Cựu Tổng thống Lula da Silva bị cáo buộc tham nhũng

(PLO) -Ngay sau khi Viện Kiểm sát trình cáo trạng yêu cầu khởi tố vợ chồng cựu Tổng thống Lula da Silva với các tội danh tham ô, rửa tiền và giả mạo giấy tờ, Chủ tịch Công đảng Rui Falcao đã phản bác lại những cáo buộc kể trên và coi đây là "một hình thức khác của khủng bố" nhằm ngăn chặn việc ông ra tranh cử tổng thống năm 2018. 
Vợ chồng cựu Tổng thống Lula da Silva
Vợ chồng cựu Tổng thống Lula da Silva

Phát biểu với báo giới hôm 14/9, ông Rui Falcao tuyên bố, những cáo buộc tham nhũng nhằm vào cựu Tổng thống Lula da Silva để ngăn cản ông tái tranh cử chức tổng thống là điều đã được lường trước và khẳng định, ông Lula da Silva chưa bao giờ sở hữu căn hộ hạng sang hay có hành vi lạm quyền. 

Bản án 13 năm tù

Tuyên bố của Chủ tịch Công đảng Rui Falcao được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Viện Kiểm sát yêu cầu khởi tố vợ chồng cựu Tổng thống Brazil vì có liên quan tới đại án tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. 

Trước đó (4/3), Chủ tịch Công đảng Rui Falcao từng tuyên bố, cảnh sát và tư pháp liên bang đã phối hợp với giới truyền thông cùng phe đối lập thực hiện vụ khám xét trái phép nhà riêng của ông Lula de Silva.

Theo giới truyền thông, khoảng 200 cảnh sát đã đồng loạt khám xét nhiều địa điểm được cho thuộc sở hữu của cựu Tổng thống ở Guaruja, để tìm bằng chứng có liên quan tới vụ tham nhũng tại Petrobras. Ông Lula de Silva cũng từng bị cảnh sát triệu tập (5/1) và cho tới nay cựu Tổng thống luôn bác bỏ mọi cáo buộc có liên quan tới vụ bê bối ở Petrobras.

Theo các nhà điều tra, vụ tham nhũng ở Petrobras diễn ra chủ yếu trong giai đoạn ông Lula de Silva làm Tổng thống, và các công tố viên cũng điều tra những khoản tiền người ta đã tặng ông Lula de Silva. Tại thời điểm đó, ông Lula de Silva là Tổng thống, còn bà Dilma Rousseff là quan chức cấp cao ở Petrobras. 

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, cựu Tổng thống Lula da Silva bị tình nghi nhận tiền hối lộ thông qua khoản tiền mà công ty xây dựng OAS cải tạo căn hộ hạng sang mà ông mua ở thành phố Guaruja, ven biển bang Sao Paulo, để trả công giúp OAS nhận các hợp đồng làm ăn với Petrobras.

Cơ quan chức năng cũng nghi ngờ ông Lula da Silva đã mua bất động sản kể trên bằng tiền tham ô, tham nhũng.

Các công tố viên cho rằng, có 5 nhà thầu xây dựng liên quan tới bê bối ở Petrobras đã trả cho cựu Tổng thống 2,7 triệu USD, gọi là tiền thù lao các cuộc diễn thuyết kể từ năm 2010, sau khi ông Lula da Silva mãn nhiệm. Và 5 công ty này còn chi cho Viện Lula 5,5 triệu USD, và một phần khoản tiền kể trên đã được chuyển cho một trong các con trai của ông Lula da Silva. 

Bà Dilma Rousseff và ông Lula da Silva
Bà Dilma Rousseff và ông Lula da Silva

Theo giới truyền thông, bản cáo trạng của Viện Kiểm sát được công bố hôm 14/9 được xây dựng dựa trên những bằng chứng liên quan do cảnh sát gửi lên hồi cuối tháng 8, là văn bản chính thức đầu tiên yêu cầu khởi tố cựu Tổng thống Lula da Silva với tội danh tham nhũng.

Ngoài ông Lula da Silva, các công tố viên còn cáo buộc Chủ tịch Viện Lula Paulo Okamoto và nguyên Chủ tịch OAS Aldemario Pinheiro tội tham ô và rửa tiền. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, OAS đã chi 333.000 USD để sửa sang và sắm đồ đạc cho căn hộ sang trọng của ông Lula da Silva ở Guaruja, cho dù bất động sản này không đứng tên vợ chồng cựu Tổng thống.

Ngoài ra, OAS còn chi gần 394.000 USD thuê một nhà kho trong giai đoạn 2011-2016, để cất những tặng phẩm mà ông Lula da Silva được tặng khi đương nhiệm. Nếu bị tuyên có tội, ông Lula da Silva có thể phải đối mặt với mức án tối đa 13 năm tù.

Ngoài cựu Tổng thống, vợ và con trai Fabio của ông Lula da Silva là 2 trong số 16 người bị buộc tội rửa tiền. Theo tờ The Wall Street Journal, ông Lula da Silva và cựu Đệ nhất phu nhân Marisa Leticia bị nghi không khai báo với cơ quan thuế về một căn hộ sang trọng thuộc sở hữu của họ. 

Những tranh cãi khác nhau

Cựu Tổng thống Lula da Silva coi quyết định của Viện Kiểm sát mang động cơ “chính trị”, không có đầy đủ thủ tục pháp lý và là hành vi vu khống. Các luật sư của ông Lula da Silva khẳng định, không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy cựu Tổng thống hay OAS đứng tên căn hộ vì thân chủ của họ mới đặt cọc sau đó không mua bất động sản này nữa.

