Cứu bệnh nhi đầu tiên ở miền Nam mắc sốt mò nguy kịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi bị sốt mò nguy kịch. Đây là ca bệnh sốt mò đầu tiên ở trẻ em được chẩn đoán tại miền Nam.
Hình ảnh vết đốt của mò trên người bệnh nhi.
Hình ảnh vết đốt của mò trên người bệnh nhi.

Bệnh nhi là cháu N.K.C (37 tháng tuổi) nhập viện vì thiếu máu nặng. Gia đình cháu C làm nghề nông, có nhiều ruộng lúa quanh nhà, trước đây cháu hoàn toàn khoẻ mạnh.

Gia đình cho biết, cháu C sốt nhẹ 4 ngày, chán ăn. Đến ngày thứ 5 và 6 sốt cao hơn, nôn ói, da xanh xao và đi tiểu sậm màu. Trẻ nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng, gan to 4 cm dưới hạ sườn phải và lách to độ 4. Các xét nghiệm cho thấy trẻ bị tổn thương phổi và tràn dịch màng phổi phải, nhiễm khuẩn huyết và suy đa cơ quan nặng.

Sau 2 ngày sử dụng kháng sinh không đáp ứng, trẻ vẫn sốt cao kéo dài liên tục. Qua thăm khám kỹ, bác sĩ ghi nhận sang thương da ở ngực phù hợp với sốt mò.

Kết quả phân lập tác nhân trong máu bằng PCR cũng ghi nhận Orientia tsutsugamushi (một loại vi khuẩn thuộc họ Rickettsia và lây sang người thông qua ấu trùng mò) phù hợp với tình trạng của trẻ.

Sau khi được chẩn đoán chính xác bệnh sốt mò, bệnh nhi được dùng kháng sinh Levofloxacin. Sau 3 ngày bệnh nhi hết sốt, các chỉ số chức năng cơ quan cải thiện dần, được rút nội khí quản, và xuất viện sau 10 ngày điều trị.

Theo PGS.TS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng khoa Hồi sức nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1, đây là ca bệnh sốt mò đầu tiên ghi nhận tại bệnh viện và là ca đầu tiên ở trẻ em được chẩn đoán ở miền Nam. Diễn tiến bệnh của trẻ rất nặng và nguy kịch với các biến chứng có thể tử vong gồm: rối loạn tri giác, viêm phổi suy hô hấp, tán huyết và đông máu nội mạch lan toả, cũng như là hội chứng thực bào máu rất hiếm gặp trong bệnh sốt mò.

Các biểu hiện của bệnh sốt mò người dân cần lưu ý là: Sốt cao kéo dài, có vết loét da do ấu trùng mò đốt, phát ban dạng sẩn. Đặc điểm của vết loét thường 1 vết hình tròn hoặc bầu dục, đường kính khoảng 5-10 mm, không đau, không ngứa, viền đỏ và nổi gờ trên mặt da. Lúc đầu màu vàng xám, sau đó đóng vảy màu nâu hoặc đen. Vị trí hay gặp ở các nếp gấp của cơ thể như: tay, cổ, gáy, thân mình, đùi, bẹn, rốn... Khoảng tuần thứ 2 kể từ khi mò đốt sang thương sẽ bong vảy để lại vết loét đáy sạch khô, màu đỏ tươi có viền cứng.

Để phòng tránh bệnh sốt mò, bác sĩ khuyến cáo: Người lớn và trẻ em nên hạn chế đi vào vùng bụi rậm, cỏ thấp, vùng đất ẩm, vách núi, hang động. Khi đi vào những khu vực nghi có nhiều ấu trùng mò nên mặc quần áo dài, buộc kín gấu quần, mang tất, ủng. Y văn ghi nhận ở miền Nam Việt Nam, khoảng 50% bệnh nhân bị sốt mò do ấu trùng đốt khi làm việc ở ruộng lúa.

Nếu bị các nốt đốt lạ và sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sĩ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đọc thêm