Đã có quy định cho phép sử dụng đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho hay, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia) đã cho phép sử dụng đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, không phải lập dự án, quản lý dự án theo hình thức đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn. (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn. (Ảnh: Quochoi.vn)

Tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đề xuất trong báo cáo của Chính phủ rà soát những vướng mắc của văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101 của Quốc hội.

Đối với cơ chế đặc thù hỗ trợ cho đối tượng chính sách thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị định 38 sửa đổi Nghị định 27 đã cho phép sử dụng đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, không phải lập dự án, quản lý dự án theo hình thức đầu tư, tài sản hình thành sau đầu tư cũng không xác định là tài sản công. Những vấn đề này đã được giải quyết ở Nghị định 38 sửa đổi Nghị định 27, cơ bản đến nay không có vấn đề gì phát sinh. Bộ trưởng đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, rà soát lại để có hướng dẫn phù hợp để Nghị định 38 được thực hiện tốt.

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật đã phân cấp việc kéo dài thực hiện vốn và kế hoạch đầu tư công hàng năm cho HĐND cấp tỉnh. Hiện nay, trong thực hiện có mất nhiều thời gian do tất cả đều trình lên cấp tỉnh, trong khi đó, ngân sách có 3 cấp: trung ương, tỉnh, huyện. Các địa phương đang đề nghị phân cấp theo hướng cấp nào sẽ kéo dài vốn ở cấp đó.

Cũng tại Phiên chất vấn, có đại biểu hỏi về dự án ODA, tiến độ hiện nay của các dự án ODA. Báo cáo với Quốc hội và đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thực trạng chậm so với yêu cầu.

Ngoài những nguyên nhân giống như là đầu tư công nói chung thì các dự án ODA còn phải chịu rất nhiều các quy định khác nhau. Ví dụ, như quy trình, thủ tục sẽ phức tạp hơn khi chúng ta phải thực hiện cả quy định ở trong nước về đầu tư công, các quy định của các nhà tài trợ nước ngoài và các quy trình, thủ tục đàm phán các hiệp định vay, thỏa thuận vay, điều chỉnh các hiệp định này cũng mất rất nhiều thời gian. Các dự án sau khi được hoàn tất các thủ tục khi thực hiện có sự điều chỉnh lại phải lặp một vòng thủ tục cả trong nước lẫn các điều chỉnh hiệp định nên các dự án này mất rất nhiều thời gian.

Mặc dù Nghị định 20 sửa đổi Nghị định 114 nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần phải nghiên cứu một cách căn cơ hơn nữa làm sao hài hòa hóa được thủ tục ở trong nước với thủ tục ở nước ngoài, đảm bảo chặt chẽ nhưng sẽ rút ngắn được thời gian hơn. Bình quân hiện nay mỗi một dự án phải mất ít nhất là 2 năm mới chuẩn bị xong được một thủ tục, sau đó nếu có phải điều chỉnh lại phải mất một quy trình phải mất 1 - 2 năm nữa. “Vấn đề này có tính đặc thù, đặc điểm như thế rất phức tạp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đọc thêm