Báo cáo tình hình thi hành án trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Lê Thị Kim Dung cho biết: Trong 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp 01 với Ngân hàng Nhà nước, đã thi hành xong gần 6.400 việc, thu được số tiền hơn 35,4 nghìn tỷ đồng, tăng cả về việc và về tiền so với trước đây.
Riêng những tháng đầu năm 2017, chỉ tính 3 địa phương có số lượng án tín dụng, ngân hàng lớn nhất là Hà Nội, TP HCM và Hưng Yên đã thụ lý gần 5.100 việc với số tiền khoảng 39,3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2016, số việc và số tiền còn phải thi hành rất lớn, gồm hơn 15,9 nghìn việc với số tiền trên 58,9 nghìn tỷ đồng.
Gặp vướng do nhiều nguyên nhân
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có rất nhiều. Trong đó, về khách quan thì bên cạnh sự mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật, một số bản án, quyết định của Tòa án lại chưa rõ ràng dẫn đến việc thi hành khó khăn; đa số các trường hợp tài sản đã kê biên đảm bảo thi hành án phải giảm giá nhiều lần mới thành hoặc bán đấu giá nhiều lần vẫn không có người mua; việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá bị đương sự chống đối, khởi kiện. Về chủ quan, việc chỉ đạo của Thủ trưởng, chấp hành viên một số cơ quan THADS chưa thực sự tích cực, phối hợp giữa cơ quan THADS và các TCTD chưa chặt chẽ.
Bản thân các ngân hàng, TCTD khi thẩm định, nhận thế chấp tài sản không đúng quy trình dẫn đến giai đoạn thi hành án kéo dài; quá trình thi hành án còn phó mặc việc thi hành cho cơ quan THADS.
Liên quan đến tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai, các quy định pháp luật hiện hành đều cho phép các TCTD nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nhưng thực tiễn gặp một số vướng mắc. Chẳng hạn, phán quyết của Tòa không xác minh xem tài sản đã hình thành hay chưa nên đến lúc thi hành án, cơ quan THADS tiến hành xác minh thì tài sản chưa hình thành; TCTD nhận thế chấp tài sản chưa được cấp giấy chứng nhận nên khó xử lý bán tài sản và đề nghị cấp giấy chứng nhận cho người mua trúng đấu giá…
Ngoài ra, có trường hợp chủ đầu tư thế chấp dự án để vay tiền song trong quá trình thi hành án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như UBND tỉnh) cho rằng chủ dự án không thực hiện đúng dự án và có quan điểm thu hồi dự án khiến việc thi hành án không thể làm được.
Yêu cầu thi hành án nhưng TCTD không giao giấy tờ!?
Từ thực tiễn các Cục THADS nêu lên rất nhiều khó khăn, vướng mắc tác động đến hiệu quả thi hành án. Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hưng Yên Vũ Hoàng Thụ phản ánh, qua xác minh nhiều tài sản không có trên thực tế hay có những tài sản không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam, rồi có nhiều trường hợp giá trị tài sản thấp hơn giá trị cho vay…; có hiện tượng một số TCTD không phối hợp với cơ quan THADS, cử ủy quyền cho người không có đủ thẩm quyền để giải quyết việc thi hành án nên có chuyện đến họp bàn xử lý là “phát biểu về báo cáo Hội đồng quản trị”…
Phó Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Chu Quang Tiến bức xúc có một số TCTD nộp đơn yêu cầu thi hành án nhưng không giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà TCTD đã nhận thế chấp. Đối với tài sản hình thành trong tương lai, Cục trưởng Cục THADS TP Hải Phòng Trần Hồng Quang đưa ra một thực tế, có trường hợp đến lúc kê biên tài sản thì phát sinh chủ sở hữu mới…
Xuất phát từ những vướng mắc trên, ông Thụ kiến nghị, nên chăng xem xét, tính toán thiết lập hệ thống theo dõi, báo cáo riêng về án tín dụng, ngân hàng, nếu không “số phải thi hành cứ mỗi ngày một tăng lên”; nghiên cứu cách xử lý những tài sản bán đấu giá quá nhiều lần.
Ông Quang đề xuất lãnh đạo Bộ Tư pháp làm việc với lãnh đạo TANDTC để chỉ đạo trong hệ thống tòa án khi ra các bản án, phán quyết, giải thích bản án; đồng thời nghiên cứu chuyển phần tài sản không thể thi hành được do doanh nghiệp không còn hoạt động trong thực tế. Một số ý kiến cũng đề nghị, phải tăng cường phối hợp giữa cơ quan trung ương với chính quyền địa phương để thúc đẩy công tác thi hành án; công khai thông tin các dự án thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; có cơ chế cấp giấy chứng nhận cho người đấu giá mua được tài sản…
Lắng nghe các góp ý từ địa phương và báo cáo thêm về giải pháp tháo gỡ của đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục THADS, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chia sẻ, tới đây phải làm việc với Ngân hàng Nhà nước, cương quyết “điểm tên” những ngân hàng không phối hợp trong giải quyết án tín dụng, ngân hàng. Thứ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục THADS nghiên cứu xây dựng văn bản phù hợp để có thể chế xử lý những vướng mắc thực tiễn.