Cưỡng chế trong thi hành án dân sự: Phải phối hợp với chính quyền địa phương

Sau khi PLVN có tin nêu về quy định mới trong phối hợp cưỡng chế thi hành án dân sự, nhiều độc giả mong muốn được tìm hiểu sâu hơn. Đáp ứng nguyện vọng đó, PLVN xin cung cấp cụ thể, chi tiết hơn về văn bản này.

Sau khi PLVN có tin nêu về quy định mới trong phối hợp cưỡng chế thi hành án dân sự, nhiều độc giả mong muốn được tìm hiểu sâu hơn. Đáp ứng nguyện vọng đó, PLVN xin cung cấp cụ thể, chi tiết hơn về văn bản này.

Để việc cưỡng chế thi hành án dân sự (THADS) diễn ra đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự, liên Bộ Tư pháp và Công an vừa ban hành Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-BTP-BCA quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong THADS và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5 tới.

Nếu có ý kiến bất đồng, phải thống nhất biện pháp giải quyết

Liên Bộ quy định, trước thời điểm ban hành kế hoạch cưỡng chế THADS ít nhất 10 ngày, thủ trưởng cơ quan THADS phải cung cấp thông tin, trao đổi ý kiến với cơ quan công an cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan về các nội dung, yêu cầu cụ thể của vụ việc cưỡng chế có huy động lực lượng tham gia bảo vệ

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin, trao đổi ý kiến, thủ trưởng cơ quan công an phải trả lời về các nội dung đề nghị phối hợp bảo vệ cưỡng chế của cơ quan THADS cùng cấp.

Trường hợp cơ quan công an cùng cấp có ý kiến khác về yêu cầu phối hợp bảo vệ cưỡng chế thì ngay sau khi nhận được ý kiến, thủ trưởng cơ quan THADS tổ chức cuộc họp với đại diện cơ quan công an cùng cấp để trao đổi, thống nhất biện pháp giải quyết.

Thông tư cũng quy định, nếu trong trường hợp cần có sự phối hợp của nhiều lực lượng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn, thì thủ trưởng cơ quan THADS đề nghị Chủ tịch UBND cùng cấp chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm phối hợp với lực lượng công an để tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

Tạm dừng cưỡng chế nếu vụ việc diễn biến phức tạp

Để chủ động và thống nhất trong phương án cưỡng chế, trước thời điểm cưỡng chế một ngày làm việc, cơ quan THADS phải tổ chức cuộc họp với cơ quan công an cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan để bàn biện pháp triển khai kế hoạch cưỡng chế, kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế.

Đáng lưu ý, tại buổi cưỡng chế, lực lượng cảnh sát được phân công bảo vệ cưỡng chế thi hành án phải có mặt từ khi bắt đầu đến khi kết thúc vụ việc cưỡng chế để duy trì trật tự và bảo đảm an toàn trong suốt quá trình diễn ra cưỡng chế. Cơ quan THADS đề nghị UBND cấp xã nơi tiến hành cưỡng chế cử đại diện tham gia cưỡng chế thi hành án, huy động lực lượng tại chỗ phối hợp với cơ quan công an để tham gia bảo vệ cưỡng chế THADS.

Trong quá trình diễn ra cưỡng chế, chỉ huy lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp phải thông báo kịp thời cho người chủ trì, điều hành buổi cưỡng chế THADS biết những diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự có liên quan đến công tác cưỡng chế THADS để có biện pháp xử lý.

Cũng theo Thông tư, khi có vụ việc xảy ra thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nào thì cơ quan đó chủ trì xử lý, các cơ quan khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp. Trường hợp vụ việc xảy ra thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều ngành thì đơn vị nào phát hiện đầu tiên có trách nhiệm giải quyết vụ việc theo thẩm quyền, sau đó chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền chính giải quyết. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của các lực lượng đang làm nhiệm vụ cưỡng chế thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nếu có căn cứ cho rằng vụ việc có khả năng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà lực lượng tiến hành cưỡng chế chưa có biện pháp khắc phục, giải quyết thì cơ quan công an có thể đề nghị người chủ trì thực hiện việc cưỡng chế xem xét, quyết định tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án.                                

Đông Quang

Đọc thêm