Văn bản nói trên góp phần khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh; đồng thời đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính (TTHC).
Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP đảm bảo mục tiêu, yêu cầu sau:
Thứ nhất, bám sát các nội dung quy định của Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Thứ hai, đảm bảo nguyên tắc đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho DN, người dân, qua đó khuyến khích các DN, người dân sớm khôi phục sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nghị định 92/2021/NĐ-CP được bố cục gồm 5 Điều: Điều 1. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; Điều 2. Miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Điều 3. Giảm thuế giá trị gia tăng; Điều 4. Miễn tiền chậm nộp; Điều 5. Điều khoản thi hành.
Nghị định 92/2021/NĐ-CP được thiết kế theo hướng kế thừa hầu hết các quy định của Nghị định số 114/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, có bổ sung quy định chi tiết một số nội dung để phù hợp với Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14.
Về điều khoản thi hành, Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 quy định hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (19/10/2021). Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được áp dụng ngay các chính sách hỗ trợ, tại Nghị định 92/2021/NĐ-CP quy định hiệu lực thi hành từ ngày Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực thi hành.
Bộ Tài chính cho biết, các TTHC theo Nghị định 92/2021/NĐ-CP đã được quy định và được thực hiện theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, đối với trường hợp người nộp thuế xác định lại kết quả sản xuất kinh doanh của kỳ tính thuế năm 2020 mà bị lỗ (kết quả sản xuất kinh doanh mà người nộp thuế xác định lại khác với dữ liệu của cơ quan thuế) thì người nộp thuế lập văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp gửi đến cơ quan thuế. Hồ sơ đề nghị miễn tiền chậm nộp chỉ bao gồm duy nhất văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp và được gửi đến cơ quan thuế bằng một trong ba hình thức: điện tử, trực tiếp hoặc bưu chính.