Đa dạng hóa các hình thức lấy ý kiến

(PLO) - Hôm qua (30/8), tại Vĩnh Phúc, trong khuôn khổ Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG), Bộ Tư pháp đã khai mạc hội thảo về phương pháp lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo quy định của Luật VBQPPL năm 2015. Với chủ đề về một nội dung mới của Luật 2015, hội thảo đã thu hút sự tham gia của rất nhiều chuyên gia đến từ các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội.
Đa dạng hóa các hình thức lấy ý kiến

Truyền tải ý chí của người dân thành ý chí của toàn xã hội

Giới thiệu tổng quan một số điểm mới của Luật 2015 về quy trình lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân vào quá trình xây dựng VBQPPL, ông Dương Bạch Long (Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) nêu bật điểm đáng chú ý là lần đầu tiên Luật Thiết kế quy trình xây dựng chính sách trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng VBQPPL. Luật cũng quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc huy động ý kiến của cá nhân, tổ chức vào giai đoạn xây dựng chính sách, lập đề nghị xây dựng văn bản.

Theo đó, các đề nghị xây dựng VBQPPL cần phải được lấy ý kiến đã được mở rộng gồm đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội; đề nghị xây dựng nghị định, đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND. Đối tượng lấy ý kiến, hình thức, nội dung lấy ý kiến thì được xác định chi tiết và linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng; thời gian đăng tải lấy ý kiến cũng dài hơn so với Luật cũ (30 ngày); trách nhiệm tiếp thu, giải trình của cơ quan lập đề nghị được quy định công khai, minh bạch hơn.

Đánh giá về những điểm mới trên, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh, với Luật 2015 thì chính sách là linh hồn của văn bản, song quan trọng là cần làm cho những chủ thể liên quan tin vào chính sách đó, nhất là những người chịu sự tác động của chính sách từ người dân, doanh nghiệp đến các cán bộ quản lý hàng ngày áp dụng chính sách. Ông Cương chia sẻ đã được tiếp cận công nghệ làm chính sách công của các nước phát triển nhưng làm sao cho phù hợp với nước ta là điều mà Bộ, ngành Tư pháp đang rất trăn trở. “Trong làm chính sách thì ý chí của người dân phải được truyền tải thành ý chí của toàn xã hội” - ông Cương quan niệm và khẳng định lấy ý kiến không đơn thuần là công cụ nâng cao chất lượng chính sách mà còn là kênh cung cấp thực tiễn hiệu quả, tạo sự đồng thuận, đáp ứng nhu cầu của xã hội, tăng tính khả thi của văn bản.

Đa dạng hóa các hình thức lấy ý kiến

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Thị Hạnh đồng tình cho rằng, phải bảo đảm sự tham gia của công chúng ngay từ đầu trong quá trình soạn thảo để chính sách thực sự là “ý chí chung” và lưu ý việc lấy ý kiến không thay thế được việc phân tích một vấn đề. Bà Hạnh đề xuất đa dạng hóa các hình thức lấy ý kiến, chứ không nhất thiết chỉ tập trung vào lấy ý kiến rộng rãi đối với công chúng. Từ kinh nghiệm xây dựng Dự án Luật Tiếp cận thông tin, theo bà Hạnh, có thể áp dụng các hình thức như lấy ý kiến tại các cuộc họp, tọa đàm, hội thảo; khảo sát phát phiếu hỏi hoặc phỏng vấn; gửi dự thảo tới các đối tượng cần lấy ý kiến; đăng tải dự thảo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tán thành quan điểm lấy ý kiến ngay từ đầu quá trình soạn thảo, bà Tạ Thanh Hoa (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, cơ chế tham vấn hiệu quả nên được bắt đầu sớm từ khi có ý tưởng chính sách, với các yêu cầu tối thiểu của việc công khai thông tin trên một cổng thông tin điện tử chung. Đáng chú ý, bà Hoa dẫn chứng nhiều trường hợp để nói lên ý nghĩa, lợi ích của việc doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật.

Chẳng hạn, sau kiến nghị của một nhóm DN, Bộ Tài chính đã sửa đổi quy định và các DN chỉ còn phải lưu trữ vận đơn điện tử, giúp giảm công sức quản lý từ 208 ngày làm việc xuống dưới 10 ngày làm việc mỗi năm. Hay quy định về ký quỹ khi nhập khẩu phế liệu, từ chỗ dự kiến yêu cầu DN phải ký quỹ vào Quỹ bảo vệ môi trường và chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu góp ý, sửa đổi cho phép DN ký quỹ vào ngân hàng thương mại và được hưởng lãi suất của ngân hàng.

Nhờ vậy, giúp tiết kiệm đến 90% chi phí giao dịch cho các DN và vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước... Nhận thấy Nhà nước đang dần tạo điều kiện cho DN tham gia sâu hơn, rộng hơn trong quá trình xây dựng văn bản, bà Hoa mong muốn sự tham gia này sẽ là bình đẳng, không phân biệt đối xử dựa trên quy mô DN và nguồn vốn.

Cũng ví dụ một số thành công khi tham gia phản biện, góp ý các dự luật (Luật Bảo hiểm y tế 2014, Luật Trẻ em năm 2016...), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo phát triển cộng đồng Nguyễn Trọng An lại kiến nghị các cơ quan triển khai việc lấy ý kiến cần gửi đủ hồ sơ khi yêu cầu góp ý như công văn giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý; bản tổng hợp ý kiến; bản so sánh (với dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung)... Theo ông An, như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia góp ý dự thảo văn bản, đảm bảo nội dung góp ý có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

Đọc thêm