Đưa Nghị quyết số 189/2025/QH15 vào cuộc sống: Dốc sức hiện thực hóa “giấc mơ” điện hạt nhân Ninh Thuận - Bài cuối: Cần những cơ chế mở hơn nữa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Các quyết sách ưu đãi đặc thù với điện hạt nhân (ĐHN) đã có nhưng để có được quy mô ĐHN như tiến độ Chính phủ giao được nhiều chuyên gia cho là sẽ có không ít khó khăn. Vậy cần làm gì để có thể đưa Dự án ĐHN vào hoạt động đúng thời hạn, đóng góp cho kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung?
Dự kiến nơi xây dựng vùng lõi Nhà máy điện hạt nhân 2 (thôn Thái An, xã vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). (Ảnh trong bài: PV)
Dự kiến nơi xây dựng vùng lõi Nhà máy điện hạt nhân 2 (thôn Thái An, xã vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). (Ảnh trong bài: PV)

Phải có sự chuẩn bị kỹ càng

Thực hiện hợp đồng “chìa khóa trao tay” là một trong những cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã “quyết” để đầu tư xây dựng Dự án ĐHN Ninh Thuận (gồm Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2) và các dự án thành phần. Thực hiện loại hình hợp đồng này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện Dự án.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, lựa chọn hợp đồng “chìa khóa trao tay” là quyết sách rất đúng đắn và kịp thời để xây dựng nhà máy ĐHN. Nhưng vẫn cần những cơ chế mở và mở hơn nữa để từ đó có thể đạt được những tiến độ đã đề ra. Bởi, để làm được ĐHN không đơn giản, cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cả về vốn, kỹ thuật, nhân lực, mới có thể phát triển được, trong đó phải ưu tiên nguồn vốn lẫn các hoạt động chuẩn bị cơ sở hạ tầng, mặt bằng và cả những điều kiện ưu đãi, những chương trình rút gọn quy trình để thực thi chuẩn bị các hồ sơ.

“Làm ĐHN có một quy trình rất chặt chẽ của các nhà đầu tư, do đó, bây giờ Việt Nam chỉ cần tạo điều kiện cho họ bằng các điều kiện khác để đáp ứng tiến độ xây dựng và phát triển. Họ phải được đáp ứng tối đa các điều kiện để thực hiện đúng tiến độ, đúng kế hoạch. Nhưng cũng không đơn giản”, ông Thịnh đánh giá.

Chuyên gia năng lượng, TS Nguyễn Huy Hoạch.

Chuyên gia năng lượng, TS Nguyễn Huy Hoạch.

Đây cũng là ý kiến mà chuyên gia, TS Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) chia sẻ với Báo PLVN. Theo TS Hoạch, cơ chế, chính sách nêu trên mới chỉ thỏa mãn, đáp ứng được tiến độ chuẩn bị đầu tư, đầu tư xây dựng đến giai đoạn ký hợp đồng đối với gói thầu “chìa khóa trao tay” xây dựng nhà máy chính. Nhưng khoảng thời gian từ khi ký hợp đồng xây dựng nhà máy chính đến khi phát điện thương mại hoàn toàn phụ thuộc vào việc đàm phán với nhà thầu quốc tế, tuân thủ theo các quy định bắt buộc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong việc bảo đảm cơ sở hạ tầng và chuyển bước thi công, cũng như quy định pháp quy hạt nhân hiện hành của nước xuất khẩu công nghệ.

TS Nguyễn Huy Hoạch phân tích, giai đoạn chuẩn bị Dự án hoàn toàn do chúng ta thực hiện nên có thể chủ động để rút ngắn thời gian. Nhưng đến khi thực hiện xây dựng Dự án chính (ký hợp đồng theo hình thức chìa khóa trao tay) thì phía nhà thầu thỏa thuận làm trong thời gian bao nhiêu đã được nêu trong hợp đồng, vì vậy chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu.

