Nơi thừa, nơi thiếu do đâu?
Trong cơn bão Yagi tàn phá miền Bắc, tấm lòng thiện nguyện và nhân ái của người dân cả nước đã thắp lên như một ngọn đuốc sáng. Tinh thần “lá lành đùm lá rách” ngàn đời của Nhân dân Việt Nam đã được thể hiện rõ qua những đoàn xe đầy ắp hàng hóa, những đoàn người nhiệt tình vận chuyển và trao tặng những vật phẩm thiết yếu đến với đồng bào vùng lũ.
Từ những thành phố lớn đến các làng quê, hàng ngàn đoàn xe chở đầy thực phẩm, quần áo, thuốc men và nhu yếu phẩm khác đã được huy động để kịp thời tiếp cận những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Phong trào gói bánh chưng, làm ruốc, nấu cơm, quyên góp nước, mỳ tôm, quần áo… để tiếp tế cho đồng bào vùng lũ được lan rộng khắp các tỉnh, thành. Các tổ chức từ thiện, hội nhóm và cá nhân không quản ngại đường xa, khó khăn để đưa những món quà nghĩa tình đến tay những người dân đang sống trong điều kiện khắc nghiệt.
Những hình ảnh đoàn xe nối đuôi nhau trên các tuyến đường và những người tình nguyện tận tay trao từng phần quà, đã cho thấy sức mạnh của sự đoàn kết và lòng nhân ái. Những hành động này không chỉ là sự hỗ trợ vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần quý giá, giúp người dân miền Bắc vững tâm hơn trong cuộc chiến chống lại thiên tai. Đồng thời, hoạt động thiện nguyện của người dân cũng đã góp phần sẻ chia bớt những gánh nặng lớn lao mà Nhà nước, các cơ quan, chính quyền địa phương đang đảm trách.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải lúc nào hành động thiện nguyện, xuất phát từ trái tim cũng đạt được hiệu quả như mong đợi.
Một trong những nguy cơ lớn nhất trong công tác cứu trợ thực phẩm là tình trạng lãng phí. Trong nhiều trường hợp, thực phẩm được quyên góp và vận chuyển đến các khu vực bị ảnh hưởng, nhưng do thiếu sự chuẩn bị và tổ chức, một phần không nhỏ đã bị hỏng không còn sử dụng được. Nguyên nhân là do việc bảo quản thực phẩm không đúng cách, thời gian vận chuyển quá dài hoặc điều kiện thời tiết không thuận lợi. Đã có nhiều trường hợp, bánh chưng, bánh tét và các thực phẩm khác đã bị thiu hỏng và phải vứt bỏ dọc đường cứu trợ, dẫn đến lãng phí không đáng có.
Thực trạng này không chỉ gây thiệt hại về mặt tài chính mà còn làm giảm “nhuệ khí” của các nhà hảo tâm, của những người làm từ thiện đầy nhiệt thành. Những hình ảnh hàng hóa bị hư hỏng, đổ bỏ, hàng dư chất đống gây nên nhiều nỗi xót xa và cả những tranh luận không đáng có trong cộng đồng.
Ngoài lãng phí, một vấn đề được đặt ra là thực phẩm cứu trợ không đến đúng nơi cần thiết. Một số khu vực người dân nhận được số lượng thực phẩm, hàng cứu trợ dồi dào, trong khi những khu vực khác lại thiếu thốn. Có trường hợp, những khu vực nổi bật, xuất hiện nhiều trên phương tiện truyền thông, các đoàn thiện nguyện lũ lượt đổ về, trong khi đó một số người dân vùng bị chia cắt do lũ, mất tín hiệu thì rơi vào cảnh “bơ vơ” chưa được các đoàn thiện nguyện quan tâm đến.
Anh Nguyễn Hồng Anh, trưởng một nhóm thiện nguyện tích cực hướng về đồng bào thiên tai chia sẻ kinh nghiệm: “Trong đợt bão lũ lần này, nhóm thiện nguyện chúng tôi, chủ lực gồm 20 người đã vận động được 4 chuyến xe, hàng chục ngàn sản phẩm, nhu yếu phẩm gửi đến đồng bào miền Bắc đang trong ảnh hưởng củ bão lũ.
Tuy nhiên, bản thân của đoàn chúng tôi cũng đã gặp một số sự cố không như ý, như toàn bộ số bánh mì chúng tôi hút chân không, khi đến tay người dân hầu như không được sử dụng vì bánh mì quá cứng. Xôi nắm mặc dù đã hút chân không vẫn bị thiu. Một số sản phẩm sữa bị vỡ hộp, ảnh hưởng đến các thực phẩm khác.
Đặc biệt, khu vực chúng tôi đến là một thị trấn nghèo, thông tin đưa về là đang rất thiếu thực phẩm, nhưng đến khi chung tôi đến, người dân nơi này đã nhận được dư dả đồ tiếp tế để sử dụng. Khi chúng tôi loay hoay di chuyển sang nơi khác thì nhiều thực phẩm lại bị hư hỏng.
