Đa dạng giải pháp tiêu thụ nông sản tới vụ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa hè mỗi năm luôn là thời điểm tới vụ của hàng loạt các loại hoa quả của miền Bắc. Tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn hoa quả với đặc tính “tiêu dùng ngắn ngày” luôn là thách thức của nhiều địa phương.
Hiện đang là thời điểm cao điểm tiêu thụ vải thiều. (Ảnh: bacgiang.gov.vn)
Hiện đang là thời điểm cao điểm tiêu thụ vải thiều. (Ảnh: bacgiang.gov.vn)

Hàng trăm ngàn tấn nông sản tới vụ thu hoạch

Mùa vải 2024, tỉnh Bắc Giang dự báo sản lượng toàn tỉnh vào khoảng 100 nghìn tấn (trong đó vải sớm 50 nghìn tấn, vải chính vụ 50 nghìn tấn) và hiện đang là cao điểm tiêu thụ vải chính vụ. Tỉnh cũng vẫn đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu (XK) với diện tích khoảng 17.198ha, xuất đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Mỹ và số lượng lớn xuất sang Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Út - một cơ sở cân vải lớn ở xã Nam Dương (huyện Lục Ngạn) cho biết, năm nay, vải thiều mất mùa, sản lượng ít nên các thương nhân, doanh nghiệp phải đến tận vườn thì mới có thể thu mua được vải. Đáng chú ý, vải thiều đang lên giá từng ngày. Thời điểm này, vải thiều có giá bán cao, hiện đang duy trì khoảng 55.000 - 80.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của “loại quả nghìn tỷ” ở Bắc Giang.

Được biết, vải thiều tiêu thụ ở trong nước khoảng 54.400 tấn, trong đó tiêu thụ ở hệ thống chợ đầu mối 29.351 tấn, hệ thống bán buôn, bán lẻ khác 25.039 tấn. Sản lượng vải thiều XK ra nước ngoài đạt 24.342 tấn.

Trong khi đó, tỉnh Sơn La cũng đang duy trì trên 82.000ha cây ăn quả và cây sơn tra với diện tích cho thu hoạch năm 2024 ước đạt trên 63.200ha, sản lượng ước đạt trên 378.530 tấn. Trong đó, hiện đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch các loại quả có sản lượng lớn như nhãn (ước đạt 81.000 tấn), xoài (gần 80.000 tấn), chuối (gần 60.000 tấn)…

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, nhiều nhóm mặt hàng nông sản XK quan trọng của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh cao, khả năng thâm nhập các thị trường XK đang và sắp vào mùa như vải, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ… Các loại quả này có thể gặp phải trở ngại nhất định về thị trường tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch ồ ạt.

Hàng năm, Bộ Công Thương đều tổ chức các chiến dịch tiêu thụ nông sản tới vụ cho các địa phương ở khu vực phía Bắc. Trong đó phải kể đến chiến dịch tiêu thụ vải thiều với “slogan” “nhuộm đỏ các trang thương mại điện tử” của 2 năm trước đây. Tuy nhiên, năm nay, theo quan sát của PLVN, các chiến dịch dường như rất trầm lắng.

Lý giải về việc này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, sau nhiều năm cùng tổ chức tiêu thụ các loại nông sản tới vụ, các địa phương cũng đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức kết nối và xúc tiến kết nối với các hệ thống phân phối cũng như các kênh XK nên thường Bộ sẽ chỉ tham gia 1 - 2 sự kiện lớn đầu mùa, còn lại đa phần để các địa phương tự tổ chức.

Cần gia tăng giá trị cho quả tươi

Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, tiếp tục các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản mùa vụ như các năm, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh việc trao đổi, thúc đẩy hợp tác với chính quyền, cơ quan chức năng, doanh nghiệp của các nước, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… Cùng với đó, tỉnh thường xuyên liên hệ, trao đổi với các chợ đầu mối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn trong nước để kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều; chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều…

Ngoài ra, các địa bàn có sản lượng hoa quả tới vụ lớn cũng đã chủ động kết nối với các kênh, đặc biệt là các cửa khẩu biên giới để “mở đường” cho quả tươi XK. Hiện các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai đều đã thực hiện chính sách ưu tiên cho nông sản qua cửa khẩu.

Đại diện UBND huyện Lục Ngạn cũng cho biết, huyện đã thành lập các đoàn xúc tiến, tìm hiểu thị trường trong nước nhằm chủ động triển khai đồng thời đưa ra các giải pháp tiêu thụ vải tại các chợ đầu mối lớn của khu vực miền Nam như chợ Dầu Giây, chợ Thủ Đức. Ngoài ra, các kênh tiêu thụ truyền thống hàng năm vẫn thực hiện các tuần lễ hoa quả vùng miền vào mỗi dịp hè cũng vẫn tiếp tục thực hiện các chiến dịch này trong năm 2024 như hệ thống Co.op mart, Go! market...

Tuy nhiên, thách thức khá lớn đối với các địa phương trong dịp này chính là hàng trăm ngàn tấn nông sản chỉ có khoảng 1 - 2 tháng để tiêu thụ. Do đó, việc chế biến sâu vẫn đang được các địa phương tìm hiểu để thu hút đầu tư biến vùng trồng thành vùng chế biến nông sản.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến nghị, địa phương và doanh nghiệp cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ bằng cách biến thành sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp để có thể tiêu thụ quanh năm; hoặc ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây như sử dụng chế phẩm sinh học, màng bọc, chất bảo quản được phép để kéo dài tuổi thọ trái cây…