Đẩy nhanh hơn giai đoạn chuẩn bị

Trước câu hỏi có cách nào để đẩy tiến độ thực hiện xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 cho kịp với thời hạn Chính phủ đã giao, TS Hoạch lo lắng cho rằng “khó có thể đẩy tiến độ lên vì mình hoàn toàn “tay không”, không sản xuất được thiết bị, không làm chủ công nghệ... Trong khi đó, các thống kê cho thấy, Trung Quốc - với khả năng làm chủ công nghệ và nội địa hóa tới trên 70% các thành phần của ĐHN, một số dự án gần đây hoàn thành xây dựng trong 5 - 6 năm (tính từ khi khởi công xây dựng dự án).

TS Hoạch khẳng định, giai đoạn thực hiện xây dựng nhà máy, nếu chuẩn bị tốt thì đối với quốc gia lần đầu xây dựng nhà máy ĐHN vẫn có thể kéo dài từ 6 - 8 năm. Do vậy, thời gian để hoàn thành dự án đầu tư xây dựng các nhà máy sẽ phụ thuộc vào 2 mốc, gồm thời gian chuẩn bị dự án (từ 2 - 3 năm) đến khi ký hợp đồng đối với gói thầu “chìa khóa trao tay” xây dựng nhà máy chính, khoảng 6 - 8 năm thi công xây lắp theo kinh nghiệm quốc tế.

Tuy nhiên, TS Hoạch cho rằng, Việt Nam có thể đưa ra các thuyết phục về mốc thời gian hoàn thành trong quá trình đàm phán với nhà thầu thực hiện dự án. Điều này cơ quan chuyên môn cần có báo cáo cụ thể về các mốc thời gian chính để có các chỉ đạo phù hợp, bảo đảm hiệu quả Dự án.

Đồng thời, theo TS Hoạch: “Về đối tác thực hiện các Dự án ĐHN Ninh Thuận, chúng ta vẫn nên ưu tiên chọn và làm việc với 2 đối tác Nga, Nhật Bản là thuận lợi nhất về mặt thủ tục, ít phải chuẩn bị lại hồ sơ để tiết kiệm thời gian, cũng như kinh phí xây dựng Dự án”.

Đáng chú ý, theo chuyên gia này: “Cần phải lập lại Báo cáo nghiên cứu khả thi” bởi tuy vị trí bố trí nhà máy ĐHN không thay đổi (theo Báo cáo nghiên cứu khả thi lập tháng 9/2015), nhưng sau 10 năm, công nghệ phát triển ĐHN đã có những bước tiến, bởi thế cần tính toán lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện hiện nay. Chưa kể, giá thành công nghệ, giá thành xây dựng cũng thay đổi nên theo các số liệu công nghệ mới, cập nhật điều kiện tự nhiên (khí tượng, thủy văn, địa hình) có thể đã thay đổi trong thời gian qua. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ lập lại Báo cáo nghiên cứu khả thi (trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu khả thi lập tháng 9/2015) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Khẩn trương đào tạo nhân lực

Vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực kỹ thuật là vô cùng quan trọng trong quá trình triển khai và xây dựng nhà máy ĐHN. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giai đoạn đến năm 2017 (trước khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-QH của Quốc hội), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử tổng cộng 429 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến ĐHN tại các trường đại học của Nga, trong đó có 80 sinh viên là người Ninh Thuận.

EVN cũng đã cử 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến ĐHN, cử đi đào tạo lớp cán bộ khung gồm 24 kỹ sư tại Nhật Bản, đã làm việc với ROSATOM để xây dựng kế hoạch đào tạo chi tiết cho Dự án ĐHN Ninh Thuận 1. Tuy nhiên, hiện tại chỉ một số ít trong số nhân lực nêu trên đang làm việc tại EVN, còn phần đông làm việc ở nước ngoài hoặc chuyển sang các ngành, nghề khác.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Trong khi đó, để bảo đảm tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn, cần khoảng 1.200 người cho các vị trí như kiểm soát an toàn và bảo vệ bức xạ, quản lý dự án, quản lý và lãnh đạo nhà máy, vận hành khai thác - điều hành các lò, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ khác… Như vậy, với 2 Dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2, công suất 2x2.000MW, nhu cầu nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam cần khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể vận hành khi Nhà máy đi vào hoạt động.