Nhóm luật sư của ông Lula da Silva đã trình kiến nghị phản đối phiên tòa lên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc vì coi cựu Tổng thống là nạn nhân của một vụ lạm quyền trong cuộc điều tra tham nhũng tại Petrobras. 

Thẩm phán liên bang Sergio Moro, người đang thụ lý điều tra vụ án tham nhũng ở Petrobras tuyên bố, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có truy tố ông Lula da Silva và những người có liên quan hay không.

Và nếu ông Sergio Moro đồng ý với bản cáo trạng của Viện Kiểm sát, cựu Tổng thống Lula da Silva sẽ chính thức bị bắt giam để phục vụ điều tra. Theo các công tố viên, trong hơn 1 thập kỷ qua, các nhà chính trị và lãnh đạo Petrobras đã thông đồng chuyển hàng tỉ USD từ việc bán dầu của tập đoàn này vào túi của nhiều cá nhân và thực hiện các chiến dịch chính trị khác.

Giới phân tích cho rằng, với tư cách là người sáng lập Công đảng và là người đỡ đầu cựu Tổng thống Dilma Rousseff, nữ Tổng thống đầu tiên tại Brazil, những bê bối của cựu Tổng thống Lula da Silva và đại án tham nhũng tại Petrobras (bị phanh phui từ tháng 3-2014) đã khiến Công đảng mất quyền lãnh đạo sau 13 năm tại vị.

Gần 2 tháng trước (29/7), Thẩm phán Tòa án liên bang Ricardo Augusto Soares Leite tuyên bố, phiên tòa sắp tới sẽ diễn ra ở thủ đô bởi cho đến nay cơ quan chức năng đã có đủ chứng cứ để bắt đầu thủ tục truy tố hình sự đối với cựu Tổng thống Lula da Silva. Đơn đề nghị truy tố ông Lula da Silva được Bộ trưởng Tư pháp Rodrigo Janot trình lên Tòa án liên bang.

Và Thẩm phán Ricardo Augusto Soares Leite coi cáo trạng do Bộ trưởng Rodrigo Janot nộp đã cung cấp đầy đủ chứng cứ để mở phiên tòa xét xử ông Lula da Silva.

Bộ trưởng Tư pháp Rodrigo Janot cáo buộc cựu Tổng thống Lula da Silva đóng vai trò quan trọng trong vụ bê bối tại Petrobras, gây tổn thất hơn 2 tỉ USD cho tập đoàn này. Ông Rodrigo Janot thậm chí còn nhấn mạnh, tham nhũng không thể diễn ra tại Petrobras, nếu không có sự tham dự của ông Lula da Silva. 

Chủ tịch Công đảng (PT) Rui Falcao
Chủ tịch Công đảng (PT) Rui Falcao

Cựu Tổng thống Lula da Silva từng phủ nhận mọi cáo buộc của cựu Thượng nghị sĩ Decidio de Amaral - thiếu khách quan và không công bằng. Ông Lula da Silva và 5 nghi can (bao gồm Diogo Ferreira - cựu trợ lý của Thượng nghị sĩ Decidio de Amaral, chủ ngân hàng Andre Esteves, luật sư Edson Ribeiro, chủ nông trại Jose Carlos Bumlai và Mauricio Bumlai - con trai cựu Tổng thống) sẽ cùng hầu tòa một ngày.

Cựu Tổng thống Lula da Silva bị cáo buộc âm mưu “mua” sự im lặng của cựu Giám đốc Petrobras Nestor Cervero, người đã bị bắt từ năm ngoái. Tờ The Guardian (Anh) từng đưa tin, rằng cựu Tổng thống Lula da Silva đã nhờ cựu Thượng nghị sĩ Decidio de Amaral giúp đỡ gia đình ông Nestor Cervero vì cựu giám đốc Petrobras giữ vai trò giao liên trong các cuộc đàm phán giữa các chính khách với các quan chức Petrobras.

Và theo thỏa thuận, gia đình Mauricio Bumlai sẽ giúp gia đình ông Nestor Cervero trả án phí (ít nhất 77.000 USD). Có tin nói rằng, cựu Thượng nghị sĩ Decidio de Amaral từng lên kế hoạch giúp ông Nestor Cervero vượt ngục.../.

Hơn nửa năm trước (tối 10/3), Tòa án Sao Paulo đã ra lệnh tạm giam ông Lula da Silva. Theo quyết định tạm giam cựu Tổng thống, Tòa án Sao Paulo cho rằng, ông Lula da Silva có liên quan tới hoạt động rửa tiền, che giấu tài sản và làm giả giấy tờ.
Tòa án Sao Paolo đề nghị tạm giam ông Lula da Silva sau khi dẫn một đoạn video clip được một nghị sĩ của Công đảng đưa lên mạng xã hội, trong đó quay cảnh cựu Tổng thống điện đàm với bà Dilma Rousseff, yêu cầu tìm cách tháo gỡ cuộc điều tra nhắm vào mình.
Ông Lula da Silva bị tố cáo đã nhận hàng triệu USD tiền hoa hồng từ những hợp đồng giữa các công ty xây dựng với Petrobras, nhưng cựu Tổng thống đã bác bỏ các cáo buộc này, đồng thời cho rằng, việc cảnh sát cưỡng chế là “vở kịch của giới truyền thông” nhằm hạ thấp uy tín của ông./. 

Đọc thêm