Tôi cũng biết có một số đoàn cũng rơi vào tình trạng tương tự, hoặc gặp phải sự cố khác như không đi đến nơi dự định vì sạt đèo, nước dâng cao, thậm chí người đi làm từ thiện còn suýt gặp nguy hiểm, bị thương. Thực phẩm thì tồn đọng, hư hỏng... Đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho hoạt động từ thiện của đoàn chúng tôi về sau”.
Làm sao để quà thiện nguyện đến đúng nơi, phát huy hết hiệu quả?
|
Một thành viên đoàn thiện nguyện trao thực phẩm cho người dân Thái Nguyên trong cơn lũ. (Ảnh: Chung Dự Đông). |
Việc lãng phí thực phẩm và sự phân phối không đồng đều không chỉ là vấn đề về quản lý mà còn phản ánh sự thiếu sót trong việc nắm bắt nhu cầu thực tế và tổ chức công tác cứu trợ của một số đoàn từ thiện, đặc biệt là hoạt động thiện nguyện tự phát. Kinh nghiệm của những người làm thiện nguyện nhiều năm, tổ chức từ thiện chuyên nghiệp và hiệu quả cho thấy, trong tình hình bão lũ, nhu yếu phẩm thiết yếu là cần thiết nhưng cần phải được bảo quản đúng cách và vận chuyển kịp thời để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các đoàn cứu trợ, đặc biệt là những nhóm ở xa khu vực bão lũ, cần phải lựa chọn các loại hàng hóa phù hợp với nhu cầu cụ thể của người dân tại thời điểm đó.
Một vấn đề rất quan trọng của việc làm từ thiện hiệu quả, đó là khảo sát đúng nhu cầu thực tế và liên hệ chặt chẽ với địa phương. Nếu không có sự khảo sát, làm từ thiện chỉ bằng tấm lòng nhiệt huyết, các đoàn từ thiện dễ gặp phải trường hợp tốn bao công sức, tiền bạc, vất vả đường xa đến nơi mới nhận ra rằng người dân nơi mình đến không cần đến số hàng hóa mình đem theo.
Theo chia sẻ của ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, để bảo đảm công tác cứu trợ đến đúng địa điểm, đúng đối tượng, các đoàn cứu trợ vùng lũ cần chú ý phối hợp với chính quyền địa phương. Ông cho rằng, bài học thực tế cho thấy, chúng ta có nhiều hàng hóa nhưng nó bị trùng lặp, chỗ cần thì không có, chỗ thì lại thừa. Cần chuyển đúng đối tượng, thiện nguyện cũng phải công khai, minh bạch, thể hiện tinh thần chia sẻ.
Còn theo anh Nguyễn Hồng Anh, sau những kinh nghiệm quý báu từ việc làm từ thiện trong đợt bão lớn năm nay, anh và nhiều nhóm đã rút ra được bài học rằng, trước khi tổ chức quyên góp và hoạt động cứu trợ luôn phải có kế hoạch rõ ràng. Khâu tiếp theo là khảo sát, nắm bắt thông tin nhu cầu thực tế.
Quan trọng là phải làm việc, liên hệ được với chính quyền và cả người dân, đoàn thể hay tổ chức từ thiện ở địa phương. Ngoài việc hiểu rõ nhu cầu của người dân cần những gì mà cung ứng, còn nắm bắt được là khu vực đang muốn đến có thể dễ dàng di chuyển hay không, đang có ngăn trở gì có thể gây nguy hiểm... nhằm bảo đảm an toàn cho người làm từ thiện cũng như hành trình của hàng cứu trợ không bị gián đoạn.
Việc thiếu thông tin có thể không chỉ làm giảm hiệu quả của cứu trợ mà còn gây nguy hiểm cho chính các đoàn cứu trợ. Trong một số trường hợp, các đoàn cứu trợ có thể gặp phải tình trạng ngập lụt, sạt lở núi, hoặc lũ ống, dẫn đến nguy cơ cho tính mạng của chính mình và làm gia tăng gánh nặng cho các địa phương đang bị ảnh hưởng.
Hiện nay, theo phân tích của các chuyên gia, sau các đợt thiên tai, ngoài việc hỗ trợ nhu yếu phẩm cơ bản như gạo, chăn, màn, thuốc men, các đoàn cứu trợ cũng nên xem xét việc cung cấp tiền mặt một cách có kế hoạch, đến đúng người, đúng chỗ để giúp người dân tái thiết cuộc sống.
Trên thực tế thời gian qua, nhiều đoàn thiện nguyện đã thực hiện việc cứu trợ rất chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn cho thành viên đoàn, có kế hoạch rõ ràng, biết dự phòng rủi ro, đồng thời nắm vững thông tin và rất kịp thời có mặt ở những nơi người dân đang cần, cung ứng nhanh chóng những gì người dân đang thiếu thốn.
Có thể khẳng định, việc người dân cả nước chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiên tai là việc cần làm, nên làm, là nghĩa cử cao đẹp đáng trân trọng, nhưng quan trọng nhất là cần phải thực hiện một cách có kế hoạch và tổ chức để bảo đảm rằng mọi sự đóng góp đều được đến đúng nơi, giúp đúng người. Chỉ khi đó, hoạt động từ thiện mới thực sự đạt được hiệu quả như mong đợi.