Bị cướp tóc trong tích tắc
Đã nhiều ngày trôi qua kể từ buổi trưa bị kẻ lạ mặt bất ngờ xén đi mái tóc dài óng ả nhưng chị Nông Thị Phúc (32 tuổi, quê huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự việc. Chị Phúc nhà ở huyện Cao Lộc, đã có chồng và 2 con nhưng lại đi làm thuê cho một trang trại chăn nuôi lợn của người quen ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng.
Do đường sá xa xôi nên chị ở trọ tại trang trại, mỗi tuần về nhà một lần để mang gạo, thực phẩm lên đủ ăn uống cho tuần tới. Nhờ tiết kiệm, chịu khó nên ngoài chi phí sinh hoạt, mỗi tháng chị dành dụm được khoảng 2 triệu đồng, đủ lo cho hai đứa con đang theo học ở trường dân tộc nội trú của huyện và dành dụm chút ít phòng khi nhà có việc.
Buổi trưa hôm đó, sau bữa trưa chị đi bộ ra đường để vẫy xe khách về nhà. Đường trưa vắng ngắt, đang buồn vì phải đứng một mình đợi hơn chục phút nữa mới có chuyến xe qua thì có một chiếc xe máy do một người đàn ông trẻ chở một người đàn bà trung niên trờ tới. Người đàn bà nhanh nhẹn xách túi bước xuống xe, xởi lởi làm quen, bắt chuyện với chị. Bà ta nói sẽ đi cùng chị trên chuyến xe về huyện Cao Lộc tới đây và còn giới thiệu người đàn ông kia là em họ và bảo anh ta nán lại ít phút chờ hai người lên xe thì hãy ra về. Không chút nghi ngờ, chị cũng vui vẻ trò chuyện đáp lại.
Trong lúc đứng đợi xe, bà khách bỗng quay sang ngắm chị rồi khen chị có mái tóc dài suôn mượt, óng ả và đẹp hiếm có. Thời nay, rất ít phụ nữ còn giữ được mái tóc đẹp thế này. Nói rồi, bà ta đưa tay vuốt mái tóc chị, bỗng chị nghe xoẹt một tiếng sắc ngọt, chưa kịp định thần thì đã thấy đầu mình nhẹ bẫng, mái tóc dài, dày nặng đã bị cắt, nhanh chóng cất gọn trong túi xách của người đàn bà kia.
Sự việc xảy ra quá nhanh, chị Phúc chưa kịp phản ứng thì hai người kia đã lên xe phóng đi về hướng huyện Văn Lãng. Chị Phúc chỉ biết chới với cùng mái tóc bị xén nham nhở nhìn bọn họ khuất dạng giữa đường trưa vắng vẻ. Khi định thần lại, chị cảm thấy vẫn còn may mắn vì số tiền lương tháng hơn 2 triệu đồng vẫn còn nguyên vẹn, không bị kẻ xấu cướp mất.
Thấy chị trở về với mái tóc ngắn cũn lạ lẫm như vậy, hàng xóm ai cũng ngạc nhiên và hỏi thăm. Nghe chị kể lại sự tình, nhiều người đã chia sẻ, thông cảm với chị vì gần đây đã xảy ra một vài vụ cướp tóc tương tự. Nghe nói mỗi bộ tóc dài như vậy được mua với giá hàng triệu đồng nên bọn chúng mới cướp tóc táo tợn, dã man. Tuy vậy, cũng có người ác ý, xúc xiểm rằng biết đâu khi rời xa vòng tay gia đình, chị đã ngã lòng có quan hệ bất chính nên mới bị cắt tóc, đánh ghen?
Sợ bị dư luận hiểu lầm nên chị cùng chồng ra xã trình báo sự việc. Nhưng các cán bộ giải thích rằng sự việc diễn ra trên địa bàn xã khác, huyện khác không thuộc thẩm quyền xử lý của xã và hướng dẫn chị phải đến địa bàn đó để trình báo. Tuy nhiên, chị không biết rõ danh tính, đặc điểm nhận dạng của kẻ cướp tóc thì sẽ rất khó xác định tung tích để truy tìm, xử lý. Chị Phúc nghĩ việc đi lại trình báo sẽ tốn kém thời gian công sức, mà chưa chắc đã tìm ra kẻ vi phạm nên quyết định không đi trình báo nữa.
Tuy vậy, vẫn thấy ấm ức vì chuyện mình bị cướp tóc trắng trợn nên chị Phúc quyết định chia sẻ câu chuyện của mình với Báo Câu chuyện Pháp luật như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở chị em có mái tóc dài nên đề cao cảnh giác trước thủ đoạn của kẻ lạ mặt vờ làm quen, rồi lợi dụng hoàn cảnh vắng vẻ để cướp tóc bán lấy tiền.
Khó xử lý hình sự đối với hành vi cướp tóc!
Đó là khẳng định của Luật sư Đặng Văn Luân (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình). Luật sư Luân phân tích:
- Mái tóc là một bộ phận của cơ thể con người, việc xâm hại mái tóc có ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ. Nhưng nếu buộc hành vi của kẻ cắt tóc mà không được sự đồng ý cho phép của “khổ chủ” là xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người thì cũng không có căn cứ.
Vì theo Bộ luật Hình sự hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành thì không có quy định nào về tỷ lệ thương tật đối với việc mái tóc bị cắt. Kể cả mái tóc bị cắt trụi nhưng nếu không gây sây sát, tổn thương đến cơ thể thì tỉ lệ tổn hại sức khỏe trong trường hợp này vẫn là 0%, không thể xác định đó là hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Hành vi cắt tóc người khác mà không được sự đồng ý của chủ thể, trong một số trường hợp nhất định có thể cấu thành tội “Làm nhục người khác”. Nhưng kẻ cắt tóc chỉ phạm vào tội “Làm nhục người khác” khi có động cơ, mục đích bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm của nạn nhân, làm cho nạn nhân bị sỉ nhục. Ở đây, mục đích của kẻ cướp là đem đi bán lấy tiền, mục đích là trục lợi chứ không có ý đồ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
Hành vi của những kẻ dùng thủ đoạn để cướp tóc rồi nhanh chóng tẩu tán có những dấu hiệu gần giống với cấu thành của tội “Cướp tài sản” và “Cướp giật tài sản”.
Tuy nhiên, rất khó khép các đối tượng vào những tội danh này. Vì theo Điều 133 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Cướp tài sản” thì: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm”.
Vấn đề là tóc có phải là tài sản - đối tượng của hành vi cướp hay không? Khái niệm tài sản theo Bộ luật Dân sự bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Đối chiếu vào quy định trên, tóc không phải là tài sản nên không thể coi hành vi cướp tóc là cướp tài sản.
Từ những phân tích trên, theo Luật sư Luân thì rất khó để xử lý hình sự kẻ cướp tóc. Hành vi cướp tóc chỉ có thể sẽ bị xử phạt hành chính vì vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.