*Chỉ thị số 40 thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với tín dụng chính sách – chính sách quan trọng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống. Vậy sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, hoạt động tín dụng chính sách đã có sự thay đổi như thế nào, thưa bà?
- Năm 2018 là năm thứ tư thực hiện Chỉ thị 40-CT/TƯ ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Có thể khẳng định rằng, Chỉ thị của Đảng đã đi sâu vào cuộc sống và tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Từ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH, đặc biệt, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Chỉ thị số 40 có rất nhiều nội dung, nhưng trong đó có một nội dung rất quan trọng, đó là chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn của các địa phương đó. Năm 2018 được đánh giá là năm mà các địa phương chuyển vốn từ ngân sách sang NHCSXH theo Chỉ thị 40 thành công nhất.
Cụ thể, riêng trong năm 2018, tăng trưởng nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 2.764 tỷ đồng, tăng cao nhất trong 16 năm qua, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương trên toàn quốc đến hết 31/12/2018 đạt 11.809 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH từ khi có Chỉ thị (năm 2014) đến nay đạt 8.000 tỷ đồng. Đây là một con số thể hiện sự quan tâm, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động chính sách xã hội.
* Chỉ thị 40 đã có tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến nhận thức của chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách. Qua thực tiễn triển khai, NHCSXH đánh giá như thế nào về hiệu quả của nguồn lực địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung và hoạt động của NHCSXH nói riêng?
- Có thể nói, nguồn lực của địa phương cũng đã mang lại một số kết quả tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung và hoạt động của NHCSXH nói riêng. Qua thời gian thực hiện, cấp ủy chính quyền các cấp đã có sự nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Trần Lan Phương. |
Nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương cũng đã giúp cho NHCSXH chủ động hơn về nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc đối với ngân sách Trung ương trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, với quy mô nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay, chính quyền địa phương cũng đã tích cực vào cuộc hơn, cùng với NHCSXH trong công tác quản lý việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn.
*Từ những kết quả đạt được sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, theo bà, có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm gì?
- Theo tôi, thứ nhất, đó là sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ổn định và bền vững của hoạt động tín dụng chính sách xã hội; kịp thời ban hành chính sách đồng bộ hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo bảo đảm thoát nghèo bền vững.
Thứ hai, NHCSXH đã xây dựng mô hình tổ chức đặc thù, tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị. Mô hình này đã huy động được sức mạnh của các tổ chức chính trị xã hội và toàn xã hội dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Thứ ba, cần tiếp tục duy trì và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương, thường xuyên làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về ý thức trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác và người dân trong việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Thứ tư, hằng năm, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị; kịp thời khen thưởng để động viên nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tồn tại để tổ chức thực hiện Chỉ thị tốt hơn cho những năm tiếp theo.
Năm 2019 này là năm thứ 5 thực hiện Chỉ thị 40. NHCSXH đã chủ động báo cáo và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng để triển khai việc tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức sơ kết năm năm kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian qua, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40 trong thời gian tới.
*Xin cám ơn bà.