố Washington vẫn để ngỏ khả năng đàm phán thêm với Moscow về hiệp ước.