Do đó, theo TS Hoạch, trong giai đoạn đầu của dự án, bên cạnh việc tận dụng nguồn lực hạn chế trong nước, việc tham gia của tư vấn nước ngoài là bắt buộc để Việt Nam có thể bổ sung khuyết thiếu, cũng như giúp các cán bộ của Việt Nam học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

Ngoài ra, trước mắt, cần có cơ chế, chính sách thu hút cán bộ kỹ thuật, sinh viên được đào tạo các chuyên ngành ĐHN đã trở về nước đang làm việc cho các cơ quan, tổ chức trong và ngoài EVN quay lại phục vụ Dự án, đặc biệt chú trọng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên được đào tạo nâng cao. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng lại kế hoạch đào tạo dài hạn nhân lực cho chương trình phát triển ĐHN. Kế hoạch này bao gồm đào tạo đại học (trong nước kết hợp với gửi ra nước ngoài đào tạo) và đào tạo sau đại học.

Đồng thời, cần triển khai ngay một chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ quốc gia về công nghệ và an toàn ĐHN nhằm nâng cao năng lực nội tại trong nước, hướng tới quản lý vận hành an toàn, hiệu quả, cũng như tiếp thu công nghệ phục vụ lâu dài các dự án ĐHN. Đào tạo đội ngũ chuyên gia về công nghệ và an toàn hạt nhân để có đủ năng lực dự báo/phòng ngừa, xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn (nếu có xảy ra) đòi hỏi thời gian dài với một kế hoạch đào tạo bài bản, từng bước.

Với đồng bộ các giải pháp như trên, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, kỳ vọng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần quan trọng, phục vụ đắc lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội đạt được các mục tiêu như các Nghị quyết đã đề ra.

Trao đổi với Báo PLVN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho biết: Trong Nghị quyết của Quốc hội về ĐHN Ninh Thuận có một số cơ chế, chính sách đặc biệt. Trong quá trình thẩm tra, Ủy ban đã có báo cáo thẩm tra nêu rất rõ quan điểm về các cơ chế, chính sách. Theo đó, có chính sách về lựa chọn nhà thầu, chính sách liên quan đến đàm phán hiệp định liên Chính phủ hay một số chính sách khác liên quan đến các phương án tài chính, phương án sắp xếp các chủ đầu tư.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Phương Tuấn cũng cho rằng, có một chính sách hiện nay được nhiều người quan tâm là chính sách về di dân, tái định cư nhằm ổn định cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch để xây dựng ĐHN. Nếu để di dân tự do, tái định cư mà chúng ta không ổn định được thì người dân sẽ không đồng thuận, phát sinh khiếu kiện hoặc kiến nghị kéo dài khi xây dựng nhà máy ĐHN.

Đáng chú ý, theo ông Tuấn, tỉnh Ninh Thuận rất khó thu hút các nhà đầu tư, trong khi tỉnh có xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn, nguồn lực rất hạn chế để triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc hỗ trợ thêm nguồn thu cho tỉnh Ninh Thuận trong thời gian này là hết sức cần thiết để vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa tạo điều kiện phát triển hạ tầng tạo thuận lợi để triển khai đầu tư xây dựng Dự án, trong đó có việc bồi thường, thu hồi đất, tái định cư và an sinh xã hội trong giai đoạn trước mắt. “Các chính sách cụ thể, dài hạn sẽ giao Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành”, ông Tuấn nói.

Đọc thêm