Phát biểu ở bên ngoài tòa án Bangkok - nơi diễn ra phiên điều trần kín về vụ việc, ông Nanthasak Poonsuk - Người phát ngôn của Văn phòng Tổng Chưởng lý - cho hay: “Chúng tôi đã truy tố ông ta. Tòa án đã chấp nhận xét xử vụ việc”.
Ông Abhisit, hiện đang nắm quyền lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập, đã bác bỏ các cáo buộc và được cho bảo lãnh tại ngoại. Ông Suthep Thaugsuban, vốn là cấp phó của ông Abhisit trước đây và hiện đang là lãnh đạo của nhóm biểu tình, cũng phải đối mặt với các cáo buộc tương tự nhưng ông đã yêu cầu tòa án hoãn phiên điều trần của mình.
Ông Abhisit và ông Suthep là những người nắm giữ quyền lực khi hàng nghìn người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra chiếm đóng một số khu vực của thủ đô Bangkok hồi năm 2010. Tại thời điểm đó, hai ông này đã cho phép quân đội trấn áp những người biểu tình. Tổng cộng có hơn 90 người thiệt mạng và hơn 1.900 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ xảy ra trong các cuộc biểu tình. Các cáo buộc đối với ông Abhisit và ông Suthep liên quan đến cái chết do bị trúng đạn của một người lái taxi 43 tuổi và một thiếu niên 14 tuổi trong suốt cuộc trấn áp.
Việc truy tố ông Abhisit diễn ra trong lúc các cuộc biểu tình chống lại Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn tiếp diễn. Ngày 12/12, những người biểu tình đã dỡ bỏ hàng rào dây thép gai được cảnh sát dựng lên ở quanh Văn phòng Thủ tướng ở Bangkok và xông vào bên trong. Một số nguồn tin cho biết, những người biểu tình đã cắt điện của tòa nhà.
Thủ tướng Yingluck ngay sau đó đã có bài phát biểu trên truyền hình và tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp với đủ các đại diện của xã hội vào ngày 15/12 để tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Thái Lan. Thủ lĩnh phe biểu tình đã yêu cầu một cuộc gặp với giới chức cảnh sát và lãnh đạo quân đội vào tối 12/12 và yêu cầu họ đứng về người biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ và Thủ tướng Yingluck. Tuy nhiên, quân đội Thái Lan đã từ chối và tuyên bố họ sẽ đứng ở vị trí trung gian trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong một động thái nhằm xử lý cuộc khủng hoảng, bà Yingluck hôm 9/12 đã giải tán Quốc hội để chuẩn bị cho một cuộc bầu cử sớm. Tuy nhiên, phe biểu tình khăng khăng đòi bà phải từ chức để nhường chỗ cho một Chính phủ lâm thời được chỉ định.
Thủ lĩnh nhóm biểu tình Suthep trong tuần này tuyên bố phong trào của ông có tính chính thống hơn Chính phủ. Trong một loạt các “chỉ đạo” khá kỳ cục, ông Suthep đã kêu gọi cảnh sát không báo cáo về vị trí của họ, đồng thời yêu cầu truy tố bà Yingluck về cáo buộc kích động nổi dậy cáo buộc mà ông ta đã bị truy tố vì việc những người biểu tình chiếm tòa nhà Chính phủ và việc ông ta kêu gọi các công chức tham gia biểu tình.